Nữ tiến sĩ 8x mở ra hy vọng cho những bệnh nhân ung thư não

02/01/2017 18:38 GMT+7

Công trình nghiên cứu của tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh (36 tuổi), giảng viên bộ môn Dược lý, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, đã mở ra cánh cửa hy vọng cho những bệnh nhân ung thư não .

36 tuổi, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh sở hữu số đề tài nghiên cứu và số bài báo khoa học đăng trên những tạp chí uy tín trên thế giới nhiều hơn số tuổi của mình.
Năm 2012, chị giành giải thưởng bài báo hay nhất năm của tạp chí European Journal of Pharmaceutics and Biopharmaceutics.
Các bài báo trên tạp chí này tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu các hệ thống vận chuyển thuốc đến mục tiêu điều trị dưới dạng các tiểu phân nano, đặc biệt là ứng dụng trong điều trị ung thư não.
Kết quả của các công trình nghiên cứu cho thấy, việc điều trị với các tiểu phân nano chứa ferrociphenol (FcdiOH), một hoạt chất mới được tổng hợp, giúp gia tăng thời gian sống của các chuột cống bị u não thực nghiệm. Ngoài ra, kỳ diệu hơn, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh và các cộng sự phát hiện ra, các khối u não được cấy dưới da chuột gần như biến mất.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc Trinh cho hay: “Đến nay, ung thư não vẫn đang là điều thách thức y học tìm ra giải pháp điều trị. Chúng tôi hy vọng các nghiên cứu này có thể thêm những cơ hội cho bệnh nhân ung thư não. Thời gian nghiên cứu sẽ cần dài hơn nữa nhưng chúng tôi không nản chí”.
Nghiên cứu bào chế sản phẩm nano dầu mù u - curcumin
Bị bỏng là một nỗi khiếp sợ với bất cứ ai, gây tổn hại sức khỏe và chi phí điều trị rất lớn. Thấu hiểu điều này, cùng những người bạn trong nhóm nghiên cứu của mình, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh đã nghiên cứu phát triển sản phẩm chứa các tiểu phân nano chứa đồng thời dầu mù u và curcumin. Sản phẩm này sẽ có tác dụng kháng viêm, làm lành vết thương bỏng độ 3.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh Ảnh Thúy Hằng
Theo nữ tiến sĩ sinh năm 1981, từ lâu, đông y lẫn y học hiện đại đã có nhiều phương pháp điều trị và hạn chế các di chứng bỏng, trong đó, dầu mù u đã được sử dụng từ lâu để điều trị, giúp vết thương mau lành. Curcumin cũng đã được chứng minh một số tác dụng dược lý có lợi như kháng viêm, kháng khuẩn, làm lành vết thương do tăng tổng hợp collagen.
Tuy nhiên, do dầu mù u thân dầu nên khó thấm qua lớp biểu bì thân nước, còn curcumin thì rất dễ phân hủy. Sản phẩm chứa đồng thời curcumin và mù u đã khắc phục các nhược điểm này, đồng thời gia tăng tác dụng điều trị.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh cho biết, hiện tại nghiên cứu trên chưa có sản phẩm bán trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm của chị đã thực hiện thử nghiệm thành công trên loài thỏ. “Dù đề tài này hiện đang chờ nghiệm thu nhưng khả năng ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm là rất cao. Tôi cũng mong muốn trong thời gian sớm nhất, sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường phục vụ cho mọi người”, tiến sĩ Trinh nói.
Tìm ra chức năng của cây đậu bắp trong việc điều trị bệnh đái tháo đường
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh và các cộng sự đã nghiên cứu đề tài này trong 3 năm, từ năm 2010 - 2013. Theo đó, nhóm đã khẳng định được tác động hạ glucose huyết và cholesterol/triglycerid huyết trên các con thú, từ tác dụng của quả và thân cây đậu bắp. Điều thú vị là, thân cây đậu bắp có hiệu quả hơn quả.
Theo tiến sĩ Trinh, kết quả công trình nghiên cứu điều trị bệnh đái tháo đường từ cây đậu bắp ngoài ý nghĩa lớn về mặt y học, còn khiến bà con nông dân rất vui mừng. Từ trước đến nay, đậu bắp chỉ được hái quả, trong khi thân cây bị bỏ đi rất lãng phí, nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu này có thể làm giảm chi phí sản xuất cũng như góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Lập gia đình đến nay được gần 10 năm, có 2 con nhỏ, tuy nhiên, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh vẫn sắp xếp được thời gian hợp lý để chăm sóc gia đình, nghiên cứu khoa học học.
Chị bộc bạch: “Phụ nữ nghiên cứu khoa học gặp khó khăn rất nhiều vì vừa phải hoàn thành nhiệm vụ công tác ở cơ quan, vừa phải chăm sóc gia đình, cần cân đối thời gian hài hòa nhất. Tuy nhiên quan điểm của tôi, phụ nữ vẫn có thể làm tốt nghiên cứu khoa học nếu có niềm đam mê. Đam mê của tôi xuất phát từ nhu cầu của công việc và ham thích khám phá những điều mới lạ trong chuyên môn, nhất là trong chuyên ngành dược lý. Tôi đam mê xây dựng các mô hình bệnh tật trên các con thú, thử nghiệm và ứng dụng các mô hình này để đánh giá hiệu quả điều trị của các hoạt chất, dược liệu hay các bài thuốc dân gian".
Tìm ra kết quả kháng ung thư da của lá tía tô
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh vừa vinh dự được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Quả cầu vàng khoa học kỹ thuật 2016.
Hiện tại, chị đang chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố (thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM) với đề tài “Nghiên cứu áp dụng mô hình ung thư da in vivo vào khảo sát tác động kháng u da của cao chiết từ lá tía tô”. Chị đã tiến hành thử nghiệm trên chuột nhắt.
Theo tiến sĩ Huỳnh Ngọc Trinh, kết quả về tác động kháng ung thư da của lá tía tô có thể góp phần phát triển thêm một dược liệu quý trong dự phòng/điều trị bệnh ung thư da, góp phần giảm gánh nặng về sức khỏe cũng như về chi phí điều trị ung thư da tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.