Nóng trên mạng xã hội: Đừng kiếm tiền bằng việc livestream vô cảm

12/12/2020 09:24 GMT+7

Những người livestream vô cảm trong đám tang của cố nghệ sĩ Chí Tài và những người nổi tiếng khác trước đây vẫn bất chấp cầm máy đứng quay hình dù bị dư luận phản ứng, cư dân mạng “ném đá”.

Không biết các đoạn clip ấy mang lại cho họ lợi nhuận thế nào, bao nhiêu like, bao nhiêu view nhưng vừa phản cảm, vừa vi phạm pháp luật.
Thông tin nghệ sĩ (NS) Chí Tài qua đời khiến nhiều người hâm mộ không khỏi tiếc nuối, xót xa trước sự ra đi đường đột này. Chính vì vậy, nơi bảo quản thi hài của ông được nhiều nghệ sĩ, người dân đến thăm với mong muốn được nhìn mặt ông lần cuối. Không chỉ vậy, rất nhiều YouTuber, đội ngũ livestream cũng có mặt để “tường thuật trực tiếp”. Hôm nay, lễ viếng NS Chí Tài sẽ diễn ra, cư dân mạng “hãy nói không” với đội ngũ này.

Vô cảm trên nỗi đau người khác

Việc kiếm tiền lâu nay luôn là lý do chính đáng, bởi nó giúp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Chính vì thế mà pháp luật cũng bảo hộ cho hoạt động lao động, sản xuất kinh doanh hợp pháp. Để tạo ra của cải vật chất, bên cạnh việc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, thì chúng ta cũng cần phải kiếm tiền một cách “không vô cảm” hay nói đúng hơn là không nên lợi dụng hoàn cảnh đau buồn của người khác, để làm công cụ kiếm tiền cho mình. Vốn dĩ, người Việt mình với văn hóa Á Đông, tình đồng loại, đồng bào là một trong những thứ tình cảm vô giá. Chính sự thông cảm, chia sẻ cùng nhau trong những hoàn cảnh khó khăn là vũ khí lợi hại để giúp những người rơi vào hoàn cảnh đau buồn sớm vượt qua những nỗi đau, mất mát.
Do vậy, việc kiếm tiền dựa trên lợi dụng hoàn cảnh đau thương của người khác là đi ngược lại với đạo lý con người, văn hóa ngàn đời được cha ông gây dựng. Chúng ta không thể vô cảm với nỗi đau của người khác, nếu chúng ta không thật sự chia sẻ được, thì ít ra cũng không làm cho nỗi đau đó thêm đau buồn hơn, khi phát tán các hình ảnh, nội dung này.

Nghệ sĩ Công Hậu trong vòng vây của đội ngũ livestream, YouTuber

ảnh: CTV

Coi chừng vi phạm pháp luật

Thời 4.0, công nghệ phát triển - công cụ giúp thúc đẩy sự phát triển xã hội và đây cũng là cơ hội để những ai biết tận dụng nó, biến nó thành công cụ kiếm tiền. Những người có ý thức, có định hướng sẽ biết xây dựng kế hoạch kiếm tiền đường hoàng, tốt đẹp. Cũng có người vì muốn kiếm tiền hoặc danh lợi nổi tiếng phù du mà bỏ qua rất nhiều giá trị của xã hội, văn hóa để cố thực hiện. Họ sẵn sàng thực hiện việc phát trực tiếp các đám tang, các thông tin về đời sống riêng tư của những người được công chúng quan tâm nhằm câu view, câu like, nhưng họ không hiểu rằng đó là sự vô cảm với đồng loại và nó còn biến họ trở thành những người vi phạm pháp luật khi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa được phép theo quy định của bộ luật Dân sự 2015 và Hiến pháp năm 2013.
Không chỉ livestream, nhiều YouTuber tự ý sử dụng hình ảnh của người khác, của gia đình người mất, thậm chí cắt ghép hình ảnh thi hài NS Chí Tài vào các clip, để gây chú ý cho người xem khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Hai hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, theo quy định tại điểm e, khoản 3, điều 102 Nghị định 15/2020 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông).
Không những thế, nếu người livestream hoặc các YouTuber tập trung đông người tại nơi công cộng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, tang quyến thì họ còn có nguy cơ bị khởi tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318, bộ luật Hình sự 2015, có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 7 năm tù.
Mỗi chúng ta đều mong muốn có một xã hội tươi đẹp, hơn ai hết, chúng ta cũng cần cùng nhau nâng cao ý thức pháp luật, chia sẻ với nỗi đau thương của người khác, tránh những hành động chỉ vì mục đích của cá nhân. Đừng vì sự ích kỷ mà đánh mất những giá trị cốt lõi, đạo đức và văn hóa ngàn đời nay. Cũng đừng vì cám dỗ của đồng tiền mà biến ta thành những người vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.