Nokia hy vọng chiếm phần 5G trên sân nhà của Huawei

07/06/2020 14:18 GMT+7

Nokia đang tăng cường mở rộng thị phần tại Trung Quốc , nơi nhà sản xuất thiết bị viễn thông Phần Lan đã phải chật vật để đảm bảo chỗ đứng.

Dù đã hoạt động nhiều năm tại Trung Quốc, nhưng Nokia vẫn không thể phá vỡ thị trường này. Giờ đây, Nokia đang kỳ vọng sự có mặt của giám đốc điều hành mới Pekka Lundmark sẽ đưa công ty tiến lên tại một trong những thị trường lớn nhất, cạnh tranh nhất thế giới. Và một trong những mong muốn đặc biệt của Nokia là thâm nhập vào ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng 5G của Trung Quốc, nơi công ty đang phải đối mặt với đối thủ khổng lồ Huawei Technologies.
Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào lĩnh vực công nghệ cao mà các công nghệ mới, như thiết bị thông minh, xe thông minh và tự động hóa công nghiệp, phải phụ thuộc vào. Để đạt được điều đó, nước này đã khai thác dữ liệu từ 1,4 tỉ dân và đang đầu tư mạnh vào 5G để tạo điều kiện truyền thông cho kho thông tin khổng lồ. Đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến thế hệ mạng di động thứ năm của ba nhà mạng viễn thông hàng đầu Trung Quốc dự kiến sẽ đạt tổng cộng 180 tỉ nhân dân tệ (khoảng 25,2 tỉ USD) trong năm nay, tăng hơn bốn lần so với năm trước, theo Nikkei.

Mỹ khuyên Anh xem lại quyết định cho Huawei tham gia phát triển mạng 5G

Tham vọng dẫn đầu 5G của Trung Quốc là yếu tố mà Nokia đang nuôi hy vọng có thể tận dụng. Trong một cuộc họp báo cách đây hơn một tháng, ông Rajeev Suri, Giám đốc điều hành hiện tại của Nokia, bày tỏ mong muốn sẽ giành được đơn đặt hàng cho các hệ thống 5G cốt lõi từ China United Network Communications (còn được gọi là China Unicom). Tính đến cuối tháng 4.2020, Nokia cho biết đã ký hợp đồng liên quan đến 5G với khoảng 70 hãng viễn thông trên thế giới, nhưng khách hàng ở khu vực Trung Quốc rộng lớn, bao gồm cả Đài Loan, chỉ chiếm khoảng 6%. Nokia, Huawei và Ericsson là những công ty đang cùng dẫn dầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị 5G, kiểm soát khoảng 80% thị trường toàn cầu cho các trạm gốc di động.
Tháng 9 tới sẽ là thời điểm ông Pekka Lundmark lên nắm quyền điều hành Nokia. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 3.2020, ông cho thấy nhiều kinh nghiệm mà ông đã có ở Trung Quốc, và nói rằng ông có thể củng cố vị thế của Nokia tại thị trường tỉ dân một khi ông lên đảm nhận chức vụ mới.
Song, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất Nokia đụng phải Huawei. Hãng viễn thông Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của mình trên khắp châu Âu, khu vực vốn là thị trường trọng điểm của hãng thiết bị viễn thông Phần Lan. Huawei đã ký 91 hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông 5G thương mại, trong đó gần 50 hợp đồng là ở châu Âu. Huawei hồi tháng 2.2020 cho biết sẽ xây dựng một nhà máy thiết bị liên lạc trị giá khoảng 222 triệu USD ở Pháp, với mục đích tăng số đơn hàng tại châu Âu.

Mỹ định "chèn ép" nguồn cung chip toàn cầu của Huawei

Các sản phẩm của Huawei được cho là rẻ hơn từ 20% đến 30% so với các sản phẩm của Nokia và Ericsson. Huawei đã đầu tư rất lớn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bất chấp lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Huawei, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông châu Âu vẫn muốn hợp tác với ông lớn công nghệ Trung Quốc.
Nokia trước đây là thương hiệu phổ biến trên thị trường điện thoại di động và từng chiếm một nửa thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hãng này bị tụt lại phía sau khi các công ty khác chuyển sang sản xuất điện thoại thông minh trong 10 năm qua. Năm 2013, Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft, và ông Rajeev Suri lên tiếp quản vị trí giám đốc điều hành ngay sau thương vụ này. Dưới sự lãnh đạo của ông Rajeev Suri, Nokia đã mua lại Alcatel-Lucent, nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Pháp, vào năm 2005 với giá khoảng 18,6 tỉ USD. Ông cũng đã thành công chuyển đổi nhà sản xuất điện thoại di động thành công ty hạ tầng viễn thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.