Một đời sống khác nhiều màu
Khi những bức tượng màu trắng ngà ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) đột nhiên được sơn đổi màu, nhiều họa sĩ thế hệ 6X, 7X cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt. Những bức tượng đã khác hẳn với thời kỳ họ còn là cô bé cậu bé đến công viên và ngây ngất với những vòng đu quay. “Bây giờ, cần đặt câu hỏi do đâu mà chui ra hiện tượng như thế này”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nêu.
Tuy nhiên, ông Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm mỹ thuật Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS), không nghĩ vậy. “Nhiều người chê bai, dè bỉu mấy bức tượng được sơn lòe loẹt ở công viên Thống Nhất. Cá nhân tôi thấy ổn. Trong một không gian xanh, rộng, màu của đá và kích thước nhỏ như mấy tượng này sẽ rất nhợt nhạt, chả ai để ý tới. Có màu sẽ bắt mắt hơn. Mục đích nguyên thủy của những tượng này vốn là trang trí và đại chúng, nay trang trí đậm tính thị giác hơn và có tính pop art hơn thôi”, ông Thắng lên tiếng.
Nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình, Phó chủ nhiệm Khoa Điêu khắc (ĐH Kiến trúc Hà Nội), lại cho rằng việc tô tượng như vậy cần được nhìn đa chiều hơn. “Theo tôi, tô tượng như thế là sai vì điêu khắc là hình khối, chỉ cần hình khối là đủ đẹp. Chưa kể trước họ sơn màu ghi. Nhưng nó cũng có câu chuyện của tượng công cộng ở ta là tính bền vững quá lâu. Nó tồn tại lâu quá nên mọi người thấy nhàm chán. Nên sự thay đổi màu sắc họ cũng cho là nhìn đỡ buồn, dù buồn cười vớ vẩn nhưng đỡ buồn. Nó đáp ứng nhu cầu thích cái tươi mới”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình: “Người sơn tượng hết sức hồn nhiên ngây thơ kiểu tượng da phải trắng, tóc phải đen, y như trẻ con tập tô. Nếu họ có ý thức và thẩm mỹ tốt hơn, họ có thể sơn thành các tông như toàn bộ xanh, hay toàn bộ đỏ. Tượng sơn lại mà hấp dẫn thì chả ai nói gì được. Quan điểm của tôi là đưa màu sắc vào không sai. Nhưng đưa vào thế này nó buồn cười quá”.
|
Tạo ra nỗi nhớ
Về bản chất, việc tô tượng ở công viên Thống Nhất không khác gì việc vườn tượng ở hồ Gươm (Hà Nội) từng bị bỏ bê, vỡ nát trong nhiều năm trước. “Nó chứng tỏ người quản lý coi thường vai trò của các tượng vườn hoa, công viên nên đối xử với nó tùy tiện. Người dân ít có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với tượng nên thấy nó trở nên xa lạ, nếu có tổn thương họ cũng mặc kệ”, một chuyên gia mỹ thuật nói.
Chưa kể, theo nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, nhiều người vẫn hình dung về điêu khắc là những tượng đài lớn và do đó, ít đầu tư cho những vườn tượng nhỏ gần gũi. Trong khi đó, những bức tượng nhỏ nhắn trong khuôn viên vườn hoa, công viên lại là điều người Pháp trước kia làm thường xuyên. Họ có tượng Louis Pasteur ở gần Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư bây giờ. Bức tượng Bà đầm xòe (Nữ thần Tự do) cũng được đặt ở vườn hoa Chí Linh gần hồ Gươm. Những bức tượng cóc phun nước được đặt ở tháp nước vườn hoa mà sau này người dân quen gọi là vườn hoa Con cóc… “Đã đến lúc cần có nhiều tượng nhỏ ở các công viên, vườn hoa hơn”, ông Đạt nói.
Về điều này, ông Thái Bình cho rằng, giờ đây tại nhiều địa phương khi nhà cao đã bão hòa, nhu cầu tượng bắt đầu xuất hiện. “Ở Sa Pa chẳng hạn, rõ ràng, việc xây nhà sát nhau đã khiến các không gian không có được nét đặc trưng riêng. Vì thế, việc đặt tượng vào các không gian này sẽ tạo ra khác biệt hấp dẫn hơn. Cũng đã có những đơn hàng tượng vườn như vậy”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, nên tạo không gian nhiều hơn cho điêu khắc đường phố. “Cái hay của điêu khắc đường phố là nó “nhảy xổ” vào lòng người dân. Đó là những tác phẩm của nghệ sĩ tại không gian công cộng mà không cần tính bền vững quá cao. Tượng chỉ cần tồn tại 1 - 2 tháng, 1 - 2 năm rồi sau đó nó lại biến mất để các bức tượng mới tái sinh ở đấy. Nó thay đổi liên tục theo xu hướng, theo gu. Cái đấy mới làm người ta thấy hấp dẫn. Sự tồn tại quá lâu dễ làm người ngắm chán. Hiện tại, điêu khắc đường phố là một trong những đồ án lớn của sinh viên Khoa Điêu khắc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội”, ông Bình nói. Những không gian có tượng, theo ông Bình, sẽ đi vào lòng người dân thành nỗi nhớ.
Bình luận (0)