Tại một hội nghị công nghệ ở Canada vào ngày 28.6, TS Hinton đã thúc giục các chính phủ nhanh chóng hành động để đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) không "chiếm quyền kiểm soát" xã hội loài người. Đây là cảnh báo mới nhất từ nhà khoa học 75 tuổi, cựu chuyên gia Google và là người được trọng vọng vì những nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực AI.
Lời cảnh báo
"Chúng ta phải nghiêm túc xem xét khả năng chúng (AI) trở nên thông minh hơn chúng ta, chuyện dường như rất có thể sẽ xảy ra, và chúng có các mục tiêu của riêng mình, cũng là chuyện nhiều khả năng sẽ xảy ra… Chúng có thể phát triển mục tiêu chiếm quyền kiểm soát, và nếu chúng làm thế thì chúng ta sẽ gặp rắc rối", hãng thông tấn The Canadian Press dẫn lời ông Hinton phát biểu tại hội nghị công nghệ Collision ở Toronto (Canada) vào ngày 28.6.
'Ông trùm' công nghệ Elon Musk 'sợ' AI, kêu gọi làm luật quản lý
Chuyên gia này cho rằng trước khi AI trở nên thông minh hơn, các nhà phát triển cần nỗ lực xác định AI có thể chiếm quyền kiểm soát bằng những cách nào. Ông cũng chỉ ra sự mất cân bằng trong lĩnh vực hiện nay khi "có 99 người rất thông minh đang cố gắng làm cho AI tốt hơn và một người rất thông minh đang cố gắng tìm cách ngăn chặn AI tiếm quyền", theo AFP.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng đó không phải là khoa học viễn tưởng, không chỉ là gieo rắc nỗi sợ hãi... Đó là rủi ro thực sự mà chúng ta phải nghĩ đến, và chúng ta cần tìm ra cách đối phó trước", ông Hinton cảnh báo và bày tỏ lo ngại AI sẽ khoét sâu thêm sự bất bình đẳng, mang lại lợi ích cho người giàu chứ không phải cho tầng lớp lao động.
Người tiên phong
Đây không phải là lần đầu tiên TS Hinton cảnh báo về những mối nguy từ AI, bao gồm viễn cảnh "loài người bị xóa sổ", bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng ông đang phóng đại những mối nguy này. Hồi đầu tháng 5, nhà khoa học người Canada gốc Anh tiết lộ ông quyết định nghỉ việc tại Google sau hơn một thập niên để có thể tự do lên tiếng về vấn đề.
Sự nghiệp của ông Hinton, người được xem là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực "học sâu" (deep learning), được thúc đẩy bởi niềm tin cá nhân về sự phát triển của AI. Năm 1972, khi đang theo đuổi bằng tiến sĩ tại Đại học Edinburgh (Anh), ông đã bắt đầu nghiên cứu về "mạng lưới thần kinh nhân tạo" (ANN), một hệ thống toán học có thể học được các kỹ năng bằng cách phân tích dữ liệu, theo báo The New York Times.
Cảnh báo đáng sợ của cựu giám đốc Google: AI có năng lực 'bóp chết' loài người
Khi đó, rất ít nhà nghiên cứu tin vào ý tưởng này, nhưng nó đã trở thành công việc cả đời của ông Hinton. Năm 2012, ông và 2 nghiên cứu sinh đã xây dựng một ANN có thể phân tích hàng nghìn bức ảnh và tự học cách phân biệt các vật thể thông dụng. Cùng năm, Google mua lại công ty của họ với giá 44 triệu USD, và hệ thống mà họ phát triển đã trở thành nền tảng của những ứng dụng mới ngày càng mạnh mẽ, bao gồm ChatGPT. Một trong hai nghiên cứu sinh, Ilya Sutskever, sau đó cũng trở thành trưởng khoa học gia tại OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT.
Năm 2018, ông Hinton và 2 cộng sự lâu năm khác được trao giải Turing, giải thưởng thường được xem là giải Nobel trong lĩnh vực điện toán, nhờ nghiên cứu của họ về ANN.
Mỹ có thể siết kiểm soát công nghệ AI với Trung Quốc
Nguồn tin độc quyền của Reuters cho hay các quan chức Mỹ đang xem xét đưa thêm quy tắc kiểm soát xuất khẩu nhằm làm chậm dòng chảy chip AI sang Trung Quốc. Một trong số đó bao gồm hạn chế năng lực tính toán của chip.
Trong khi 2 nguồn tin ngày 28.6 cho biết bản cập nhật các quy tắc, vốn được ban hành hồi tháng 10.2022, có thể được công bố vào cuối tháng 7, một nguồn khác nói rằng các bước đi có tác động khó lường như vậy rất dễ bị trì hoãn. Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận.
Việc thắt chặt quy tắc khả năng cao sẽ ảnh hưởng nặng nhất đến Nvidia, công ty lớn trên thị trường chip AI của Mỹ. Giám đốc tài chính NVIDIA Colette Kress nói về lâu dài, các hạn chế sẽ khiến Mỹ mất cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới, cũng như tác động đến kết quả tài chính và kinh doanh của công ty trong tương lai.
Khánh Như
Bình luận (1)
Thời kỳ công nghệ 4.0 chúng ta tạo ra nó thì chúng ta cũng có thể xoá chúng được..không cần phải lo lắng