Ông Đoàn Nguyên Đức: Hướng tới 1 tỉ USD doanh thu từ trái cây

12/09/2019 06:41 GMT+7

"Hiện giờ chúng tôi vẫn thực hiện 2 tiêu chí: trả nợ và quản trị lại công ty. Chưa dọn dẹp, xây dựng bài bản thì không thể làm tốt được".

* Sau gần 1 năm hợp tác với Thaco, HAGL đã có những chuyển biến tích cực như trả nợ trái phiếu trước hạn hàng nghìn tỉ đồng, cổ phiếu vượt đỉnh 3 năm... Nhưng cái mà mọi người mong chờ là Tập đoàn HAGL kinh doanh khởi sắc trở lại, ông có thể cho biết một vài cột mốc cụ thể?
Ông Đoàn Nguyên Đức: Là người đi qua nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh, tôi cho rằng bên cạnh ý chí và nỗ lực, mình vẫn cần phải có được những người đồng hành tin cậy.
- Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Trong thỏa thuận với anh Dương, chúng tôi cam kết tập trung xử lý nợ nên hiện nay, làm được bao nhiêu, bán được cái gì chúng tôi đều trả nợ hết. Riêng năm 2019 này, chúng tôi đã trả hơn 50% tổng nợ. Thế nên về nợ thì đã rất ổn rồi nhưng để có lời thì phải chờ thêm. Hiện giờ chúng tôi vẫn thực hiện 2 tiêu chí: trả nợ và quản trị lại công ty. Chưa dọn dẹp, xây dựng bài bản thì không thể làm tốt được.
* Cụ thể thì phải xây đến bao giờ mới xong, thưa ông?
- Với việc tái cấu trúc về tài chính và nỗ lực chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cọ dầu và một phần cây cao su sang cây ăn trái, doanh thu cây ăn trái của chúng tôi đang tăng trưởng nhanh và ổn định. Năm nay, HNG sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây, doanh thu khoảng 200 triệu USD; năm 2020 dự kiến sản lượng xuất khẩu trái cây trên 400.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD và hướng đến 1 tỉ USD doanh thu vào năm 2021.
Chúng tôi tính toán thì đến giữa năm 2020 HNG cân đối được thu chi, trong đó có trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần cho Thaco.
* HNG đang sở hữu diện tích đất khổng lồ và tích cực chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, ông có lo ngại đến khi đạt được sản lượng kỳ vọng, thị trường lại rơi vào tình trạng dư cung hay mất giá như cao su và cọ dầu trước đây không?
- Về thị trường, tôi hoàn toàn không lo ngại. Sức mua chuối của Trung Quốc hiện là 18 triệu tấn/năm trong khi chúng tôi phấn đấu sang năm đạt sản lượng khoảng nửa triệu tấn. Nói thế để thấy, dung lượng thị trường là rất lớn, chúng tôi sản xuất ra bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu. Hồi mới đầu, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch 5 cont chuối cũng hết, giờ 30 cont cũng hết và chúng tôi cố gắng 2020 lên 100 cont/ngày.
Còn về giá, nói nhiều người không tin nhưng trong nông nghiệp, tỷ suất lợi nhuận rất lớn. Ví dụ chuối, giá thành chỉ 750 đồng/kg và chúng tôi đang xuất bán 15.000 đồng/kg. Nghĩa là bán giá nào cũng lời. Đó mới chỉ là chuối, còn rất nhiều loại cây ăn trái cho giá trị cao nữa. Hiện có những vườn sầu riêng của cá nhân cho doanh thu 3 tỉ đồng/ha hay vườn bưởi 1,5 tỉ đồng/ha.
HAGL là tập đoàn kinh tế lớn với tổng tài sản lên đến 53.000 tỉ đồng, đã hoạt động trên 25 năm với ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ lực hiện nay là nông nghiệp, trải rộng trên lãnh thổ của 3 quốc gia VN, Lào, Campuchia với tổng diện tích trên 80.000 ha, cùng với dự án khu phức hợp HAGL nằm tại Trung tâm TP.Yangon - Myanmar. Do giá cao su giảm mạnh HAGL rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong bối cảnh đó, HAGL đã cùng Thaco chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược vào ngày 8.8.2018. Theo đó Thaco đầu tư vào 2 công ty là Công ty CP nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) và HAGL Myanmar. Thaco  cũng hỗ trợ HAGL về tài chính để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư thực hiện chiến lược phát triển bền vững với tổng số tiền dự kiến lên đến hơn 22.000 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD).
* Sức mua lớn, dễ tính nhưng thị trường Trung Quốc nổi tiếng rủi ro. Trái cây rau củ VN xuất qua Trung Quốc luôn bị tình trạng ép giá, mất giá, nhiều thời điểm phải đổ cho bò ăn. Mới đây thôi, 500 xe chở thanh long ùn ứ tại cửa khẩu do nước này áp dụng quy định mới và việc này vẫn liên tục xảy ra, ông đã lường trước những rủi ro này chưa?
- Khái niệm "được mùa mất giá, được giá mất mùa" mà chúng ta hay nói là chưa chính xác. Tôi thừa nhận có tình trạng này nhưng nguyên nhân do VN chưa có DN xuất khẩu trái cây đúng nghĩa mà toàn mấy "ông" thương lái Trung Quốc xuống tận Long An, Bình Thuận… gom hàng. Vì chui sâu vào nội địa, họ nắm hết mọi thông tin của chúng ta, từ sản lượng, thời tiết, thói quen, khả năng... rồi từ đó ép giá. Ví dụ nghe ngóng thấy cửa khẩu Tân Thanh đang ứ hàng là tại nội địa đè giá xuống thấp. Cũng có khi là bà con mình không để ý, cứ tới giờ là thu hoạch nhưng gặp đúng lúc Trung Quốc nghỉ lễ, sức mua sụt giảm mạnh mà mình lại không có kho lạnh chứa nên ứ hàng. Lúc đó thì giá nào cũng bán. Vì toàn người Trung Quốc qua mua nên giá là do họ quyết định.
Chúng tôi không bán qua biên mậu mà ký hợp đồng với những nhà phân phối lớn của Trung Quốc. Ở thị trường chính ngạch, nhà bán lẻ cần nhà cung cấp hơn là nhà cung cấp cần họ. Hiện trái cây của chúng tôi bán toàn bộ trong siêu thị tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên... và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.