Nỗi lo học sinh 'bốn mắt'

22/09/2017 05:20 GMT+7

Cận thị đang là căn bệnh thời đại của học sinh. Theo các chuyên gia nhãn khoa, tỷ lệ học sinh bị cận thị tăng lên theo cấp học. Học sinh các trường chuyên bị cận thị cao hơn học sinh các trường không chuyên.

Đâu là nguyên nhân?
Nhiều người vẫn tin rằng nguyên nhân chính gây cận thị cho trẻ là do học nhiều và đọc nhiều, nhưng một số nghiên cứu gần đây chứng minh thực tế không hẳn vậy.
Thủ phạm gây cận thị có thể là do thói quen xem ti vi quá gần. Nhiều bố mẹ hiện nay dùng ti vi như một công năng “giữ trẻ” để con khỏi nghịch ngợm, để con ăn uống nhanh, để con không đeo bám... Thói quen này làm cho mắt của trẻ quen với cường độ ánh sáng phản chiếu trên màn hình, quen với với việc ngồi hàng giờ xem ti vi, dẫn đến nhẹ là loạn thị, nặng là cận thị. Do đó mà có tình trạng rất nhiều bé, dù mới 3 - 4 tuổi nhưng mắt đã bị các tật khúc xạ chỉ vì lý do... xem tivi.
Cùng với ti vi, hiện nay iPad, máy tính, điện thoại... cũng được tận dụng để dụ trẻ. Không ít bé mới 4 - 5 tuổi đã gắn tuổi thơ của mình với công nghệ hiện đại này để rồi hậu quả là thị lực không còn nguyên vẹn như lúc sinh ra.
Ngoài việc cho trẻ nghiện các thiết bị điện tử, trẻ bị thiếu ngủ hoặc ít ngủ, trẻ sinh với trọng lượng cơ thể quá nhẹ, bố mẹ bị cận thị cũng là những yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ cận thị ở trẻ em.
Khắp nơi ám ảnh cận thị
Trước đây, mỗi lớp học chỉ có 3 - 5 học sinh đeo kính, nhưng hiện nay ở nhóm trường chuyên, lớp chọn tỷ lệ này vượt quá 30%, còn trường học bình thường tỷ lệ này cũng vượt trên 20%.
Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, số người đến khám tật khúc xạ chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân, và đối tượng chủ yếu tập trung ở các em học sinh. Theo PGS-TS-BS Trần Hải Yến - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, nguyên nhân gây cận thị ở trẻ có thể chia làm 2 loại, một là cận thị bẩm sinh, trong đó yếu tố di truyền đóng vai trò then chốt. Dạng cận thị này thường nặng, độ rất cao và dễ bị tổn thương thoái hóa võng mạc. Dạng thứ 2 gọi là cận thị học đường, chủ yếu do tác động từ môi trường, như thói quen sử dụng mắt, ánh sáng, thiết bị điện tử, tư thế sai... thường khởi phát ở lứa tuổi đến trường.
Theo các chuyên gia về mắt, nhìn gần liên tục không để mắt nghỉ ngơi khi chơi trò chơi hoặc xem phim, đọc sách... trên các thiết bị điện tử với thời gian dài rất dễ gây tổn thương cho mắt, chưa kể việc học tập trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo, đọc sách ở tư thế nằm, xem ti vi nhiều, ăn uống thiếu dưỡng chất... cũng gây tác động xấu đến thị lực.

Làm sao biết con bị cận thị?
Bác sĩ Trần Hải Yến cho biết cách đơn giản để biết trẻ có bị cận thị hay không là quan sát và để ý coi trẻ có nheo mắt mỗi lúc nhìn xa, có cúi quá gần sách vở hay chạy đến gần ti vi để quan sát cho rõ hoặc có thường xuyên dụi mắt, đi học chép bài sai, nhìn chữ có bóng...?
Khi phát hiện con có những dấu hiệu đó, bố mẹ nên dắt con đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác mức độ cận thị, loại cận thị để kịp thời phát hiện và điều trị các tổn thương.
Tại VN, tỷ lệ cận thị trong học đường hiện khoảng 30 - 40%, ở một số thành phố lớn, con số này còn lên tới 80%.
Bác sĩ Yến khuyến cáo trẻ cần được đeo kính đúng độ. Việc đeo kính nhằm giúp trẻ có được thị lực tốt, giúp phát triển thị giác hai mắt một cách hoàn thiện.
Chăm sóc mắt cận thị
Cách chăm sóc mắt đúng cách đối với trẻ bị cận thị là cần đo khúc xạ định kỳ, mỗi 6 tháng 1 lần, điều chỉnh kính đúng độ, đeo kính đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, khám kiểm tra võng mạc, tầm soát thoái hóa võng mạc do cận thị để điều trị phòng ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, cần sử dụng mắt hợp lý, luân phiên giữa thị giác xa (các hoạt động thể thao, giải trí ngoài trời, tiếp cận môi trường thiên nhiên...) và thị giác gần (đọc sách, học bài, tiếp xúc với các thiết bị điện tử). Tập thói quen nhìn gần trong khoảng cách từ 30 - 35 cm, điều chỉnh ánh sáng đúng, đủ; đồng thời bổ sung nhiều rau xanh, các thực phẩm chứa nhiều yếu tố vi lượng trong chế độ ăn uống, bác sĩ Yến khuyến cáo.

Trẻ cận thị nhẹ có phục hồi được không?
Gần đây, thông tin cho rằng trẻ bị cận thị nhẹ chừng 1 - 2 độ có thể phục hồi bằng phương pháp tập luyện đang bị hiểu nhầm, bác sĩ Yến nói. Giải thích về vấn đề này, bác sĩ Yến cho biết cận thị là do cấu trúc giải phẫu hoặc đặc tính công suất quang học của mắt nên không có cách tập luyện để chữa khỏi. Thông tin về việc tập luyện mắt, như: nhìn xa xen kẽ nhìn gần, mát xa cầu mắt hoặc dùng laser năng lượng thấp tác động vào vùng thể mi qua củng mạc... nhằm mục đích phục hồi thị lực thật ra chưa có chứng cứ khoa học chứng minh có tác dụng chữa khỏi cận thị. Các phương thức tập luyện được khuyến cáo hiện nay chủ yếu nhằm thư giãn điều tiết, giảm mỏi mắt trong trường hợp co quắp điều tiết gây nên hiện tượng “cận thị giả” hay xảy ra ở trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.