Nữ sinh “bật mí” bí quyết nhận học bổng trường nổi tiếng của Pháp

Vũ Thơ
Vũ Thơ
09/08/2022 06:00 GMT+7

Tốt nghiệp THPT , Dương Phương Linh quyết định dừng học 1 năm để trải nghiệm (gap year) và thực hiện ước mơ du học. Cô vừa nhận được học bổng danh giá của ngôi trường từng đào tạo 6 vị tổng thống Pháp.

Dương Phương Linh (19 tuổi) là cựu học sinh lớp chuyên Nga của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Cô vừa chinh phục được học bổng của Học viện Chính trị Sciences Po (Pháp) là một đại học hàng đầu nước Pháp, từng đào tạo 6 tổng thống Pháp, trong đó có tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và 13 thủ tướng Pháp, cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác.

Dương Phương Linh khi làm cộng tác viên cho kênh truyền hình đối ngoại quốc gia VTV4

Dừng học để trải nghiệm

Là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, năm lớp 12 Linh nộp hồ sơ ứng tuyển một số trường đại học hàng đầu tại Mỹ và đã trúng tuyển, có trường cấp học bổng 75% học phí. Tuy nhiên, do không đủ chi phí để theo học, nên cô quyết định dừng học một năm “gap year” (năm nghỉ phép) để trải nghiệm và tiếp tục hành trình chinh phục học bổng du học khác.

“Khi đó tôi chịu rất nhiều áp lực từ những người xung quanh. Ở phương Tây việc “gap year” là bình thường nhưng ở VN thì chưa quen, nên bố mẹ cũng muốn tôi vào học những trường được tuyển thẳng trong nước, rồi vẫn tiếp tục tìm học bổng du học. Tuy nhiên, tôi muốn được trải nghiệm thực tế và quyết tâm dành được học bổng du học, nên tiếp tục cố gắng và tin là mình sẽ làm được”, Linh trải lòng.

Quãng thời gian “gap year” của Linh cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại VN. Linh đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người dễ bị tổn thương.

Với sáng kiến truyền thông trên mạng xã hội Instagram, Linh đã góp phần lan tỏa thông tin thu hút sự chung tay của các bạn trẻ đối với chương trình “Mỗi ngày một quả trứng”, “40.000 đồng một bữa cơm” tặng người nghèo, người vô gia cư và vận động thiết bị điện tử tặng học sinh khó khăn tham gia lớp học trực tuyến.

“Tham gia dự án này, tôi đã hiểu được việc làm từ thiện không phải là chỉ đi phát quà. Cần phải hiểu từ thiện một cách rộng hơn và bài bản hơn vì phát quà không thể thay đổi một đời người. Chỉ có từ thiện bền vững mới làm được điều đó. Điều mà mọi dự án từ thiện nên hướng đến là giúp những người được xem là yếu thế, tự đứng trên đôi chân của mình, hòa nhập với cuộc sống xung quanh và cảm thấy mình có ích”, Linh chia sẻ.

Không chỉ tham gia hoạt động thiện nguyện, trong năm “gap year”, Linh đã cộng tác với VTV4 và trở thành biên tập bản tin thời sựbản tin tài chính - kinh doanh bằng tiếng Anh, bao gồm: dịch thuật, biên tập thông tin, hình ảnh và đọc lời bình phóng sự, phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, cô tham gia hỗ trợ sản xuất chương trình Talk Vietnam và một số phóng sự ngắn phát sóng trên VTV4. Công việc này đã cho Linh một cái nhìn có thể gọi là “bẻ lái” trong tư duy về nghề nghiệp. “Đây là một công việc trước kia tôi chưa bao giờ chọn, bởi tôi không thích nghề báo. Tuy nhiên sau khi được trải nghiệm, thì tôi lại thấy mình đam mê với công việc này”, Linh chia sẻ.

Dương Phương Linh khi là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

NVCC

Những bài học quý giá

Chính những trải nghiệm thực tế đã giúp cho Linh có những bài luận sâu sắc và đó là “bí quyết” để cô nhận được học bổng từ Sciences Po. “Tôi đã lựa chọn đề có nội dung về việc quan tâm tới sự kiện lịch sử nào và nếu được quay lại sự kiện lịch sử đó thì bạn muốn xuất hiện với vai trò, tư cách gì. Trong bài luận 650 từ của mình, tôi đã bày tỏ mong muốn trở thành một nhà báo và tác nghiệp trong thời điểm lịch sử của dân tộc là ngày 30.4.1975 để hiểu hơn về thời cuộc. Từ đó, có cái nhìn rộng hơn về nhiều sự kiện quốc tế đã và đang diễn ra”, Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Linh còn thực hiện các bài luận khác, trong đó nữ sinh Việt thế hệ Gen Z đã chia sẻ về niềm đam mê tìm hiểu, học hỏi về các vấn đề văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội; về việc tham gia các hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc để cùng các bạn đồng trang lứa tìm hiểu thêm những vấn đề mang tính toàn cầu… đặc biệt là những trải nghiệm về những hoạt động xã hội.

Những năm học THPT, Phương Linh đã có nhiều thành tích đáng nể: huy chương vàng cuộc thi nghiên cứu AI-JAM US Silicon Valley, TOEFL 114/120; IELTS 8.0; học bổng toàn phần các khóa học ngắn hạn được cấp bởi Trường ĐH Dartmouth (Mỹ) và Tổ chức Global Citizens Initiative... Vừa học, Linh vừa tham gia làm Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổ chức Hanoi Model United Nations - HMUN (Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc của Hà Nội) và đã tổ chức nhiều hội thảo giá trị về bảo vệ quyền lợi của người di cư và nhập cư, bảo vệ tài sản trí tuệ...

Điều quý giá là một năm trải nghiệm đã cho Linh được nhìn rõ ràng hơn về tương lai. “Trước đây tôi và nhiều bạn bè, đặc biệt là các phụ huynh thường “vẽ” sẵn một con đường về nghề nghiệp trong tương lai và cứ đi theo nó. Tuy nhiên, sau khi được khám phá bản thân ở những lĩnh vực mà tôi không định chọn, thì tôi đã nhận ra rằng không nên giới hạn bản thân ở bất kỳ điểm dừng nào. Cứ trải nghiệm thật nhiều và khám phá khả năng của mình. Việc định hướng là cần thiết nhưng không nên quá cứng nhắc phải theo đuổi một ngành nghề cố định nào”, Linh bày tỏ.

Nữ sinh cũng chia sẻ, với các bạn không có ý định du học, nếu trượt đại học cũng không có gì phải “sụp đổ” bởi đó là 1 năm được gap year. “Trong một năm tạm nghỉ đó, có bao nhiêu điều cần làm, mà khi còn học ở nhà trường các bạn đã không thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn phải xác định được rõ mục tiêu và kế hoạch của mình và phải được phụ huynh đồng hành. Các bạn cần tập trung phát triển kỹ năng cứng như: tiếng Anh, văn phòng, công nghệ, truyền thông và các kỹ năng mềm như cách giao tiếp để kết nối, tạo ra cơ hội cho bản thân. Nếu bạn chưa có định hướng cụ thể, có thể dừng học, đi làm thêm để có cái nhìn rõ hơn về nghề nghiệp của mình”, Linh nhắn nhủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.