Một thời cây cao su được ví như “vàng trắng”, không những giúp dân thoát nghèo mà còn khiến nhiều hộ vươn lên làm giàu. Thế nhưng, thực tế đang ngược lại với những người dân chuyên trồng cao su tiểu điền ở một số xã của huyện vùng cao Bắc Trà My (Quảng Nam). Giá mủ cao su xuống thấp khiến thu nhập không đủ bù chi phí nên nhiều gia đình không còn mặn mà với loại cây này nữa. Có nhiều hộ, cao su đang thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn chấp nhận chặt hạ để thay thế một loại cây trồng khác ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhiều cây trồng 8 năm chưa cho mủ
Ông Hồ Thanh Hà (53 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Giang) không khỏi xót xa khi nhìn vườn cao su trồng gần 8 năm của gia đình giờ để cỏ mọc um tùm. Ông bảo giá mủ thấp, người dân không đầu tư phân bón, cũng như bỏ công chăm trồng, dẫn đến cây cao su sinh trưởng, phát triển không đều, cây to cây nhỏ, sản lượng mủ cũng thấp.
Năm 2012, gia đình ông Hà được nhà nước hỗ trợ 1.100 cây cao su giống, đem trồng trên phần diện tích hơn 1 ha. “Dù cao su đang thời kỳ thu hoạch nhưng người dân cũng không màng quan tâm bởi giá rớt thê thảm, có thu hoạch cũng không đủ bù lỗ. Nhiều người dân đành chấp nhận chặt hạ, dù cao su đang trong thời kỳ khai thác”, ông Hà nói.
Ông Hồ Văn Nam (51 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Giang) cho hay gia đình ông cũng trồng hơn 2 ha cao su từ năm 2012, nhưng qua 8 năm mà không đem lại hiệu quả gì. “Trồng cao su tốn rất nhiều thời gian chăm. Một năm bón phân 2 lần, tiền thuê nhân công chăm sóc còn nhiều hơn tiền thu hoạch mủ. Mặt khác, do ở đây địa hình đồi núi nên cây cao su phát triển không đều, dù trồng 8 năm nhưng có nhiều cây chưa thể cho mủ”, ông Nam nói và cho biết giá mủ cao su hiện chỉ khoảng 15.000 đồng/kg so với lúc cao điểm đến 40.000 đồng/kg, tiền thuê nhân công thu hoạch trên 100.000 đồng/ngày…
Teo tóp đề án phát triển cao su tiểu điền
Ông Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Trà Giang, cho biết toàn xã có 21 hộ trồng cao su với tổng diện tích hơn 21 ha. Tuy nhiên, đến nay đã có 4 hộ gia đình chặt hạ cây dù đang trong thời kỳ khai thác, để chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông Minh cũng thừa nhận: “Cây cao su trồng 7 năm có thể khai thác nhưng do cho năng suất thấp, thu nhập không đủ ngày công lao động khiến người dân không còn mặn mà. Cây cao su phát triển kém là do địa thế miền núi dốc cao, khí hậu không phù hợp…”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, đa số người dân trồng tiểu điền, khi thu hoạch muốn bán mủ phải chở ra các thành phố lớn vì doanh nghiệp không thể đến tận nơi để thu mua, khiến đội chi phí, bà con nản không màng chăm sóc. “Mới đây, H.Bắc Trà My đã tổ chức cuộc họp, có sự tham gia của các hộ dân trồng cao su. Tại đây, lãnh đạo huyện cũng đã tuyên truyền vận động người dân không nên chặt bỏ cây cao su mà nên chăm sóc vì sẽ có doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra, thu mua với giá cao”, ông Minh thông tin thêm.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo H.Bắc Trà My, đề án phát triển cây cao su tiểu điền giai đoạn 2012 - 2020, tổng diện tích trồng mới năm 2012 và năm 2013 trên địa bàn huyện là 128,7 ha/125 hộ, với nguồn vốn hơn 1,7 tỉ đồng (không tính công trồng, chăm sóc, rào bảo vệ...). Hiện tại, số diện tích cao su nói trên còn 77,54 ha, giảm 51 ha, đạt tỷ lệ 60,3%; diện tích đảm bảo điều kiện đưa vào khai thác năm 2020 là 70 ha.
Bình luận (0)