Ngày còn bé khoảng hơn 30 năm về trước, thời các vùng quê nghèo còn thiếu thốn trăm bề thì điện thắp sáng và quạt máy là những thứ nghe thật... xa xỉ, huống hồ gì nói chuyện tiết kiệm điện lại càng xa vời. Ông nội tôi đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến lúc bố tôi còn bé, do vậy với tôi ông bà ngoại trở thành những người gần gũi và gắn bó nhất.
Trong đôi mắt trẻ thơ tôi trong veo, ông ngoại là số 1, vì ông biết cả tiếng Pháp và chữ Hán. Nhà ông bà chỉ cách nhà tôi 22 km tôi rất thích được mẹ đèo về nhà ông bà ngoại để được thỏa thích đọc truyện Kiều của ông đã phủ nếp thời gian.
Chiếc quạt trần từ gỗ xoan của ông tôi
Có nhiều câu chuyện đi ngang qua cuộc đời đôi khi ta quên hẳn, nhưng có những hình ảnh đi theo ta mãi mãi, như hình ảnh mái nhà ngói nhỏ trước cửa nhà có những quả cây lòng đỏ trứng gà và một vườn mía xanh mướt mát của ông bà ngoại thì tôi chẳng bao giờ quên.
Trong nhà ông bà vật dụng thật đơn sơ có một chiếc đồng hồ cổ thời Pháp là đáng giá nhất, cứ 15 phút lại đánh chuông một lần và đúng các giờ sẽ đánh đúng số chuông y thế. Chiếc đồng hồ của ông ngoại cứ một tuần lại phải lên dây cót một lần. Ngoài ra, ông cũng có một chiếc đài nhỏ chạy bằng ắc quy làm "bạn thân" của ông bao nhiêu năm. Tuy nhiên, tôi vẫn ấn tượng nhất là một chiếc quạt trần chạy bằng cơ do ông chế tạo.
Ông ngoại tôi thật khéo tay. Ông đẽo cả 3 chiếc cánh quạt rất đẹp từ gỗ xoan được treo giữa gian nhà ba gian. Điều đặc biệt chiếc quạt trần của ông không chạy bằng điện mà nó được chạy bằng những sức người. Chiếc quạt có 1 chiếc dây kéo hoạt động như chiếc xe đạp khi ta kéo thì quạt trần bắt đầu chạy. Tôi thấy thích thú và kéo quạt càng kéo mạnh quạt càng chạy khỏe.
Đời người như bóng câu qua cửa, giờ đây ông và bà ngoại tôi cũng không còn nữa, cũng như chiếc quạt trần của ông cũng không còn, nhưng ký ức về ông bà về chiếc quạt trần cổ ngày xưa vẫn còn lưu giữ trong trái tim tôi, cùng ý thức tiết kiệm điện từ ông bà luôn luôn nhắc nhở tôi cần phải tiết kiệm điện trong cuộc sống.
Những thiết bị chiếu sáng hiện tại đang dùng tôi đều chọn đèn LED. Những thiết bị điện tử điện lạnh tôi cũng chọn những thiết bị được gắn nhiều sao tiết kiệm. Tôi luôn khuyến khích các con hãy ra ngoài nhiều hơn thay vì ngồi ở nhà dán mắt vào những chiếc điện thoại máy tính, đồng thời siêng đạp xe nhiều hơn, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao sức khỏe. Tôi khuyên con hãy tiết kiệm nước và giấy hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần, đó cũng chính là cách tiết kiệm điện năng cho chính bản thân mình, Nhà nước cũng như những thế hệ mai sau.
Và câu chuyện nhỏ của tôi
Nghề bảo vệ đến với tôi như một cái gì thật tự nhiên. Năm 19 tuổi, từ một chàng trai khỏe mạnh khôi ngô, tôi chẳng may gặp một tai nạn bất ngờ phải trở thành người khuyết tật. Ước mơ của tuổi trẻ tan biến. Cuộc sống cần phải dùng đến tiền, đêm nằm tôi suy ngẫm không biết chân tay này của mình có làm được bảo vệ không, rồi quyết định đi xin việc.
Tôi được phân công một chỗ làm trong tòa nhà. Chỗ làm được trang bị 2 bộ máy tính và 1 chiếc điều hòa. Chiếc điều hòa có tác dụng làm mát bảo vệ máy tính làm việc 24/24. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm bảo vệ và tiết kiệm điện cho công ty. Khi trời nắng từ 9 giờ tôi sẽ bật điều hòa trong phòng và thường xuyên để nhiệt độ là 28oC đến 29oC. Mọi người hay hỏi: "Sao em để cao thế, không để dưới 22oC cho mát? Tiền điện của công ty lo gì". Nhưng tôi nghĩ một mình trong bốt cũng không cần thiết, phải giảm nhiệt độ quá thấp vừa ảnh hưởng sức khỏe khi đi ra ngoài dễ bị sốc nhiệt gây đột quỵ, vừa tốn tiền điện của cơ quan.
Hàng ngày, tôi quan sát và học hỏi những việc làm tiết kiệm điện của công ty như tắt các thiết bị chiếu sáng không cần thiết. Vào thứ bảy và chủ nhật nhân viên đi làm ít, chỉ duy trì 1 thang máy hàng và 1 thang khách. Máy điều hòa đặt chế độ bật theo giờ cao điểm và có mật khẩu để sử dụng tránh việc bật điều hòa mà quên không tắt. Chúng tôi là bảo vệ khi đi tuần tra tháp, thấy bóng đèn bật sáng cũng sẽ tắt. Lúc đầu tôi thấy những nhân viên không thật sự thoải mái lắm trước việc làm tiết kiệm điện, tuy nhiên giờ đây thấy mọi người đã quen nên rất hăng hái thực hiện. Chúng tôi còn trồng nhiều cây xanh trong tòa nhà và phòng làm việc, tạo khí ô xy trong lành cho nhân viên cũng như giúp cho tinh thần làm việc thêm thư thái.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)