Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, mà còn gây tổn thất kinh tế lên tới hàng chục tỉ USD. Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm những quốc gia có chất lượng môi trường không khí ở bậc thấp so với thế giới.
Chương trình tọa đàm chủ đề: “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”, do Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức tại Hà Nội sáng 14.1 đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân ô nhiễm không khí, thiệt hại cũng như giải pháp kiểm soát ô nhiễm ở góc độ kinh tế.
Khoảng 50.000 người chết do ô nhiễm không khí!
|
Đặt vấn đề định vị ô nhiễm không khí của Việt Nam đang ở đâu so với thế giới, PGS-TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trích dẫn chỉ số Environmental Performance Index (EPI) của Trung tâm luật và chính sách môi trường, ĐH Yale (Mỹ), xây dựng để đánh giá vị trí xếp hạng, chất lượng không khí của các quốc gia trên thế giới, công bố hằng năm. Trong chỉ số EPI gồm 10 chỉ số thành phần xếp theo 2 nhóm: sức khỏe môi trường và bền vững của hệ sinh thái. Đây là những chỉ số liên quan đến ô nhiễm không khí và chất lượng của môi trường.
159 - 161. Qua các phân tích trên, PGS-TS Trường cho rằng chất lượng không khí ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng đi xuống và nếu so sánh với thế giới đã nằm trong nhóm có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí.
Cũng theo PGS Trường, trong gần 10 năm qua, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã nghiên cứu để tính toán thiệt hại về kinh tế của ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Cụ thể, nhóm dựa vào phương pháp lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi xã hội, đo mức độ sẵn sàng chi trả của xã hội để giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm không khí. “Nếu tính theo thời giá trong năm 2018, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại tương đương 10,82 - 13,63 tỉ USD, chiếm khoảng 4,4 - 5,6% GDP”, ông Trường nói. Đại diện nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng dẫn lại số liệu từ Quỹ Mirinda and Bill Gate công bố trong năm 2018, Việt Nam có khoảng 50.000 người chết do ô nhiễm không khí, cao gấp 5 lần so với số người chết do tai nạn giao thông hằng năm tại Việt Nam.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân có độ tin cậy, khi mức độ ô nhiễm không khí trong thực tế tăng nhanh những năm gần đây. Gần đây nhất, tại Hà Nội các tháng 11 - 12.2019 liên tiếp xuất hiện các đợt ô nhiễm, có đợt kéo dài cả tuần. “Ngay trong sáng nay thôi (14.1), chỉ số AQI tại Hà Nội khắp nơi đều là màu đỏ, một số nơi lên màu tím, chưa khi nào ô nhiễm không khí nặng như bây giờ”, TS Tùng lo lắng.
|
Do các địa phương “nuông chiều” DN FDI?
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng ô nhiễm không khí ngoài nguyên nhân từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng và các làng nghề, thì nguồn thải điểm là các khu vực sản xuất công nghiệp chủ yếu nằm trong các ngành: xi măng, thép, nhiệt điện... Cụ thể, nhiệt điện chạy than có 29 nhà máy phát thải tro xỉ, bụi, khí SO2, Nox, CO2; xi măng lò quay có 35 nhà máy phát thải chủ yếu ON bụi, SO2; luyện thép có 35 nhà máy phát thải bụi, SO2, NO2, CO; và chưa kể còn hàng trăm mỏ khai thác khoáng sản, nhà máy phân bón, hóa chất.
Ở góc độ kinh tế, PGS-TS Đinh Đức Trường cho rằng cấu trúc nền kinh tế Việt Nam có hai đặc trưng là thâm dụng tài nguyên và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài FDI, tạo ra thiên đường ô nhiễm. Theo PGS Trường, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên khiến cơ cấu sử dụng năng lượng hóa thạch chiếm phần lớn 93 - 95% tổng năng lượng sử dụng tại Việt Nam. Đầu tư phát triển công nghệ, nhân lực để phát triển xanh không được chú trọng. Dẫn chứng là tiêu thụ năng lượng giai đoạn 2006 - 2014, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trung bình chỉ có 6,5% nhưng mức độ tiêu thụ năng lượng tăng 12 - 13%, tăng nhanh hơn so với tăng trưởng kinh tế, chứng tỏ sử dụng năng lượng không hiệu quả.
Hôm qua không khí Hà Nội lại ô nhiễm nặngSáng 14.1, không khí Hà Nội và nhiều khu vực ở phía bắc lại ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe. Chuyên gia môi trường khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), UBND TP.Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và hơn 10 điểm quan trắc chuyển màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.
PAM Air ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội và các địa phương Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng có mức đỏ, không tốt cho sức khỏe - chỉ số AQI cao nhất 199, thậm chí có 12 điểm quan trắc ở mức tím 202 - 236, trong đó 8 điểm ở Hà Nội, 2 điểm ở Ninh Bình, Nam Định và Bắc Ninh mỗi tỉnh có 1 điểm… Theo Tổng cục Môi trường, TP.Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.
TTXVN
|
Cũng theo phân tích của PGS Trường, ở đặc trưng thứ hai, cấu trúc kinh tế phụ thuộc vào FDI cũng tạo ra “thiên đường ô nhiễm”. Ở các nước phát triển, họ có hệ thống kiểm soát phát thải chặt chẽ, tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp (DN) chi phí lớn. Còn ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì tiêu chuẩn thấp, giám sát lỏng lẻo, chi phí môi trường của DN thấp hơn rất nhiều, nên chuyển dịch sản xuất để tiết kiệm chi phí chi ra cho môi trường, trong kinh tế gọi là “thiên đường ô nhiễm”.
Khẳng định khu vực kinh tế FDI đang làm gia tăng đáng kể lượng chất ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, PGS Trường dẫn chứng một mô hình nghiên cứu “chạy” trong 3 năm Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho thấy tăng trưởng FDI 1% sẽ làm gia tăng 1,6% nước thải, 2,26% CO2 và tăng 2,5% năng lượng tiêu thụ. Các ngành FDI đang gây ô nhiễm nhiều nhất hiện nay gồm thép, xi măng, khai khoáng, dệt may, hóa chất, chế biến thực phẩm, giày da, giấy. Thực tế xuất hiện nhiều dự án FDI gây ô nhiễm nghiêm trọng như Huyndai-Vinashin (Khánh Hòa); Miwon (Phú Thọ); Tung Kuang (Hải Dương); Vedan (Đồng Nai), gần đây nhất là Formosa (Hà Tĩnh). “Các địa phương biết rõ FDI “bẩn” nhưng vì áp lực tăng trưởng kinh tế nên vẫn chấp nhận các dự án đầu tư”, ông Trường nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược TNMT (Bộ TN-MT), chia sẻ về chuyến công tác đến KCN Linh Trung (TP.HCM) cách đây vài năm. Khi đặt vấn đề áp dụng tiêu chuẩn môi trường theo châu Âu, các DN Hà Lan, Phần Lan, Anh sẵn sàng, còn nhóm phản đối là Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. “Cũng vì áp lực phát triển kinh tế, các địa phương chấp nhận “nuông chiều” DN FDI, tiêu chuẩn môi trường thấp không tạo ra động lực, áp lực để họ thay đổi công nghệ. Họ ăn lãi lớn, còn ô nhiễm thì nền kinh tế, người dân chúng ta phải gánh chịu. Đã đến lúc tư duy này phải thay đổi, không thể chấp nhận đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, ông Chinh nói.
Bình luận (0)