(TNO) Để cảnh báo vấn đề tai nạn giao thông, sân khấu Kịch Sài Gòn (TP.HCM) vừa ra mắt vở Oan hồn rất hấp dẫn (tác giả Đăng Minh, đạo diễn Tấn Hoàng).
|
Tuy vẫn lấy hình thức kịch ma nhưng vở diễn không hề có chút hù dọa nào, không sử dụng các thủ pháp quen thuộc như bóng trắng, xõa tóc, mặt mày kinh dị, mà thử nghiệm một hình thức khác, gây được sự cảm động cho khán giả.
Chuyện kịch nói về anh thanh niên tên Tiến (Mạnh Tràng) hiền lành hiếu thảo, về quê thăm mẹ và chuẩn bị sính lễ để cưới vợ. Gia đình họ thật hạnh phúc, tuy không giàu nhưng trên dưới thuận hòa, yêu thương nhau hết mực. Vậy mà chỉ vì say rượu, lão đại gia Phát (Tấn Hoàng) đã lái xe cẩu thả gây tai nạn khiến Tiến tử vong. Và hồn anh đã tìm về ngôi nhà thân yêu nhìn mẹ, nhìn vợ sắp cưới trong nghẹn ngào, đau khổ.
Đạo diễn để cho nhân vật bước ra tự nhiên y như lúc còn sống, không hóa trang thành ma gì cả, chỉ là biểu tượng cho linh hồn đang khát khao yêu thương mà người thân không hề nhìn thấy.
Thật ra thủ pháp này đã được sử dụng trong phim Ghost (Hồn ma) nổi tiếng thế giới, nhưng sân khấu Kịch Sài Gòn lần đầu sử dụng, cũng là một cách thay đổi cái nhìn cho kịch ma, khiến nó nhân văn hơn, nghiêm túc hơn.
Cứ thế, người và ma hòa quyện như trong cùng một không gian để khán giả đau lòng nhận ra tai nạn giao thông đang là một vấn nạn khủng khiếp.
Khủng khiếp hơn nữa, khi báo chí đưa tin hằng ngày, và trong dư luận cũng truyền tai nhau về một điều “luật bất thành văn” của cánh lái xe là nếu thấy nạn nhân bị thương quá nặng thì sẽ cán luôn cho chết hẳn. Như thế, sẽ bồi thường một lần, vẫn nhẹ hơn phải nuôi người tàn tật suốt đời, lại nuôi thêm vợ con gia đình của họ.
Sự ác độc của con người đã đáng báo động. Và tình trạng say rượu mà vẫn lái xe, khi gây tai nạn rồi còn lấy tiền thuê người khác lãnh tội giùm. Và tiền còn mua chuộc cả luật sư, thẩm phán để che cả luật pháp. Tất cả những điều đó tích tụ trong mẫu nhân vật đại gia Phát, với tuyên ngôn dữ dội: “Tiền của tao có thể đảo lộn luân thường đạo lý”.
Nhưng những kẻ ác độc đó không thể thoát khỏi lưới trời, thoát khỏi sự trừng phạt của các oan hồn.
Tiến đã “gặp” ông ta trong chiếc xe gây tai nạn cho anh. Lời cảnh tỉnh, khuyên lơn của anh vẫn bị ông ta quăng bỏ, coi thường. Thế là ông ta bị quả báo, cơn say rượu khiến chiếc xe lao đầu vào con lươn, bốc cháy, đại gia không thể lấy tiền mua được mạng của mình.
Đạo diễn xử lý cảnh cuối rất khéo, đạo cụ thể hiện cả một chiếc ô tô chạy trên đường, cửa đóng mở, ghế ngồi giống y như thật. Và khi xe bốc cháy, ngọn lửa đỏ rực phựt cao lên, khán giả đã vỗ tay vì bất ngờ, thú vị.
Nghệ sĩ Mạnh Tràng, quản lý sân khấu Kịch Sài Gòn, nói: “Tôi rất tâm đắc với vở này vì tôi rất đau lòng với tai nạn giao thông hiện nay, muốn làm cái gì đó góp phần tuyên truyền cho mọi người. Không ngờ khán giả cũng đồng cảm nghĩ như mình, cho nên cả tháng nay vở này xếp lịch suốt từ thứ hai tới chủ nhật mà vẫn đông kín rạp”.
Rạp Đại Đồng 700 ghế, bán hết vé quả là “kỳ tích”.
Mạnh Tràng nói thêm: “Nhà nước mà cho chúng tôi đem vở này đi phục vụ ngoại thành thì chúng tôi sẵn sàng”.
Kinh phí cấp cho mỗi suất phục vụ chỉ có 6 hoặc 8 triệu đồng thôi, chỉ đủ đổ xăng cho mấy chiếc xe chở diễn viên và cảnh trí, còn cát sê chỉ 30.000 - 50.000 đồng/ người.
Nhưng Mạnh Tràng không ngại, vì anh nói đó là nghĩa vụ của sân khấu, góp phần vào xã hội. Anh đang tìm kiếm kịch bản để “tuyên truyền” một cách hấp dẫn như thế nữa. Tuyên truyền cho hay, cho khéo, thì không hề mất khán giả, mà hiệu quả xã hội rất cao. Thử nghiệm lần này khiến anh em nghệ sĩ phấn khởi vô cùng.
Hoàng Kim
>> Long ruồi như vở kịch vui
>> Vở kịch kinh dị "Họa hồn
>> Hữu Châu & vở kịch thơ đầu tiên
>> Vở kịch đầu tiên về WikiLeaks
>> Vở kịch "Những người độc thân
>> Vở kịch thiếu nhi "Chúa tể muôn loài
>> Vở kịch tiền tỉ lùi ngày công diễn
>> Công diễn vở kịch "Xin lỗi, em chỉ là...
Bình luận (0)