Ôi cái thời pat xì - gà

05/10/2019 07:29 GMT+7

Mỗi ngày vô cơ quan, cái thằng mình thường gặp một cô đồng nghiệp tuổi U.50 nhưng còn rất trẻ, một cây thời trang téc-níc-cu-lơ màu sắc phà phà.

Chỉ thấy dáng cô đi qua trong bộ cánh mới là biết hôm nay thời trang Sài Gòn đang tung ra mốt gì.
Cô ấy là tấm gương thời trang hiện đại cho những cô gái cơ quan không tìm được một thị hiếu thời trang thích hợp cho mình bèn phải noi gương những “lão mẫu” đi trước. Hên nhờ xui chịu nha nha. Nhưng thường là hên nhiều hơn xui. Cái này hay à nha!
Bỗng dưng hôm nay cô đồng nghiệp làm thằng mình xúc động như mình 18 tuổi, phà ơi. Không phải vì trái tim lỗi nhịp giao thời. Hai cái stent vào trái tim mười mấy lỗ thì còn lỗi nhịp cái gì. Xúc động ở đây là lúc nhìn bộ thời trang của cô, tôi tưởng mình gặp lại những cô gái Sài Gòn những năm 1970. Tôi nhìn cô đang bơi trong cái quần jean thẳng đứng, rộng phà phà “Patte (pat) Elephant hả em, Pat ống voi”. Tôi lúng túng: “À quên, pat xì gà... đúng rồi pat xì gà... hà hà”.
Tín đồ thời trang bát phố Sài Gòn xưa, thời mà đường sách Lê Lợi, nhà sách Khai Trí, kem Pole Nord ở thương xá Tax vẫn còn, ở tuổi thất thập cổ lai hi hi hi (ba chữ hi nha) ai mà không còn nhớ quần ống túm, rồi tiến chầm chậm lên quần ống voi và tiến vững chắc lên quần ống xì gà rồi về sau được gọi là quần ống loe.
Trước khi nói về cái quần ống voi, xì gà thì nói về cái quần ống túm trước. Dễ hiểu nôm na ống túm giống như cái quần thun thể thao mà quý anh, quý chị hay mặc khi tập yoga. Chỉ khác là cái quần nầy may như quần tây đàn ông, có dây kéo che cửa sổ, có túi hai bên hông còn mọi thứ khác không bó tay chứ hoàn toàn là bó mông và bó chân. Chân mập, chân ốm khi thượng cái “quỡn” nầy vào là sẽ khoe tuốt tuột.
Hồi nhỏ, thằng mình cũng đua đòi chúng bạn, ống chân như ống thổi xì đồng mà cũng chơi quần ống túm để khỏi bị chúng bạn chê là quê một cục. Mỗi khi mặc quần hay thay quần coi như là một kỳ công kéo ra kéo vào. Nhiều thằng mặc quần ống túm, phần hạ bộ nó may túm quá cỡ để lòi ra một đống trông thấy mà đùm đề. Mấy chị mặc thì lại vô cùng hấp dẫn khi những gò, đồi đều hiển hiện như bánh ú. Nhất là thời đó có cái jean thòng lọng của Thái Lan bằng vải thun thì nó bó sát rạt y như quần tập yoga bây giờ đó nha.
Cái hay của quần ống túm, ống voi, ống xì gà là uni-sex, nam thanh nữ tú, ông già bà cả đều mặc được. Thằng bạn tôi có đứa em gái hay bà chị sinh đôi gì đó không biết, thường dùng chung quần ống voi, rồi xì gà phà phà với nhau vì có cùng cỡ vòng bụng, còn bắp chuối hay chân cẳng thì khỏi cần lo vì hai ống nó tè loe như cái miệng phễu. Gọi ống voi vì có lẽ ống quần bự bằng cái chân voi chắc. Chưa hết, đặc điểm của quần ống voi là cái lưng cao khoảng nửa tấc, có thằng muốn lấy le với các em gái chơi luôn cái lưng hai tấc coi như nó đeo một cái đai lưng to tổ bố trị bệnh thoát vị đĩa đệm nhìn xốn con mắt. Vậy mà khi ra đường, mặt mụn ảnh ngơ ngơ lên đành phải khen đẹp, đẹp. Đẹp cái bố mầy, tao khen là nhờ cái ly cà phê Năm Dưỡng đó nha nha.
Sau thời kỳ ống voi là ống xì gà. Cái quần nầy khỏi cần diễn giải tam quốc chí diễn nghĩa gì ai cũng hiểu cái điếu xì gà nó tròn tròn, suôn đuột và mập mạp. Cái quần ống xì gà thì từ mông trở xuống suôn đuột, thẳng hàng và rộng rãi. Quần nầy vô cùng lợi hại cho các cô chân mập, chân gầy. Còn mấy cô có độc quyền chân ghẻ thì quần chỉ cần dài, đừng mặc duýp là đủ lợi thế để che rồi. Nhiều cô, nhiều anh chơi ống rộng ba tấc, ngang bắp vế cũng ba tấc thì rõ ràng là hai cái chân đang bơi trong cái ống quần dư thừa lòng rộng rãi. Mỗi lần thấy anh chị đi thì như phất phới ống quần bay phà phà. Lưng quần cũng cao, còn thêm một hàng nút bọc vải làm duyên. Túi có thể xẻ dọc bên hông hoặc đứng tùy theo ý thích của nam, nữ thí chủ...
Chưa hết, mặc “quỡn” (quần) phải xứng kỳ “y” (áo). Dân chơi, xin tiền cha mẹ hoặc nhịn ăn, nhịn mặc để cho được cái “quỡn” hết sẩy. Muốn hết sẩy thêm thì cũng ráng kiếm cho được cái áo cho phù hợp nếu không thì lẻ loi đời quần. Quần ống túm, voi, ống xì gà thì phải tìm cho được cái áo bó thân. Chữ bó thân nầy hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen đúa là cái áo phải chật thật chật, bó thật bó đến nỗi anh nào ốm nhom, ốm nhách thì sẽ lòi xương sườn ra bao nhiêu cái khỏi cần đếm. Còn anh nào mập thì cái thân người sẽ lòi ra vài cục mỡ đỡ thèm, còn các đấng nõn nường thì sẽ sô một tòa thiên nhiên rùng rục, rung rinh như chọc vào mắt thiên hạ một cách bùng bùng nổ nổ. Kín đáo hơn, sau nầy các nường còn phát minh sự phối hợp nghệ thuật bằng cách mặc áo dài mi ni che kín cái phần bụng khi mặc quần ống voi hay xì gà. Nếu mặc áo dài thì các nàng sẽ không khoe được sợi dây nịt to bản ở phần bụng thon hay mỡ tùy lứa tuổi của người mặc nó.
Ngoài áo dài mini còn áo tu-níc in hoa sặc sỡ với những đồ phụ tùng đeo cổ lục cà lục cục như những sợi dây, vòng tay bằng cườm to hột, những dây thắt lưng lòng thòng hoặc một chiếc khăn trên đầu... Như đã nói ở trên dù ống túm ống voi hay ống xì gà thì nam nữ đều có thể mặc cùng kiểu như nhau bất phân giới tính. Có những chàng trai Petrus đi học vẫn quần xanh, áo trắng nhưng năm nào thì mốt quần, mốt áo đó. Tất nhiên là những chàng trai nầy thuộc loại con nhà khá giả chứ như tụi thằng mình thì quần kaki năm nay là quần của muôn năm trước, khi giò đã nhổ thì cứ xuống lai mặc hoài thì cũng là quần như ai chứ bộ. Còn các chàng nay túm, mai loe thì tối ngày đi học chỉ ngắm vuốt cái quần, cái áo cho mấy em Mari-cút (Marie Curie) kiêng nể. Nhưng quần ống túm, voi, ống thổi xì đồng nam nhân chỉ mặc khi trẻ chứ bắt đầu có tí tuổi thì các chàng trở lại mốt bình thường cho đứng đắn chứ không như mấy chị. Bởi vì, trong những ngày “hạnh ngộ”, “biểu diễn thời trang” trên hè phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần sánh vai cùng các cô gái đang xoan thì cũng không ít các nữ thím hăng say lượn cũng quần xì gà, áo hoa bó thân như bánh tét cùng với dây nhợ quanh cổ. Chính các thím nầy với phương châm “thà nhịn ăn, chứ không nhịn mặc” đã làm cho các đấng tay cầm kéo, cổ mang thước dây, miệng ngậm kim đã xỏ chỉ nói nôm na là thợ may luôn có thời nâng cao tay nghề múa... may. Thời trang cho các anh chị mình làm các nhà may phát triển tài nghệ chế biến hoa lá cành. Một tờ báo ngày xưa ấy nhận định những mốt thời trang đầu tiên được khởi xướng đa số đều do các bà mệnh phụ, những người có cơ hội may mắn xuất ngoại, cả khi về nước, lần lần du nhập những kiểu áo ngoại quốc biến chế cho thích hợp với người Việt Nam. Và chính họ đã dẫn dắt những thành phần khác chạy theo thời trang bằng cách lượn lờ khu Eden Passage (đã biến mất), Crystal Palace (không còn nữa) những tiệm Kim Phượng, Tân Cương, Mỹ Châu - những khu vực nổi tiếng ăn chơi (đã mất từ khuya). Nơi đây từ nào là nơi hội tụ túm, voi và xì gà... Rồi sau nầy là Midi, Maxi... xi cà que loạn cào cào con mắt đờn ông.
Hình như ông bà thời trang nào đã phát ngôn: “Thời trang là sự lặp lại của cái cũ”. Tôi nhìn cô gái cơ quan và muốn nói với cô rằng: “Em rất mới vì em mặc quần patte xì gà thời của... chú đó nhe”. Nói tiếng chú mà tôi muốn khóc...! Ôi, một thời pat xì gà tuổi trẻ của tôi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.