Quy tắc tranh luận
Đài ABC News hôm qua đã công bố toàn bộ quy tắc của cuộc tranh luận ngày 10.9 giữa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên phía đảng Dân chủ Kamala Harris. Theo đó, mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để trả lời các câu hỏi, 2 phút để phản bác và thêm 1 phút để theo dõi hoặc phản hồi những gì đối phương đã nói. Hai ứng viên sẽ được cung cấp giấy, bút và chỉ được phép ghi chú trong lúc cuộc tranh luận dài 90 phút diễn ra.
Ngoài ra, micrô sẽ chỉ được bật cho ứng viên khi đến lượt phát biểu và sẽ tắt khi đến lượt người còn lại nói. Chỉ có người điều phối mới được phép đặt câu hỏi, trong khi nhân viên của chiến dịch tranh cử không được tương tác với các ứng viên trong 2 lần tạm nghỉ để đài phát quảng cáo. Cả hai bên đã đồng ý với bộ quy tắc do ABC đưa ra, dù chiến dịch của bà Harris trước đó đề nghị micrô được mở trong suốt cuộc tranh luận, theo tờ The New York Times.
Trước đó, ông Trump đã thắng trong lần tung đồng xu được tổ chức trực tuyến hôm 3.9 để xác định vị trí bục phát biểu và thứ tự phát biểu chốt màn. Cựu tổng thống chọn sẽ phát biểu cuối cùng và bà Harris chọn vị trí bục phát biểu bên phải trên màn hình, tức bên trái sân khấu. Sẽ không có phát biểu mở đầu và mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để phát biểu cuối. Cuộc tranh luận sắp tới sẽ được ABC News tổ chức tại Trung tâm Hiến pháp quốc gia ở TP.Philadelphia thuộc bang chiến trường Pennsylvania và được truyền hình trực tiếp vào lúc 21 giờ ngày 10.9 (theo giờ Mỹ).
Tổng thống Putin ủng hộ ông Trump hay bà Harris trong bầu cử Mỹ?
Tốc lực chuẩn bị
Cuộc tranh luận sắp tới mở đầu cho giai đoạn căng thẳng nhất của chiến dịch tranh cử và đây sẽ là cuộc mặt đối mặt đầu tiên giữa bà Harris và ông Trump, theo AFP. Nhằm chuẩn bị cho cuộc tranh luận, bà Harris sẽ đến Pennsylvania trong ngày 5.9 (theo giờ Mỹ) và sẽ ở lại đó tới ngày 10.9. Bà Harris dự kiến đến TP.Pittsburgh, nơi bà sẽ lập chiến lược với các cố vấn và mài giũa đường lối tấn công của mình, theo CNN.
Trong khi đó, ông Trump cho biết đang chuẩn bị cho cuộc tranh luận thông qua các buổi nói chuyện trong quá trình vận động tranh cử và các cuộc thảo luận chính sách với một nhóm trợ lý thân cận. Trong ngày 5.9, ông dự kiến có bài phát biểu từ xa trong cuộc họp của Liên minh Do Thái Cộng hòa ở TP.Las Vegas (bang Nevada) và tham dự một sự kiện tại Câu lạc bộ Kinh tế New York ở New York.
Kết quả cuộc thăm dò CNN công bố ngày 4.9 cho thấy cuộc đua vẫn rất gay cấn ở 6 bang chiến trường quan trọng có khả năng quyết định kết quả bầu cử. Theo đó, bà Harris dẫn trước ông Trump ở Wisconsin và Michigan, lần lượt là 50% - 44% và 48% - 43%. Trong khi đó, ông Trump lợi thế hơn bà Harris ở Arizona với 49% so với 44%. Tại Georgia và Nevada, 48% người được hỏi ủng hộ bà Harris so với 47% dành cho ông Trump, còn ở Pennsylvania, hai ứng viên đều nhận 47% ủng hộ.
Ông Trump gây sốc, nói mình 'có tất cả quyền' can thiệp kết quả bầu cử
Ông Putin tuyên bố ủng hộ bà Harris
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương đông ở Nga hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông ủng hộ bà Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, dù ông được cho là người ủng hộ ông Trump, theo Reuters. Ông Putin nói thích tiếng cười "có sức lan tỏa" đặc trưng của bà Harris. Nhà lãnh đạo Nga còn cho rằng bà Harris sẽ có lập trường bớt cứng rắn với Nga và sẽ không cấm vận thêm nếu đắc cử. Trước đó, Tổng thống Nga nói rằng ông ưu tiên ông Biden vì vị lãnh đạo Dân chủ là chính trị gia truyền thống, có thể dễ đoán hơn so với ông Trump. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đánh giá của Tổng thống Putin về ông Biden cũng áp dụng cho cả bà Harris, theo Sputnik.
Bình luận (0)