Ồ ạt xin 'phá' rừng!

19/11/2020 04:27 GMT+7

"Xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án…”, nếu chủ trương này được duyệt, hiểu theo nghĩa đen, chính là quyết định cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp thực hiện “hành vi phá rừng đúng luật”.

Trong văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) lâu nay, cụm từ “hành vi phá rừng trái luật” để chỉ những vụ phá rừng mà thủ phạm là “lâm tặc”. Nhưng theo thống kê tổng diện tích rừng tự nhiên mất đi trong giai đoạn 2012 - 2017 cũng từ Tổng cục Lâm nghiệp thì diện tích rừng bị phá bởi “lâm tặc” chỉ chiếm 11%; và 89% diện tích rừng còn lại bị hạ sát, chặt phá trong các dự án được duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đóng cửa rừng tự nhiên là yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo cụ thể trong Kết luận số 97, ngày 9.5.2014, và được Chính phủ cụ thể bằng nhiều nghị quyết, quyết định yêu cầu các địa phương nghiêm túc quán triệt thực hiện. Đến năm 2017, Ban Bí thư T.Ư Đảng tiếp tục có Chỉ thị số 13 yêu cầu dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế chấp hành, theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2017 đến nay, các địa phương vẫn ồ ạt gửi 3.630 dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích 183.740 ha. Nhưng sau đó, chỉ có 163 dự án cấp thiết về an ninh quốc phòng được phê duyệt, số còn lại đều bị Thủ tướng thẳng thừng bác bỏ.
Gần đây nhất, chỉ trong 1 ngày, Bộ NN-PTNT liên tiếp ra 3 văn bản “bác” kiến nghị xin chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên để thực hiện các dự án làm đường giao thông, điện gió, khai thác đá vôi của các tỉnh Quảng Nam, Bình Thuận và Ninh Bình. Đặc biệt, với tỉnh Quảng Nam, từ hồ sơ gửi về, Bộ NN-PTNT chỉ rõ căn cứ các quy định pháp luật khẳng định địa phương này đã vượt thẩm quyền khi tự ý ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM), mà đáng lẽ công việc này thuộc chức năng và thẩm quyền của Bộ TN-MT. Điều này cho thấy rừng tự nhiên dù có những chỉ đạo, quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng thực tế vẫn bị các địa phương lăm le triệt hạ, tàn phá bằng các dự án phát triển KT-XH.
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Miền Trung vừa qua liên tiếp xảy ra sạt lở đất đến mức “thảm họa”, cướp đi sinh mạng của nhiều người chính là hồi chuông cảnh tỉnh, yêu cầu phải bảo vệ bằng được những cánh rừng tự nhiên. Chưa có một kết luận nguyên nhân rõ ràng nhưng ý kiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học chỉ rõ, diện tích rừng tự nhiên suy giảm; tỷ lệ rừng che phủ gần 42% nhưng chủ yếu là rừng trồng; chất lượng rừng không cao, không có thảm thực vật đa tầng đa lớp như rừng tự nhiên khiến lũ quét, sạt lở đất khi xảy ra đều có mức độ tàn phá khủng khiếp.
Bên cạnh việc trồng lại, trồng mới rừng, cách tốt nhất để bảo vệ con người trước thiên tai mưa lũ ngày càng phức tạp là phải bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có. Các cơ quan nhà nước có chức năng gác cổng bảo vệ rừng phải kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác của các dự án phát triển KT-XH, thủy điện, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.