CÔNG NHẬN NHIỀU LẦN VÀ MỞ RỘNG
Hạ Long (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng), với PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, chưa bao giờ tách rời về mặt giá trị địa chất. Dưới làn nước biển xanh thẳm là những tháp caster, còn trên mặt biển là những đỉnh tháp caster ấy. Tài nguyên của cả một vùng rộng lớn đó là các dạng địa hình dạng chóp nón, dạng dãy, các thung lũng dạng tuyến kéo dài dọc theo các dãy, hang luồn. Tuy nhiên, những yếu tố này ở Hạ Long lại ngập trong nước biển, còn ở Cát Bà nó hiện hẳn ra. Chưa kể, Cát Bà còn bổ sung cho vịnh Hạ Long giá trị sinh học và đa dạng sinh thái với những con voọc, rồi hệ sinh thái rừng vẫn còn ở Cát Bà…
PGS-TS Trần Tân Văn, người làm hồ sơ UNESCO cho liên minh Hạ Long - Cát Bà, chia sẻ: "Chúng tôi là những nhà nghiên cứu đã mong muốn cả hai trở thành di sản thiên nhiên thế giới từ lâu. Thực chất nó là một thôi. Hạ Long - Cát Bà không thể tách rời, và khi gộp lại được, chỉ có tốt trở lên".
Để có được điều "chỉ có tốt trở lên" này, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản nhiều lần. Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với "giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ". Năm 2020 vịnh này được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chuẩn về "giá trị địa chất, địa mạo". Năm 2023, lần thứ ba Hạ Long đã được UNESCO mở rộng quy mô di sản khi nối liền với Cát Bà trong một vùng thiên nhiên không tách rời ý nghĩa.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một di sản thiên nhiên thế giới "vắt" qua địa giới hành chính của hai địa phương. Điều này không giống với di sản văn hóa phi vật thể, đã có nhiều di sản Việt được UNESCO ghi danh là di sản liên địa phương, đa quốc gia.
Nhưng không chỉ có vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là nối liền, còn có những di sản khác liên tục được mở rộng, hoặc mở rộng rồi kết nối. Trong số này, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh lần đầu hồi năm 2003 với "giá trị ngoại hạng về địa chất và địa mạo", lần thứ hai vào năm 2015 với "là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa, phát triển của các hệ sinh thái trên cạn" và "sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học". Cũng trong năm 2015, khu di sản này được chấp thuận mở rộng diện tích khu vực bảo tồn lên gần gấp rưỡi…
Kết nối của hai công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng lại có nét đặc thù. Theo những quy định của UNESCO về hệ thống cao nguyên đá, hai điểm đến này không thể nối lại với nhau, vì nếu muốn, cần phải làm lại hồ sơ. Tuy nhiên, sự gần gũi về địa lý, với các vùng đệm rất gần nhau này cũng giúp cả hai công viên có thể "thông nhau" trên thực địa.
KHAI THÁC LIÊN NGÀNH, KẾT NỐI LIÊN VÙNG
Bên cạnh 8 di sản thế giới, đến nay Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 9 khu ramsar được UNESCO công nhận và ghi danh, ngoài ra còn có 34 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn khác. Với các di sản thiên nhiên, sự phát triển của du lịch trong thời toàn cầu hóa không nên, không chỉ và sẽ không thể nằm trong một giới hạn hành chính nhỏ hẹp mà sẽ phải vươn ra, vươn lên và vươn tới toàn cầu. Cần thay đổi mạnh tư duy "điểm du lịch" thành tư duy "tuyến du lịch", "vùng du lịch".
Hai công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng hoàn toàn có thể lập "tuyến du lịch". Theo PGS-TS Trần Tân Văn, cũng là người làm hồ sơ UNESCO cho hai công viên này, nếu Cao nguyên đá Đồng Văn hoành tráng, dữ dội, nghẹt thở, khô khát, mạnh mẽ... thì Non nước Cao Bằng lại rất xanh, mềm mại, dịu dàng, rất thân thiện, hòa bình, như một người phụ nữ. Cộng thêm Vườn quốc gia Ba Bể, cả ba có thể hình thành một vòng cung du lịch di sản thiên nhiên trên miền Đông Bắc.
Công viên địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng với hệ thống hang động núi lửa còn ẩn chứa nhiều bí mật. Nhưng công viên này còn ở rất gần với những di sản văn hóa vật thể như di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh, và phi vật thể như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Công viên địa chất này cũng còn liên thông với các vườn quốc gia Yok Don, Tà Đùng, Cát Tiên và các khu bảo tồn thiên nhiên khác.
Điều đó có nghĩa là bên cạnh kết nối các di sản thiên nhiên với nhau, chúng ta còn có một hệ thống di tích cũng như di sản phi vật thể khác có thể cùng kết nối. Nói cách khác, cùng với liên kết đa vùng còn có đa lĩnh vực, đa ngành. Phát triển du lịch cũng chính là cách thức, là con đường để phát huy hiệu quả "sức mạnh mềm" văn hóa mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang lựa chọn. Bên cạnh phát triển du lịch còn cần phát triển công nghiệp văn hóa để chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa dân tộc vào trong các loại hình và sản phẩm văn hóa - du lịch.
Có lẽ vì thế, ở công viên địa chất Hà Giang, câu chuyện nhà Vương vẫn luôn thu hút. Tại công viên Non nước Cao Bằng, các chuyên gia nước ngoài đặc biệt thích thú với các di sản kiến trúc thời Pháp trong khu vực công viên, cụ thể là ở khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. Người Nùng ở khu vực công viên này cũng đang có những dự án để giữ nghề làm giấy bản đã hàng trăm năm tuổi của cha ông. Loại giấy trước đây chủ yếu làm vàng mã, chép gia phả, chép các làn điệu dân ca hay dán bàn thờ, trang trí nhà cửa thì giờ đã được làm thành sản phẩm du lịch, sổ thơ, giấy vẽ, quạt giấy.
Kết nối liên vùng không chỉ còn là chuyện của ngành du lịch, mà tất yếu đặt ra đối với cả các cấp chính quyền và nhiều ngành khác, nếu muốn khai thác lợi thế tiềm năng tài nguyên di sản của mình. Điều này cho thấy cần sự thay đổi trong tư duy quản lý - khai thác di sản. Trong tầm nhìn hướng đến tương lai, với tư duy rộng mở, các di sản thiên nhiên sẽ được liên kết với các điều kiện phát triển. Thiên nhiên tươi đẹp, môi trường xanh, sạch và những di sản đặc sắc sẽ là hình ảnh mang thương hiệu quốc gia của đất nước.
Bình luận (0)