TS Vũ Thị Tần cho biết, nước sau lũ lụt bị ô nhiễm nặng, chứa đất đá, kim loại, tạp chất, vi sinh vật, vi khuẩn, kí sinh trùng. Nước không được xử lý, sẽ gây nguy hiểm khi sinh hoạt, kể cả tắm rửa. Theo kinh nghiệm giảng dạy, TS Tần hướng dẫn 2 bước đơn giản để xử lý nước.
Bước 1: Với nước lấy trực tiếp từ ao hồ, kênh rạch, bước đầu tiên là phải làm trong nước bằng phèn chua.
Cách làm như sau:
- Dùng 1 miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay để xử lý 25 lít nước. Hòa tan phèn chua vào 1 ca nước (0,5 – 1 lít) rồi đổ vào thùng nước 25 lít. Đợi tạp chất lắng xuống, bà con gạn lấy nước trong.
- Nếu nước có nhiều vẩn rác, lọc nước bằng vải thô để tăng hiệu quả xử lý.
- Phèn chua là một khoáng chất tự nhiên, rất an toàn, được sử dụng rộng rãi trong y tế và xử lý nước.
Phèn chua có thể mua ở các hiệu thuốc, tiệm tạp hoá, siêu thị hay trên các sàn thương mại điện tử.
Bước 2: Khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B là chất diệt khuẩn (xử lý hồ bơi).
- Sau khi nước đã trong, hòa 1 viên Cloramin B (0,25 g - 0,3 g) vào 25 lít nước, đậy nắp và chờ 30 phút.
- Nếu mùi clo nặng, để mở nắp cho mùi bay bớt trước khi dùng.
- Lưu ý: Không nên dùng bột Cloramin vì khó đong đếm liều lượng, dễ gây mùi khó chịu và hại da.
Cloramin B có thể mua ở hiệu thuốc, sàn thương mại điện tử. Bà con nên chọn viên 0,25 g - 0,3 g sẽ dễ dùng hơn.
Cuối cùng, trước khi uống nước đã qua xử lý bằng cách trên, bà con cũng cần phải đun sôi.
Để quá trình khử trùng nước đạt hiệu quả cao nhất, TS lưu ý nên làm trong nước trước bằng phèn chua sau đó mới đến bước khử trùng bằng Cloramin B. Không nên gộp 2 bước làm 1 vì phèn chua làm giảm tác dụng khử trùng của Cloramin B.
"Nếu người dân sử dụng nước máy thì không cần làm 2 bước này, vì nhà máy nước đã xử lý. Với trường hợp nước giếng khoan, nước mưa, người dân cũng nên xử lý bằng cách trên trước khi đun sôi để uống để đảm bảo an toàn", TS chia sẻ.
Bình luận (0)