Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đơn vị chuyên môn của Bộ sẽ tiến hành đánh giá và phân tích giải trình tự gien vi rút gây bệnh trên bệnh nhân tại Hà Nam. Nhưng qua diễn biến dịch cho thấy với mức độ tấn công nhanh (2 ca nghi ngờ tại Hà Nam, 2 ca Hưng Yên, và 1 ca tại TP.HCM) thì tốc độ lây nhiễm là khá cao.
PGS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đặc biệt lưu ý Hà Nam cần phải thần tốc truy ngay F1 tiếp, không chỉ để riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an, để tránh sót mấu chốt dịch tễ.
“Nếu chúng ta chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm, chỉ 2 ngày F1 thành F0”, TS Dương cảnh báo.
Ngay trong đêm 29.4, TS Trần Như Dương đã tập huấn Hà Nam về truy vết.
Các chuyên gia của Bộ Y tế lưu ý Hà Nam phải chủ động việc lấy mẫu (nhân lực như học sinh, sinh viên, giáo viên phải được tập huấn thực hiện). Nếu quá tải, phải thiết lập ngay phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam. “Tốc độ lây nhiễm nhanh, phải làm càng nhanh mới kiểm soát được”, TS Dương nhấn mạnh.
Trong tối 29.4, GS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cũng đã về Hà Nam hỗ trợ về xét nghiệm; đại diện Bệnh viện Bach Mai hỗ trợ Hà Nam thiết lập đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, liên quan bệnh nhân 2899, đến nay đã truy vết 113 trường hợp F1, số F2 khoảng hơn 200 người, và hiện đang tiếp tục điều tra, truy vết.
Xác định việc xét nghiệm và truy vết nhanh hết sức cần thết, nhưng hiện nay năng lực tại Hà Nam chỉ đáp ứng được khoảng 400 mẫu ngày. Từ hôm nay, 30.4, Hà Nam có thêm 1 máy xét nghiệm đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, có thể nâng công suất lên đến 1.000 mẫu/ngày.
Hiện, các cơ cở điều trị của Hà Nam có 100 máy thở phục vụ điều trị. Tỉnh này đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ năng lực xét nghiệm, điều trị và cung cấp thêm vắc xin Covid-19.
Bình luận (0)