Tuổi thơ 'dữ dội' của NSND Bạch Tuyết
Trong chương trình Hạnh phúc ở đâu, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết đã có những chia sẻ về một phần tuổi thơ của mình trước khi trở thành một "đào chính" nổi tiếng vào năm 16 tuổi. Khi MC Đại Nghĩa gợi ý về câu chuyện tuổi thơ của bà, NSND Bạch Tuyết hào hứng chia sẻ: "Năm 12 tuổi, tôi đi hát lót ở phòng trà vì có một chú làm trong ban nhạc. Hồi đó, có lẽ do thân quen nên được đi hát trong khi ca sĩ chính chưa tới. Tôi nhớ tiền hát một bài là may được một cái áo dài, cho nên mình vừa hát vừa mong ca sĩ chính tới trễ để mình hát thêm được nhiều". Bên cạnh đó, bà cũng bật mí thêm việc phải trốn gia đình để đi diễn và thỉnh thoảng bị đòn vì bị phát hiện.
|
Hơn thế nữa, NSND Bạch Tuyết còn trải lòng: "14 tuổi là đua xe với mấy đứa con trai, mình đua xe gắn máy. Nói chung là giang hồ lắm! Vì mẹ mất sớm nên buồn quá, còn mẹ kế thì lại lo con của bà ấy nên không thể lo cho mình. Đứa trẻ đó cảm thấy cô đơn nên bây giờ khi tôi thấy những bạn trẻ đua xe, tôi cảm thông lắm. Thấy rầm rộ vậy thôi chứ ngồi xuống nói chuyện một lát là khóc liền. Sự trống rỗng ở bên trong và sự cô đơn khiến cho người ta muốn nổi loạn". Sau khoảng thời gian "nổi loạn", bà được gia đình đưa vào trường nội trú và bắt đầu nổi tiếng trong trường. Trong quá trình học tập ở đây, bà có cơ hội gặp gỡ những bậc tiền bối về đờn ca tài tử, từ đó, tài năng của nữ nghệ sĩ được phát hiện và nổi tiếng hơn.
Bị nói 'khùng' vì nghệ sĩ cải lương đi học tiến sĩ
|
Sau khi chia sẻ về quá trình đến với nghề nghiệp cũng như cơ duyên gặp gỡ những người thầy giỏi như NSND Phùng Há, NSND Năm Châu, nghệ sĩ Kim Cúc,... Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết tiếp tục tâm sự về quyết định sang nước Anh du học. "Hồi đó, có vài người nói tôi khùng, hát cải lương mà học tiến sĩ. Nghe mắc cười", bà kể lại. Song song đó, nữ nghệ sĩ còn nhớ lại những kỉ niệm và khó khăn khi sang nước ngoài du học. NSND Bạch Tuyết chia sẻ: "Trời ơi, gian khổ! Cho đến bây giờ ai mà nói đến chuyện đi học là quánh chết đó. Khi ở Việt Nam, ra đường ai cũng biết, ai cũng thương Bạch Tuyết đến khi rời khỏi thì một mình cô độc. Cho nên bao nhiêu sự ức chế, bao nhiêu chuyện khiến tôi từng quăng sách vở, ngồi hụp xuống khóc. Đó là một chuyện, còn thứ hai là cứ mỗi tuần phải ca giọng cổ mà phải ca lớn lên. Thế là yêu đời, yêu người và học tiếp".
Ngoài ra, bà còn tâm sự việc theo đuổi nghệ thuật thiền giúp bản thân nhìn nhận một cách rõ hơn về bộ môn nghệ thuật cải lương. "Từ việc thiền, mình nhìn nghệ thuật cải lương tương đối rõ hơn, mình nhận ra một giá trị cao quý hơn nhiều đối với một loại văn hóa dân tộc. Tức là mỗi ngày phải học để làm người như lời của các người thầy dạy như NSND Nguyễn Thành Châu và NSND Phùng Há. Có thể nói rằng hai vị này không chỉ dạy mình hát cải lương mà còn dạy nhân cách làm người. Nhiều việc như vậy đã hình thành một nghệ sĩ Bạch Tuyết đến bây giờ khán giả vẫn thương", nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết bộc bạch.
Bình luận (0)