Nổi mề đay có phải dấu hiệu suy giảm chức năng gan?

Lê Cầm
Lê Cầm
21/08/2024 04:07 GMT+7

Mề đay có thể xảy ra do nhiều nguyên như như dị ứng với môi trường, các loại côn trùng, lông thú nuôi..., một số trường hợp có thể là dấu hiệu suy giảm chức năng gan nếu đi kèm các dấu hiệu đặc trưng.


Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, mề đay là tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nổi mề đay xảy khi cơ thể phản ứng lại sự xâm nhập của chất gây dị ứng bằng cách giải phóng các chất gây giãn nở mạch máu.

"Dịch từ mạch máu tích tụ lên da thành các nốt mẩn đỏ gây ngứa, có khi gây tình trạng viêm, sốt cho người bệnh. Mề đay được phân thành 2 dạng: Mề đay cấp tính (diễn ra từ vài giờ đến 6 tuần) và mạn tính (kéo dài trên 6 tuần)", bác sĩ Lịch chia sẻ.

Nổi mề đay có phải dấu hiệu suy giảm chức năng gan?- Ảnh 1.

Nổi mề đay tuy không nguy hiểm, nhưng dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh

Ảnh minh họa: Freepik

Mề đay có thể xảy ra do những nguyên nhân như: Dị ứng với các loại thực phẩm và chất phụ gia trong thực phẩm; dị ứng với các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, do lông động vật nuôi như chó, mèo...; do côn trùng cắn; do bụi hoặc phấn hoa; thành phần hóa chất trong các loại mỹ phẩm; do di truyền; do các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể gây ra

Ngoài ra, các đối tượng sau đây có nguy cơ nổi mề đay cao hơn bao gồm phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai và sau sinh, trẻ em.

Khi nào nổi mề đay là do suy giảm chức năng gan?

Theo bác sĩ Lịch, nổi mề đay tuy không nguy hiểm, nhưng dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa, triệu chứng phát ban này còn là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn, có thể kể đến là chứng suy giảm chức năng gan mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý.

Gan có vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất độc hại cho cơ thể. Khi chức năng gan bị suy giảm, chất độc không được chuyển hóa và tích tụ lại khiến cơ thể bị nổi mề đay, gây ngứa.

Suy giảm chức năng gan xảy ra bởi nhiều nguyên nhân như: Sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều rượu bia, chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất, stress trong thời gian dài, thức khuya, chế độ sinh hoạt thiếu cân bằng… Nếu không được điều trị kịp thời, suy giảm chức năng gan có thể dẫn đến xơ gan - một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư gan.

Nổi mề đay do suy giảm chức năng gan có thể nhận biết khi xuất hiện đồng thời cùng các triệu chứng khác như thường xuyên mệt mỏi, tình trạng đầy bụng, khó tiêu diễn ra liên tục, vàng da hoặc da có màu tối, vàng mắt, buồn nôn và tiêu chảy

Mề đay có thể lây từ người này sang người khác không?

Bác sĩ Lịch cho biết, mề đay không phải bệnh truyền nhiễm, do đó không thể lây truyền từ người này sang người khác. Khi có nhiều người cùng mắc tình trạng nổi mề đay, nó có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: Di truyền trong cùng gia đình, sinh hoạt chung trong môi trường dễ bị dị ứng hoặc cùng sử dụng thực phẩm có chất gây dị ứng cơ thể.

Phòng tránh tình trạng nổi mề đay

Để phòng ngừa tình trạng nổi mề đay, bác sĩ Lịch khuyến cáo:

  • Tuân thủ lối sống lành mạnh - khoa học: Không thức khuya, duy trì tập luyện thể dục thể thao tăng cường sức khỏe.
  • Không ăn uống các loại thức ăn chứa chất gây dị ứng cho cơ thể bản thân.
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn như rượu, bia...
  • Bổ sung chất xơ, các thực phẩm có tính mát vào khẩu phần ăn hằng ngày.
  • Sinh hoạt ở nơi thông thoáng, sạch sẽ.

"Khi phát hiện cơ thể bị nổi mề đay, người bệnh không nên tự sử dụng thuốc để điều trị mà nên đến các phòng khám, bệnh viện uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thực hiện thăm khám nhằm phát hiện chính xác nguyên nhân gây tình trạng nổi mề đay và điều trị", bác sĩ Lịch khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.