Các dòng kênh, con mương ở vùng “ngọt hóa” Gò Công của tỉnh Tiền Giang (gồm các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, TX.Gò Công và một phần của H.Chợ Gạo) hiện đang trơ đáy, nứt nẻ khiến cuộc sống của người dân trong vùng vô cùng khổ sở do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Qua đêm tại một số nhà nghỉ ở vùng này trong những ngày cuối tháng 3, PV Báo Thanh Niên chỉ được phát tầm 5 lít nước ngọt đựng trong một can nhỏ kèm lời nhắn nhủ: “Nhắm xài không đủ thì đi nơi khác tìm phòng chứ đừng hỏi thêm nước ngọt”. Chủ nhà nghỉ thậm chí còn thẳng thừng từ chối khách đoàn do không thể lo đủ nước ngọt cho khách tắm. “Tôi thường nói lý do phòng ngừa dịch Covid-19 nên không tiếp khách đoàn, chứ thực tế là do thiếu nước ngọt”, bà Võ Thị Lan, chủ một nhà nghỉ ven tỉnh lộ 871B (xã Tân Trung, TX.Gò Công), thật thà chia sẻ.
Khốn đốn vì kênh rạch trơ đáy
Hơn tháng qua, kể từ ngày các con kênh, mương trong vùng ngọt hóa Gò Công khô cạn, nứt nẻ, hằng ngày cựu binh Đào Văn Ninh (56 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Tây, H.Gò Công Đông) phải đi về hơn 15 km mới có thể gom góp được ít cỏ, rau muống, lục bình... về cho đàn dê 27 con của mình. Đám cỏ mà ông trồng trên diện tích gần 2.000 m2 ở xã Tân Tây dành cho đàn dê đã khô cháy và không tìm đâu ra nước ngọt để tưới.
Tuy nhiên, đến những ngày cuối tháng 3, hầu như rau muống, lục bình ở H.Gò Công Đông chỉ còn sót lại dưới lòng kênh sâu gần 10 m chạy dọc tuyến đê Gia Thuận - Vàm Láng, mặc dù lòng kênh cũng đã khô cứng từ lâu. “Xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về quê là tôi lập tức tham gia phong trào đắp các tuyến đê biển Gò Công theo sự kêu gọi, vận động của chính quyền tỉnh Tiền Giang. Tôi không thể quên được những năm tháng ăn cơm nguội, uống nước lã cùng mọi người đắp bằng tay các tuyến đê lớn nhỏ. Tuy việc đắp đê ngày đó nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng mọi người hết sức hăng hái vì ai cũng mong chờ ngày cả vùng đất nhiễm mặn Gò Công được ngọt hóa. Và rồi đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng đất Gò Công đã được khép kín trước nước biển. Lúa bắt đầu trồng được 3 vụ trong năm thay vì một vụ như trước kia, hoa màu cũng nhiều không kể xiết. Lúa thóc đầy nhà sau mỗi vụ, nhưng do các tuyến sông rạch đều bị chặn dòng nên việc buôn bán bằng ghe xuồng với dân vùng Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre); Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang)... đều phải ngưng lại. Cá, tép dưới lòng kênh, rạch đã không còn nữa. Đời sống của người dân vùng ngọt hóa ngày càng khó khăn hơn, nhưng cơ bản vẫn ổn định cho đến trước khi bị xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2016 và nghiêm trọng nhất là đầu năm 2020 này”, ông Ninh đánh giá.
Trong tình cảnh hạn hán còn tiếp tục kéo dài, chúng tôi mong có được nguồn nước chi viện từ các địa phương bạn, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để phục vụ sinh hoạt cho người dân trong huyệnÔng Lê Hoàng Việt, Phó chủ tịch UBND H.Gò Công Đông, Tiền Giang |
Ngoài công việc chính là kiếm rau, cỏ tươi cho đàn dê, ông Đào Văn Ninh còn được chính quyền ấp 4, xã Tân Tây giao nhiệm vụ canh đường, khóa van đường ống chính dẫn nước ngọt từ Trạm BOO Đồng Tâm (xã Bình Đức, H.Châu Thành) vượt gần 100 cây số xuống cứu khát cho bà con vùng Gò Công Đông. “Từ 12 giờ trưa đến 0 giờ khuya nước mới về nhưng yếu lắm nên tôi phải khóa van dẫn nước vào khu vực chợ Tân Phú, xã Tân Lân để góp phần cho bà con các xã Gia Thuận, Tân Phước có nước mà hứng, mặc dù gia đình tôi ở trong chợ Tân Phú và đàn dê nhà tôi cũng chưa khi nào đã khát suốt từ đầu mùa hạn, mặn đến nay”, cựu binh Đào Văn Ninh nói.
|
Cũng lặn lội đi về 15 km để kiếm rau, cỏ cứu đàn dê như ông Ninh, nhưng ông Trương Văn Hùng (ngụ xã Gia Thuận) còn có 8 công đất lúa. Vụ đông xuân này, dù lúa của gia đình ông Hùng thu hoạch sớm, nhưng bị ảnh hưởng bởi nước mặn nên năng suất lúa chỉ đạt hơn 50% so với vụ thu đông trước đó.
Cần thêm nguồn nước phục vụ sinh hoạt
Ngày nào cũng vậy, cứ trịch xế (mặt trời vừa ngả sang hướng tây) là hàng chục người dân xã Gia Thuận, H.Gò Công Đông lại mang bồn, can đựng nước đến xếp hàng dọc tại vòi nước đặt trước cổng UBND xã chờ lấy nước, mặc dù đến khoảng 15 giờ, nước dẫn từ BOO Đồng Tâm mới bắt đầu nhỏ giọt tại đây. Lúc này, chẳng những người dân mà hầu hết các cán bộ, công chức xã Gia Thuận cũng tranh thủ mang thùng ra xếp hàng chờ đến lượt hứng nước chở về nhà.
“Thông thường, mỗi ngày trạm cấp nước xã Gia Thuận phải cần đến gần 43 m3 nước mới đủ nhưng vòi nước từ BOO Đồng Tâm chỉ cấp được tầm 30% nhu cầu, lại chỉ cấp từ 15 giờ đến chạng vạng tối nên mọi người phải chờ đợi rất lâu. Nước hiếm vậy nên tắm giặt phải dè xẻn từng ca, mấy ngày mới gội đầu một lần vì phải để dành nước ngọt cho người khác, việc khác”, một cán bộ xã Gia Thuận chia sẻ.
|
Hầu hết những người dân ở khu vực Gò Công khi trao đổi với PV Thanh Niên đều bày tỏ điều họ quan tâm nhất hiện nay là khi nào có đủ nước ngọt để ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt như trước; và khi nào cánh đồng Gò Công với hơn 30.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn trái sẽ canh tác trở lại được.
Ông Lê Hoàng Việt, Phó chủ tịch UBND H.Gò Công Đông, cho biết theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và các phương án của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, UBND H.Gò Công Đông đã triển khai kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 từ trước Tết Nguyên đán với mục tiêu cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 37.100 hộ dân; ngăn mặn, giữ ngọt cho hơn 10.000 ha lúa đông xuân, gần 2.500 ha rau màu và cây ăn quả.
“Đến nay đã có gần 4.000 ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 100%; hoa màu, cây ăn trái thì không còn sản xuất được. Tất cả kênh mương nội đồng đều đã khô cạn, số ít nước còn lại tại các kênh lớn cũng không thể dùng cho cây trồng, sinh hoạt vì nước mặn rò rỉ từ các cống vào khu vực nội đồng. Huyện đã mở được 54 vòi nước công cộng trên địa bàn các xã nhưng phía BOO Đồng Tâm báo chỉ mới cấp được tầm 13.000 m3 nước/ngày. Lượng nước này chỉ đáp ứng khoảng hơn một nửa nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong tình cảnh hạn hán còn tiếp tục kéo dài, chúng tôi mong có được nguồn nước chi viện từ các địa phương bạn, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để phục vụ sinh hoạt cho người dân trong huyện”, ông Việt cho biết.
Bình luận (0)