Nữ bác sĩ và phần mềm giúp hạn chế tối đa sai sót trong truyền máu

Đình Tuyển
Đình Tuyển
25/09/2019 04:27 GMT+7

Bằng việc số hóa quy trình truyền máu , phần mềm GCLP-BLOOD hạn chế tối đa sai sót có thể xảy ra trong truyền máu khi loại bỏ hoàn toàn ghi chép hành chính, giám sát, cảnh báo tự động trong cấp phát máu cứu người.

Những âm thanh “tít… tít” từ máy đọc mã vạch cùng những thao tác như tính tiền trong siêu thị, chỉ khoảng 30 phút, kỹ thuật viên huyết học đã hoàn thành việc nhập kho cả trăm túi máu, với lượng lớn thông tin. Công đoạn này, sẽ mất ít nhất 2 giờ khi ghi chép thủ công.
Tương tự, chưa đầy 30 phút, túi máu và hồ sơ truyền máu đã được phát cho điều dưỡng đưa đi cấp cứu người bệnh. Phần mềm đã giúp rút ngắn một nửa thời gian phát máu khẩn và ¾ thời gian phát máu thường quy so với trước đây.

Tránh truyền nhầm máu bằng số hóa quy trình

Ths.BS Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ, người nghiên cứu và đề xuất ứng dụng phần mềm GCLP-BLOOD trên, cho biết quy trình truyền máu cho bệnh nhân bắt đầu từ việc điều dưỡng đi thu thập mẫu máu người bệnh, sau đó tạo nhãn ống máu. Tiếp đến, mẫu máu được đem tới phòng xét nghiệm thực hiện tra chiếu, giao nhận.

Thay vì phải ghi chép các ký tự bằng tay thì nhận viên có thể quét bằng máy quét mã vạch để kiểm tra, đối chiếu máu

Ảnh: Đình Tuyển

Thông thường trên mỗi túi máu nhận từ nơi cấp đều có một mã vạch gồm 12-14 ký tự. Bệnh viện nhân bản thêm 2 tem mã vạch giống hệt mã vạch túi máu; trong đó, 1 tem dán trên ống máu xét nghiệm cho túi máu, 1 tem dán trên hồ sơ lãnh máu của bệnh nhân.
“Công đoạn này rất quan trọng, để việc kiểm tra đối chiếu không bị nhầm lẫn. Trước đây, khi không nhân bản mã vạch này, nhân viên thường phải ghi bằng tay 12-14 ký tự, những rủi ro nhầm lẫn dù rất hiếm nhưng vẫn suýt xảy ra một vài lần trong năm”, BS Thy nói. Bác sĩ phân tích thêm: “Khi sử dụng GCLP-BLOOD, các công đoạn được số hóa và sai sót bằng không. Cụ thể, trong quy trình truyền máu, các kết quả xét nghiệm từ thiết bị phát máu sẽ được tự động gửi về phần mềm, trên cơ sở dữ liệu đó có sự đối chiếu giữa các lần phát máu của bệnh nhân. Qua đối chiếu, nếu phù hợp, phần mềm mới cho lệnh in xuất phiếu truyền máu; nếu không phù hợp, hệ thống sẽ cảnh báo. Cảnh báo là ngược sơ đồ truyền máu thì chắc chắn không cho xuất túi máu cho người bệnh; còn cùng chiều sơ đồ truyền máu (nhưng sai nhóm máu), phần mềm cho người dùng có quyền xem xét (Ví dụ: nhóm máu O cùng chiều sơ đồ với các nhóm A, B, AB, vẫn có thể truyền thay nhóm - PV).

Có thể nhân rộng

Nhận thấy những sai sót truyền nhầm nhóm máu phần lớn cho con người thiếu tập trung nên cách đây 4 năm, BS Thy đã mày mò, nghiên cứu sáng tạo phần mềm với mục đích số hóa, tự động hóa quy trình này. Gặp không ít thất bại trong việc “hòa nhập” kiến thức chuyên môn truyền máu vào phần mềm, nhưng BS Thy vẫn không bỏ cuộc.
Tới năm 2017, BS Thy mạnh dạn đề xuất lãnh đạo bệnh viện cho nghiên cứu ứng dụng phần mềm thực hành an toàn truyền máu với sự phối hợp giữa Khoa Huyết học - Truyền máu và Phòng Công nghệ Thông tin của bệnh viện. Qua nhiều lần chỉnh sửa, hoàn thiện, đến tháng 8.2018, phần mềm được đưa vào ứng dụng thành công.

Nhờ áp dụng phần mềm số hóa, tự động hóa vào quy trình truyền máu, những sai sót nhẫm lẫn trong quá trình truyền máu được hạn chế tối đa

Ảnh: Đình Tuyển

Đánh giá về phần mềm trên, BS. Nguyễn Tự, Phó trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhận định: phần mềm số hóa, tự động hóa quy trình truyền máu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương là rất mới, gần như chưa có nơi nào ứng dụng. Ưu điểm là nhờ số hóa, việc quản lý tốt hơn quy trình truyền máu tránh những nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc có thể xảy ra.
“Hiện ở khoa Huyết học của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chưa áp dụng phần mềm nào tương tự. Tôi cho rằng, ứng dụng của Bệnh viện Đa khoa Trung ương cần được quan tâm đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các bệnh viện có truyền máu”, BS Tự nói.
BS.CK 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết ngoài giúp ngoài tăng công suất, năng suất phát máu; điểm nổi của phần mềm còn là tính năng cảnh báo, tự động kiểm tra, đối chiếu, loại bỏ sai số do con người gây ra trước xét nghiệm, trong xét nghiệm và sau xét nghiệm. Phần mềm cũng không cho nhập cũng như xuất kho túi máu hết hạn dùng; đồng thời cảnh báo màu sắc và sắp xếp thứ tự ưu tiên sử dụng các túi máu theo nguyên tắc - sắp hết hạn thì xuất kho trước; giúp truy xuất nguồn gốc máu một cách nhanh chóng, chính xác khi cần.
Sau khi ứng dụng hiệu quả GCLP-BLOOD hiện có khoảng hơn 20 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước ngỏ lời muốn được chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng phần thực hành an toàn truyền máu trên.
Đầu tháng 8.2019, một sai sót nghiêm trọng trong truyền máu xảy ra tại Bệnh viện Đ.K.G.L khi nữ hộ sinh bất cẩn truyền máu nhóm A cho bệnh nhân máu nhóm B. Theo giới chuyên môn, đây là sai sót rất nghiêm trọng vì chỉ cần một giọt máu A vào máu B sẽ gây đông máu sau vài phút. Hiệu ứng domino về phản ứng hoá học trong mạch máu sẽ diễn ra trong thành mạch rất nguy hiểm. Chưa kể, nếu giọt máu đông đó đi chuyển khắp nơi trong cơ thể sẽ gây tắc động mạch, hoặc lên não…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.