Tuyến số 1 sát vạch đích vẫn chưa hết chông gai
"Nãy vừa ra khỏi cửa đã thấy tàu metro chạy xình xịch ngay trên đầu", chị Khánh Linh (nhà ở gần cầu Rạch Chiếc, TP.Thủ Đức, TP.HCM) hào hứng kể với hội bạn khi vừa bước chân vào nhà hàng ăn tối. Suốt 1 năm qua, người dân TP.HCM đã dần quen với việc nhìn thấy tàu metro chạy thử nghiệm trên đường ray, quen với tiếng còi hụ mỗi khi tàu vào ga. Thế nhưng, tuyến metro số 1 mới chỉ chạy thử theo kịch bản như hoạt động thực tế từ sáng tới đêm khoảng 1 tuần nay.
Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), đơn vị vận hành tuyến metro số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên), thông tin: Sau thời gian vận hành thử các tình huống bao gồm vận hành bình thường và vận hành khẩn cấp với công suất 20% so với thiết kế từ ngày 14.10 đến hết 8.11, tuyến đường sắt đô thị số 1 triển khai chạy thử nghiệm theo kế hoạch với 100% công suất thiết kế.
Theo đó, các đoàn tàu hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ mỗi ngày, giãn cách mỗi chuyến tàu từ 4 phút 30 giây đến 10 phút. Có 14 tàu hoạt động trên tuyến chính và 3 đoàn tàu dự phòng tham gia vận hành thử nghiệm theo 2 phương án: vận hành bình thường theo các ngày trong tuần và vận hành vào các ngày nghỉ lễ. Quá trình chạy thử nghiệm như thật vừa diễn ra từ 11 - 17.11. Kế hoạch vận hành sau hôm nay 18.11 sẽ được thảo luận thêm giữa các bên liên quan.
Dự kiến, từ ngày 18 - 31.11, nhóm Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá an toàn để trình Cục Đường sắt thực hiện công tác thẩm định an toàn theo quy định của luật Đường sắt. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ tiến hành nghiệm thu để chấp thuận đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, dự kiến trong tháng 12.
Mốc thời gian tháng 12 càng tới gần, người dân TP càng hồi hộp bởi giấc mơ metro 16 năm qua cũng đã rất nhiều lần tới sát vạch đích rồi lại tạm ngưng. Lần này, phía chủ đầu tư đang tiến rất nhanh trên hành trình 50 ngày đêm "chạy đua" tiến độ đưa tuyến metro đầu tiên của TP đi vào hoạt động, song vẫn chưa hết trắc trở.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM cho biết tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hiện đã đạt khoảng 98,81% khối lượng công việc. Trong đó, việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống đang hoàn thiện với 10/13 báo cáo hoàn thành. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc do bất đồng nội bộ giữa các nhà thầu trong liên danh gói thầu CP1a (xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP). Cụ thể, Liên danh SMC4 (Liên danh Sumitomo Mitsui - CIENCO4 là tổng thầu của gói CP1a) chưa thống nhất trong việc ký kết các hồ sơ của dự án. Hiện vẫn còn thiếu chữ ký của thành viên liên danh Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 trong các phụ lục hợp đồng.
Trước tình hình này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) đã tiến hành nhiều buổi làm việc với cả hai thành viên của liên danh, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của Sumitomo Mitsui và CIENCO4. MAUR đề nghị 2 bên nỗ lực trao đổi, thỏa hiệp để thống nhất giải pháp, giải quyết triệt để các vướng mắc nội bộ trên tinh thần hợp tác và hỗ trợ, tránh ảnh hưởng tiến độ dự án. MAUR cũng nhấn mạnh nếu các hồ sơ này không được cung cấp đúng hạn, đơn vị sẽ báo cáo lên UBND TP.HCM và Bộ GTVT, thậm chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, nhằm có biện pháp xử lý mạnh mẽ, triệt để và dứt điểm. Mặc dù vậy, đến nay, nội dung này vẫn chưa được các bên liên quan giải quyết dứt điểm.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và Bộ GTVT chỉ đạo CIENCO4 khẩn trương hoàn thành các hồ sơ nêu trên trong tháng 11 nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án. Trong trường hợp không tuân thủ, lãnh đạo ngành giao thông TP đề xuất cần có các biện pháp xử lý đối với các dự án GTVT khác mà Công ty CIENCO4 đang tham gia, bao gồm biện pháp hạn chế đấu thầu có thời hạn trên địa bàn TP.HCM.
Trước câu hỏi của Thanh Niên: "Tuyến metro số 1 có chắc chắn sẽ chạy thương mại vào tháng 12 này?", cả lãnh đạo MAUR và Sở GTVT TP.HCM đều trả lời ngắn gọn: "Chúng tôi tin vẫn sẽ theo kế hoạch".
Tuyến số 2 lại chờ điều chỉnh lùi tiến độ
Trong mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP.HCM, tuyến metro số 2 là tuyến xuyên tâm dài nhất với tổng chiều dài toàn tuyến 48 km. Hiện tại, dự án xây dựng tuyến metro số 2 đang được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) đang được triển khai. Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 11.10.2010 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4880 ngày 14.11.2019. Theo kế hoạch ban đầu, công trình có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỉ đồng này sẽ hoàn thành vào năm 2026. Sau đó, do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn nên dự án được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030.
Rút kinh nghiệm từ tuyến số 1, tuyến Bến Thành - Tham Lương đã được đổi mới rất nhiều trong cách triển khai dự án. Đơn cử, dự án được áp dụng cách làm mới, đảm bảo GPMB "sạch", hạ tầng kỹ thuật "sạch" 100% trước khi thi công các dự án chính. Đây cũng là công trình đầu tiên của TP ứng dụng mô hình thông tin công trình từ khảo sát, thiết kế cho tới giám sát, triển khai thi công; được áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình triển khai thi công như khoan kích ngầm, hệ thống điện ngầm, hệ thống cấp nước ngầm...
Thế nhưng, tuyến metro số 2 vẫn đang phải đối diện nguy cơ tiếp tục lùi tiến độ.
Theo ông Vũ Văn Vịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 - MAUR, đến nay các quận đã hoàn tất thủ tục thu hồi đất, đạt 100% (585/585 trường hợp), với tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 98,6% (577/585 trường hợp) để phục vụ thi công tuyến metro số 2. Còn 8 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng thuộc trường hợp phải cưỡng chế nên trình tự xử lý mất nhiều thời gian. Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, các nhà thầu đang tổ chức thi công đồng loạt tại 12 vị trí. Từ nay đến cuối năm, cơ bản đấu nối xong phần lòng đường, sang năm đấu nối thêm các cáp nước tại một số tuyến đường cần cáp nước đường ống lớn. Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã huy động máy móc và công nhân làm việc 3 ca 4 kíp, liên tục cả ngày lẫn đêm, đồng thời chia các mũi thi công để thúc đẩy tiến độ dự án.
Tuy nhiên, tại một số vị trí chưa bàn giao mặt bằng sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai mũi thi công của các nhà thầu. Bên cạnh đó, hồ sơ quản lý, biên bản nghiệm thu và thực tế thi công tại công trường có nhiều điểm vênh, cần phải thay đổi biện pháp thi công và trao đổi, làm việc với các chủ sở hữu, cũng khiến kéo dài thời gian của công trình. Ngoài ra, công trình chủ yếu thi công trên trục đường Cách Mạng Tháng 8 có lưu lượng phương tiện rất lớn. Mặc dù được cấp phép thi công từ 20 giờ nhưng thực tế phải tới 23 giờ, lưu lượng xe mới giãn giảm, đủ điều kiện thuận lợi nhất để thi công. Đến 5 giờ sáng, các nhà thầu phải trả lại mặt bằng để không ảnh hưởng tới việc lưu thông của người dân. Cùng với mùa mưa nên cũng ảnh hưởng khá nhiều tới tiến độ.
Về phía thủ tục, việc thu xếp tài chính cho dự án gặp nhiều khó khăn do thay đổi điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế. Đặc biệt, việc bổ sung khoản vay từ KfW cho gói thầu tư vấn CS2B bị trì hoãn do các thủ tục chưa được hoàn tất. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ khi phải chờ các sở ngành liên quan báo cáo và thông qua UBND TP trước khi trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án tài chính.
Theo MAUR, để đạt được mục tiêu hoàn thành xây dựng metro số 2 vào năm 2030, công tác thi công phải được triển khai vào năm 2025. Việc cập nhật hồ sơ mời thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án cần hoàn thành trong năm 2025, đồng nghĩa với việc phải huy động được tư vấn CS2B trong thời gian sớm nhất.
"Hiện MAUR cùng Sở GTVT và các sở, ngành liên quan đang cân nhắc điều chỉnh lại một số mốc tiến độ phù hợp với việc hoàn thiện pháp lý phần điều chỉnh vốn cho dự án", ông Vũ Văn Vịnh thông tin thêm.
Gần 500 km đường sắt đô thị chờ cơ chế đặc thù
Từ Kết luận số 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP.HCM đã điều chỉnh quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị.
Theo đó, đến năm 2035, dự kiến TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km metro gồm các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5, 6. Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36 km metro để hoàn thiện các tuyến, nâng tổng chiều dài tuyến lên khoảng hơn 351 km (sẽ có thêm tuyến số 7). Dự kiến tới năm 2060, TP xây dựng hoàn thành các tuyến số 8 (42,8 km), 9 (28,32 km), 10 (87,84 km), nâng tổng chiều dài lên khoảng 510,02 km.
Các tuyến đường sắt đô thị sẽ được ưu tiên triển khai lần lượt trên các hành lang có nhu cầu hành khách đi lại lớn, phù hợp với loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn trong đô thị; đầu tư tuyến xuyên tâm trước, sau đó đến các tuyến vành đai. Ngoài ra, các vị trí như kết nối giữa các trọng điểm phát triển, đầu mối hành khách; liên kết được các phương thức vận tải. Các tuyến tạo ra cơ hội để phát triển TOD, tăng giá trị quỹ đất xung quanh các nhà ga; phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực cũng sẽ được ưu tiên triển khai lần lượt.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 790.528 tỉ đồng (không bao gồm chi phí đã đầu tư xây dựng cho tuyến 1 Bến Thành - Suối Tiên và một phần chi phí đã giải ngân cho tuyến 2 Bến Thành - Tham Lương trước năm 2025).
Để có thể hoàn thành đề án "siêu khủng" này, TP.HCM đã đề xuất 31 cơ chế chính sách đặc thù nhằm rút ngắn các khâu, đầu tư dành riêng cho đường sắt đô thị và đa dạng phương thức huy động nguồn vốn. Hiện Đề án đã được Tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM thống nhất thông qua. Bộ GTVT đang chủ trì, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai các bước tiếp theo gồm trình Thường trực Chính phủ; báo cáo Bộ Chính trị; trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM trong kỳ họp gần nhất. Nếu theo đúng kế hoạch, toàn bộ các công tác trên sẽ được hoàn thiện trong tháng 11 này.
Theo tờ trình giá vé sử dụng metro vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM xem xét, khách đi metro số 1 dự kiến trả 6.000 - 20.000 đồng mỗi lượt, tùy hình thức thanh toán và quãng đường. Đối với vé tháng (không giới hạn số lượt đi), áp dụng 300.000 đồng mỗi khách. Riêng học sinh, sinh viên mua vé tháng được giảm 50%, còn 150.000 đồng/tháng.
Để khuyến khích người dân trải nghiệm tuyến metro đầu tiên, TP.HCM sẽ miễn phí vé trong 30 ngày đầu khai thác thương mại. Chính sách này áp dụng cho cả 17 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp với metro, giúp người dân trải nghiệm sự tiện lợi của việc di chuyển công cộng.
TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển 11 đô thị nén dọc các tuyến metro số 1, số 2 và Vành đai 3 theo mô hình TOD. Theo đó, giai đoạn từ nay tới năm sau, TP.HCM dự kiến phát triển TOD tại 9 vị trí dọc 3 dự án trên.
Đây là một trong những bước tiến đầu tiên tại VN nhằm ứng dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng nhằm giải quyết các vấn đề giao thông, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững.
Bình luận (0)