Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Hạnh được đông đảo khán giả yêu mến qua những vai diễn trong phim truyền hình. Đến giờ, không thể nhớ hết Trần Hạnh đã tham gia bao nhiêu bộ phim, chỉ nhớ rằng ông đóng mác với những vai diễn khắc khổ, người nông dân hiền hậu, hay người ông hiền từ.
Nhiều người vẫn quen gọi ông là “lão nông” Trần Hạnh. Còn theo cách nói như bây giờ, đặt cho ông cái tên “người ông quốc dân” cũng chẳng sai.
Từ sân khấu kịch đến phim truyền hình
Cuộc đời của ông cũng nhiều nỗi cơ cực chẳng khác là mấy với những vai diễn của ông. Trần Hạnh kể, ông mồ côi cha khi mới 8 tuổi. Từ năm 16 tuổi, ông đã làm nghề đóng giày trên phố Tràng Tiền để mưu sinh.
“Tôi vốn có máu yêu nghệ thuật nên ngày đi đóng giày, tối về lại đi tập kịch ở Câu lạc bộ Thanh Niên chỗ hồ Thiền Quang”, NSND Trần Hạnh nói. Thấy ông diễn kịch duyên dáng, có năng khiếu, lại thương ông vất vả, nên một người quen đã giới thiệu ông về Đoàn kịch Hà Nội (sau này là Nhà hát Kịch Hà Nội). Đó là năm 1959, lúc đó ông đã 30 tuổi.
|
Dù theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp muộn hơn nhiều người, nhưng Trần Hạnh vẫn tạo được nhiều dấu ấn trên sân khấu kịch. Ông đã giành 2 huy chương vàng với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa và vai Vũ Kiêm trong Tiền tuyến gọi.
Năm 1989, ông nghỉ hưu theo quy định. Không diễn kịch nữa, ông tham gia đóng phim truyền hình. Bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90, Trần Hạnh được đông đảo khán giả biết đến qua sóng truyền hình.
Đằng sau nụ cười hiền của “lão nông” Trần Hạnh
Suốt bao năm, nhiều người đi qua đường Trần Quý Cáp, gần cổng ga Hà Nội, đều nhận ra ông diễn viên bán hàng trong một cửa hàng nhỏ. Khi khỏe, ông vẫn hằng ngày ngồi bán hàng phụ giúp con dâu. Cách đây 4 năm, tôi hẹn gặp ông để thực hiện bài phỏng vấn, ông bảo cứ đến cửa hàng ở đường Trần Quý Cáp.
Ông không nhớ địa chỉ cụ thể, nhưng dù thế, cũng chẳng khó khăn gì để tôi tìm ra. Bởi đến đây, từ đầu đường đến cuối đường, hỏi thì ai cũng biết cửa hàng của con dâu ông diễn viên Trần Hạnh.
|
Tôi tò mò hỏi ông vì sao lại muốn trò chuyện ở cửa hàng thay vì ở nhà riêng của ông ngay gần đó. Ông mới bảo, nhiều phóng viên đến nhà ông chụp ảnh rồi đưa lên. “Làm thế như tôi bày cái khổ ra để người ta thương hại. Tôi không muốn như vậy”, ông nói.
Năm 23 tuổi, Trần Hạnh lấy vợ. Vợ chồng ông lần lượt có 7 người con. Hai ông bà nhọc nhằn nuôi nấng các con từ khi đất nước chiến tranh, cho đến khi đất nước hòa bình, trải qua thời bao cấp gian khó. Cuộc sống gia đình thêm phần vất vả khi vợ ông bị tai biến, nằm liệt trong nhiều năm. Bà qua đời cách đây 8 năm. Người con trai út của ông cũng không may bị tai nạn, không tự chăm sóc được bản thân đã hơn 20 năm nay. Cuộc sống của gia đình ông chỉ trong căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông.
Cuộc sống dẫu có nhiều vất vả, khó khăn nhưng ông luôn thấy đủ với những gì mình có. “Tôi thấy mình trông lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì hơn bao nhiêu người”, NSND Trần Hạnh nói. Ông bảo: “Đừng nhìn tôi khổ mà nói không được cái gì. Tôi lãi nhiều chứ. Làm diễn viên, tôi được hiểu nhiều, biết nhiều, được nhiều tình cảm quý mến. Mà tình cảm con người với tôi mới là điều làm tôi mừng”.
Biết tin được xét tặng danh hiệu NSND ông mừng lắm, bảo “thấy khỏe hơn”. Một mắt ông đã không còn nhìn rõ nữa, những bước chân đã run hơn, vậy nhưng người diễn viên năm nay đã ở tuổi 91 vẫn mong sẽ có được một vai diễn mới.
Có lẽ, ngọn lửa nghề chưa bao giờ tắt ở người nghệ sĩ của nhân dân này.
Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1982 - 1984. Đến năm 1989, ông về hưu theo quy định.
Không tiếp tục đứng trên sân khấu kịch, ông tham gia đóng phim, đó cũng là thời điểm phim truyền hình bắt đầu bước chuyển mới. Đến giờ, chẳng thể kể hết những bộ phim truyền hình nghệ sĩ Trần Hạnh đã tham gia.
Trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1996, ông được nhận giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong bộ phim Nước mắt đàn bà.
|
Bình luận (0)