'Nước ngoài phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/05/2024 16:10 GMT+7

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ở các nước hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế. Ở ta tiếp cận qua chính sách nên khi xong thủ tục thì 'hết giờ'.

Chiều 25.5, báo cáo cuối phiên giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 năm 2022 của Quốc hội về các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nêu những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình được nhiều đại biểu nhắc tới mà ông nói "rất thấm thía".

'Nước ngoài phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế'- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên giám sát chiều 25.5

GIA HÂN

Bài học thứ nhất, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chính là phương thức hỗ trợ. "Phương thức hỗ trợ của chúng ta sau này có lẽ cũng phải xem lại", ông Dũng nói.

Theo ông, ở các nước người ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, phát thẳng cho dân, mỗi người 1.500 - 2.000 đô cứ thế người ta phát. Vì thế, chính sách hỗ trợ đi ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng.

Ở Việt Nam, cách tiếp cận của chúng ta là thông qua chính sách. "Mà chính sách thì phải có văn bản hướng dẫn, rồi lại giám sát, quy trình, thủ tục thì hết giờ, không còn hiệu quả. Nhiều khi chúng ta làm xong thủ tục thì vấn đề không còn thời sự nữa", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, khi giới hạn thời gian của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chỉ trong 2 năm (2022 - 2023) thì không nên đưa vào chương trình những dự án lớn vì các dự án này mất rất nhiều thời gian để triển khai. "Nếu đưa dự án lớn vào đây thì phải cho kéo dài thời gian thực hiện ra. Nếu không hết giờ chưa xong thủ tục thì không được", ông Dũng nói thêm.

Bài học kinh nghiệm thứ 2, theo ông Dũng là việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ, thống nhất, "không phải để một rừng các vướng mắc như hiện nay". Theo ông, các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, thực hiện và giám sát. Đó là các nguyên tắc quan trọng.

'Nước ngoài phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế'

"Nhiều đại biểu nói rất thấm thía: Đã là đặc biệt phải có chính sách đặc biệt, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt, phải thế mới là đặc biệt. Chúng ta cứ làm thông thường thì hết giờ. Cái gì cũng phải xin cơ chế", ông Dũng nói.

Bài học kinh nghiệm nữa, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, việc phân cấp, phân quyền phải triệt để, kể cả giữa T.Ư và địa phương, giữa Quốc hội và Chính phủ. Ông dẫn ví dụ, các danh mục dự án trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế phải trình đi trình lại nhiều vòng nên mất rất nhiều thời gian, không cần thiết.

"Quốc hội tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách, thể chế, giám sát. Những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì vấn đề sẽ nhanh mà Quốc hội vẫn quản lý được mục tiêu, vẫn giữ được vai trò của mình, không cần đi sâu. Thời gian sẽ rút đi rất nhiều", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề xuất.

'Nước ngoài phát mỗi người 1.500 - 2.000 đô nên đi ngay vào nền kinh tế'- Ảnh 2.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên giám sát

GIA HÂN

Bài học kinh nghiệm thứ 5 là trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong tổ chức xây dựng chương trình và thực hiện cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan. Ông Dũng thông tin, Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu sửa lại luật Đầu tư công, luật Đấu thầu, luật PPP để đáp ứng yêu cầu làm sao rút ngắn thời gian thực hiện hơn.

Báo cáo của đoàn giám sát nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 43.

Cụ thể như công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết 43. Danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết. Cùng đó, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của chương trình.

Báo cáo giám sát cũng nêu rõ, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023. Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch)… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.