Ốc “gù lưng” 40 năm sáng đèn ở Sài Gòn
03/08/2020 06:03 GMT+7
Quán ốc trong hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM bán từ 19 giờ 30 phút - 1 giờ sáng. Quán còn gọi là quán “Bà già” vì ba đầu bếp đứng quán và phục vụ đều đã gần 80 tuổi. Đa phần đều gù lưng, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, các món ốc đều được đánh giá là nêm nếm vừa vị, không món nào nhầm món nào được.
Tự động phát
Tại một con hẻm lao động giữa Sài Gòn, mỗi khi đêm xuống, quán ốc "còng lưng" bắt đầu nhộn nhịp. Ba người phụ nữ lớn tuổi với dáng đi khập khiễng, chiếc lưng còng từ tốn thực hiện món ăn, còn thực khách quen cũng không nóng ruột. Gần 40 năm qua, ánh đèn leo lét của địa chỉ ẩm thực độc đáo này như giữ lại một nét hoài niệm, trầm mặc giữa đô thị sầm uất.
|
Bà Hồ Bạch Tuyết, (62 tuổi) - quận 3, TP.HCM chia sẻ: "Từ mười mấy tuổi là tụi cô từ quê (Bến Tre) lên đây, làm thuê làm mướn. Từ từ cô em bán ốc, bán hột vịt lộn rồi cứ làm tới giờ. Sáng họ giao ốc, giao hột vịt tới thì cô lo nấu nướng, cô em pha mắm muối còn bà già (mẹ) rửa hột vịt để chuẩn bị tối bán".
|
Đứng kế bên, bà Hồ Thị Bé (61 tuổi) nói: "Giờ nói cũng hông biết công thức đâu, tự học không à. Ban đầu bán đơn giản lắm, hột vịt lộn luộc, ốc luộc thôi. Sau này, thấy người ta chế biến mình học theo xào tỏi, xào me, rang muối, nướng này nọ; tự học hết..."
|
Ốc “gù lưng” sáng đèn mỗi ngày từ 19 – 24 giờ, trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân gần 40 năm. Về sau, sức khỏe và độ minh mẫn của những người mở quán đi xuống, tốc độ phục vụ chậm hơn, nhưng thực khách đều kiên nhẫn đợi.
|
Nói về hình ảnh cả ba người đều "gù lưng", bà Hồ Bạch Tuyết chia sẻ: "Cô một phần ngồi lâu nên bị mất một số đốt sống, càng lúc càng khòm. Đến khám thì bác sĩ bảo chữa cả trăm triệu thì có tiền đâu nên cứ uống thuốc cho bớt đau thôi. Được cái cô nhà cũng gần chỗ bán, không có đi xa, đi ít ít để nấu nướng loanh quanh thôi".
|
|
Trong cơn mưa dai dẳng đến chiều muộn ở Sài Gòn, hàng ốc "gù lưng" vẫn cố mở, ba bóng hình nghiêng nghiêng soi bóng dưới mặt đường ẩm ướt: "Buôn bán giờ ai cũng như ai không dư dả đâu. đâu còn như lúc trước tụi con tới là không có chỗ đâu, sau cái dịch là xuống hẳn, bán không có phát triển. cô bệnh, bà này (chị) cũng bệnh, bà già cũng bệnh; cũng nghĩ muốn thay đổi làm cái gì khác mà thấy kệ cũng lớn tuổi rồi; thôi cứ theo cái nghề mấy chục năm mà sống...", bà Bé tâm sự.
Bình luận (0)