Biển giả tung hoành, chế tài còn nhẹ?
Cuối tháng 6.2024, Cục CSGT (C08) Bộ Công an nhận được văn bản đề nghị của Cục Hành chính - Quản trị II (Văn phòng Chính phủ) về việc kiểm tra làm rõ ô tô biển xanh của đơn vị mang biển số (BKS) 80B-9189 không hoạt động, nhưng đã bị trừ tiền tài khoản thu phí đường bộ không dừng tại địa điểm thu phí cầu Bến Thủy 1.
Ngay sau đó, lực lượng CSGT đã tiến hành dừng và kiểm tra phương tiện mang BKS nêu trên. Kết quả xác định tài xế là ông N.Đ.H (50 tuổi, ngụ Hà Nội), sử dụng BKS 80B-9189 là giả, đồng thời có thêm một BKS lật phía trong là 29A-455.xx. Mục đích của hành vi này nhằm được miễn phí qua các trạm thu phí, chiếm đoạt tiền phí đường bộ.
Tháng 5.2024, Công an tỉnh Kiên Giang tạm giữ hình sự Ngô Hồng Minh Tâm (50 tuổi, người địa phương) để điều tra hành vi vận chuyển gần 30.000 gói thuốc lá nhập lậu. Đáng chú ý, để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, ông Tâm sử dụng xe tải gắn BKS giả, đồng thời thiết kế một ngăn chứa bí mật để ngụy trang, cất giấu thuốc lá lậu.
Cũng trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin về việc bị "mạo danh" BKS. Khi nhận được thông báo phạt nguội, chủ xe tá hỏa vì ô tô thì đang ở Hà Nội mà vi phạm lại xảy ra tận Đà Nẵng, Hà Tĩnh… Thậm chí, một tài khoản Facebook ở Hà Nội từng "treo thưởng" 20 triệu đồng để truy tìm chiếc xe mang BKS giống hệt xe của mình, vì lo sợ bị phạt nguội oan.
Những vụ việc trên cho thấy tình trạng sử dụng BKS giả đang ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi. Tuy vậy, chế tài xử phạt, xử lý đối với vi phạm này được cho là chưa tương xứng.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), hành vi điều khiển ô tô gắn BKS không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng, tịch thu BKS giả và tước giấy phép lái xe (GPLX) 1 - 3 tháng.
Luật sư (LS) Hà Công Tâm (Đoàn LS TP.Hà Nội) nói, hành vi sử dụng BKS giả thể hiện sự cố ý gian dối của người vi phạm. Ở mức độ đơn giản, việc dùng BKS giả có thể nhằm né tránh phạt nguội hoặc thu phí đường bộ, nếu BKS giả trùng với BKS thật thì còn gây rắc rối cho người sở hữu BKS thật. Ở mức độ phức tạp hơn, BKS giả nhiều khi được tội phạm sử dụng làm công cụ phục vụ mục đích phạm tội hoặc né tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Với hệ lụy như đã nêu, cộng thêm số vụ vi phạm ngày càng gia tăng, LS Tâm cho rằng mức phạt 4 - 6 triệu đồng dường như chưa đủ "sức nặng". Ông kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu nâng mức phạt cao hơn, tạo sự răn đe đối với người vi phạm nói riêng, người tham gia giao thông nói chung.
Đề xuất phạt 30 triệu, trừ hết điểm GPLX
Để tăng chế tài và ngăn chặn tình trạng sử dụng BKS giả, tại dự thảo Nghị định Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt với hành vi này lên tới 20 - 30 triệu đồng (gấp 5 lần quy định hiện hành). Người vi phạm còn bị tịch thu BKS giả, trừ 12 điểm GPLX (chỉ cần vi phạm 1 lần sẽ bị trừ hết điểm) và sau 18 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm mới được đăng ký tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, nếu kết quả đạt thì mới được phục hồi điểm.
Nhất trí với đề xuất của Bộ Công an, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khẳng định hành vi sử dụng BKS giả là rất nguy hiểm. Có những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, việc dùng BKS giả sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ việc. Nghiêm trọng hơn, BKS giả nếu sử dụng vào mục đích phạm tội còn thể hiện sự cản trở điều tra, che giấu hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Tạo kỳ vọng việc tăng chế tài sẽ là biện pháp trực tiếp nhất để ngăn chặn tình trạng sử dụng phương tiện gắn BKS giả tham gia giao thông. Đồng thời, ông kiến nghị có các giải pháp nhận dạng BKS để phát hiện một cách nhanh chóng, chính xác đối với người vi phạm, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Cùng bày tỏ sự ủng hộ, LS Nguyễn Thị Thúy (Đoàn LS TP.Hà Nội) dẫn thực tế cho thấy, tâm lý của người sử dụng BKS giả thường là để né tránh bị phạt nguội, vì công tác xác minh, truy tìm và xử lý vi phạm sẽ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, mức phạt đối với hành vi sử dụng BKS giả hiện nay thấp hơn so với mức phạt đối với nhiều hành vi khác, người vi phạm "chấp nhận bị phạt lỗi BKS (nếu bị phát hiện), thay vì bị xử phạt lỗi nặng hơn".
Nữ LS nhận định đề xuất của Bộ Công an mang lại sự răn đe, giáo dục rất lớn. Sự răn đe thể hiện qua việc không chỉ là nâng mức phạt tiền mà còn áp dụng trừ điểm GPLX ở mức cao nhất (12 điểm), bằng với các lỗi vi phạm mà bấy lâu nay vẫn được coi là rất nguy hiểm như: nồng độ cồn, đua xe trái phép, trong cơ thể có chất ma túy…
Chưa hết, nếu bị trừ hết điểm GPLX do hành vi sử dụng BKS giả, người vi phạm không được điều khiển phương tiện theo hạng GPLX đó và phải chờ tới 18 tháng mới được tham gia kiểm tra kiến thức để được phục hồi điểm. Thời gian chờ như đề xuất lâu hơn rất nhiều so với việc tước GPLX 1 - 3 tháng như quy định hiện hành. "Có người e ngại việc bị tước GPLX hơn cả phạt tiền, vì thế quy định như dự thảo sẽ khiến họ cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện hành vi vi phạm", LS Thúy nói.
Bên cạnh việc tăng chế tài phạt tiền và trừ điểm GPLX, LS Thúy gợi ý có thể nghiên cứu thêm việc người sử dụng BKS giả mà gây ảnh hưởng cho người đi xe BKS thật thì phải bồi thường toàn bộ các chi phí có liên quan, gồm thời gian, công sức, tinh thần…
Bị "mạo danh" biển số, làm gì để chứng minh vô can?
Từ câu chuyện dùng BKS giả, nhiều người đặt câu hỏi nếu không may bị "mạo danh" BKS xe và công an gửi thông báo phạt nguội về nhà, cần làm gì để chứng minh mình vô can, tránh bị phạt oan?
Bộ Công an cho hay, khi phát hiện hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng không dừng được phương tiện để xử lý, lực lượng CSGT sẽ xác định thông tin về phương tiện và chủ phương tiện thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết vụ việc.
Trường hợp vi phạm không phải xe của mình mà do các phương tiện khác cố tình làm thay đổi chữ, số của BKS, chủ phương tiện có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan công an nơi gửi thông báo để tiến hành xác minh. Cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm sẽ có trách nhiệm xác minh, làm rõ và trả lời. Việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu được từ hệ thống camera quan sát, giám sát và nhận dạng BKS trên tuyến với độ chính xác cao, sẽ loại trừ được các phương tiện bị nhận dạng nhầm do hành vi che, dán BKS. Đồng thời, cơ quan công an sẽ phân tích, làm rõ chủ phương tiện thực hiện hành vi che, dán BKS để xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, chủ phương tiện cũng có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm. Theo LS Nguyễn Thị Thúy, chủ phương tiện có thể tự chứng minh không vi phạm bằng cách cung cấp thông tin cho thấy tại thời điểm hành vi phát sinh, xe của mình đang để ở nhà, ở tiệm sửa xe, bãi giữ xe…; hoặc bản thân chủ xe đang thực hiện công việc khác mà không điều khiển xe; hoặc xe của mình có BKS, đặc điểm hoàn toàn khác với xe vi phạm mà camera ghi nhận…
Bình luận (0)