Ông gù mắc bệnh hiếm, nén đau 30 năm nuôi mẹ già lưng còng

Đình Tuyển
Đình Tuyển
01/12/2022 13:26 GMT+7

Ông Hải gù, đã “cắn răng” chịu nỗi đau thấu xương suốt 30 năm qua để mưu sinh nuôi mẹ già. Căn bệnh hiếm gặp khiến lưng ông còng gập, quanh năm chỉ nhìn xuống đất.

Ông Huỳnh Văn Hải (thường gọi Hải gù, 54 tuổi, ngụ ấp Mang Cá, xã Đại Hải, H. Kế Sách, Sóc Trăng) không kìm được xúc động khi nghe bác sĩ nói xương đang lành dần. Đã mấy chục năm từ khi bị té trên cây cóc xuống đất, cái sống lưng bị gãy của ông Hải cuối cùng đã được bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ phẫu thuật thành công. Bao năm lưng còng, chỉ nhìn được bàn chân người đối diện thì giờ đây ông Hải đã có thể ngước lên thấy mặt mọi người.

Dẫu còn một bên khớp háng bị dính chặt cần phải mổ nhưng chưa bao giờ ông Hải thấy cuộc sống nhiều hy vọng như lúc này. Ông nói: “Tôi chỉ cầu mau bình phục để về chăm nuôi mẹ già. Mẹ tôi còng nặng hơn tôi, đang ở nhà một mình. Chuyện mổ khớp háng còn lại tôi chưa dám nghĩ tới vì chi phí nhiều lắm”.

Ông Huỳnh Văn Hải được BS Nguyễn Hữu Thuyết hỗ trợ tập vận động sau mổ

đình tuyển

Cuộc đời gập ghềnh

Số phận ông Hải bất hạnh khi năm 1 tuổi đã mất cha. Cha ông là liệt sĩ Huỳnh Văn Phải hy sinh ở xã Ba Trinh, H. Kế Sách, Sóc Trăng vào tháng 9.1969. Cậu bé Hải từ đó lớn lên trong vòng tay của mẹ là bà Nguyễn Thị Ngàn.

Năm 14 tuổi, một tai nạn bất ngờ ập đến. Ông Hải nhớ lại: “Khi đó, tôi thấy trên cây cóc nhà ngoại có trái chín, tôi leo lên hái thì bất ngờ cành cây bị gãy, tôi té ngồi xuống đất rồi ngất đi không biết gì”. Tỉnh dậy, ông Hải chỉ thấy ê ẩm, nhức người. Bà Ngàn cũng tưởng con bị nhẹ nên chỉ xoa thuốc cho qua cơn đau. Không ai ngờ, cú ngã định mệnh đó khiến ông Hải trở thành người tàn phế sau này.

Ông Hải kể lại tuổi thơ bất hạnh của mình khi cha hy sinh năm ông mới 1 tuổi, 14 tuổi bị tai nạn, 25 tuổi bắt đầu còng lưng vì căn bệnh xương hiếm gặp

đình tuyển

Thăm khám cho ông Hải, BS.CK2 Nguyễn Hữu Thuyết, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết ông Hải bị bệnh lý bẩm sinh khá hiếm gặp, đó là bệnh viêm cột sống dính khớp. BS Thuyết giải thích: “Cột sống người bình thường sẽ gồm nhiều đốt gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực và 5 đốt sống lưng. Các đốt sống liên kết lại qua hệ thống dây chằng, mấu khớp và hệ thống đĩa đệm. Tuy nhiên ở trường hợp ông Hải, tất cả các đốt sống bị dính lại với nhau uốn cong như chữ C, cứng đơ và rất dễ gãy”. Cũng vì vậy, tai nạn lúc còn nhỏ đã khiến ông Hải bị gãy cột sống lưng ở đốt sống L3 – L4 nhưng không biết. Đáng tiếc là bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Sau này vị trí sống lưng gãy tạo thành một khớp giả “di động” chèn ép dây thần kinh, gây đau đớn triền miên cho bệnh nhân.

Phẫu thuật thành công cho ông gù ‘30 năm chỉ nhìn xuống đất, nay mới thấy mặt người’

Bên trái là xương sống lưng của người bình thường, các đốt sống tách rời, trong khi bên phải là hình ảnh xương sống lưng ông Hải, các khớp bị viêm dính liền và cứng lại cùng với đó là đoạn gãy L3 - L4 không thể lành, tạo thành khớp giả

đình tuyển

Cách đây mấy tuần, sau khi nghe thông báo đóng tạm ứng chi phí mổ sống lưng 70 triệu đồng, ông Hải gù đã xin các bác sĩ cho về vì số tiền quá lớn, không có cách nào xoay trở được. “May mắn sau đó, các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ biết hoàn cảnh tôi nên đã xin hỗ trợ giúp. Nhờ vậy tôi mới được phẫu thuật. Khi mổ, tôi phải nằm sấp, không giống ai nên nghe bảo ca mổ khó lắm, có một không hai ở đây”, ông Hải nói.

Gạt nước mắt chịu đời tàn phế

Nhớ lại mấy chục năm cắn răng chịu đau, ông Hải kể, thời gian đầu sau tai nạn có lẽ do tuổi còn nhỏ nên chỉ thi thoảng ông thấy đau lưng và hông. Nhưng sau khoảng 10 năm thì đau ngày càng nhiều, lan từ lưng xuống háng.

Theo BS Thuyết, đó cũng chính là thời điểm bệnh viêm cột sống dính khớp của ông Hải khởi phát và tiến triển nặng dần. Thêm vào đó, vết gãy trên xương sống lưng không thể lành đã hình thành khớp giả. Những cơn đau bắt đầu hành hạ ông Hải mỗi ngày một nhiều hơn. “Bấy giờ tôi đã đi khám nhiều nơi nhưng ai cũng lắc đầu bảo bệnh dính khớp này thì chỉ có mang tật suốt đời. Sau đó, vợ chồng tôi chia tay, vợ tôi đi nơi khác, tôi nuôi thêm thằng con nhỏ”, ông Hải nói.

Gần 30 tuổi, lưng ông Hải đã còng, sức lao động mất dần khi điểm gù vùng thắt lưng cộm khỏi mặt da lưng. Cũng từ đó, xương sống ông ngày càng cong xuống, cột sống từ cổ tới thắt lưng bị viêm dính liền, cứng lại khiến ông không thể ngước cổ lên, không thể nằm ngửa, quanh năm mặt chỉ nhìn xuống đất.

Tư lúc gần 30 tuổi, lưng ông Hải đã còng, sức lao động cũng mất dần khi điểm gù vùng thắt lưng cộm khỏi mặt da lưng

đình tuyển

“Cuộc sống tật nguyền, không làm được gì, xách 2 - 3 kg không nổi. Nhiều lúc bế tắc muốn buông xuôi mà nghĩ đến mẹ già lại cố sống. Bởi vì mẹ tôi còn còng hơn tôi rất nhiều, bà cũng không làm được gì. Tôi thì hằng ngày ráng lo đi chợ, hái rau, lo cơm nước cho mẹ, sống lây lất tới đâu hay tới đó”, ông Hải chia sẻ.

Cuộc sống khó khăn nên con trai ông Hải cũng chỉ học tới lớp 3 là bỏ học, hiện đang ở TP.HCM làm thuê. “Nó có học hành gì đâu, làm mướn không đủ ăn nên thi thoảng có cho cha và bà nội vài trăm ngàn. Còn lại hai mẹ con tôi sống chủ yếu nhờ khoản lương liệt sĩ của cha được 1,6 triệu đồng/tháng, sống qua ngày”, ông Hải nói.

Mong bớt đau để chăm mẹ già

BS.CK2 Nguyễn Hữu Thuyết cho biết, bệnh lý viêm cột sống dính khớp của ông Hải giờ chỉ có thể giải quyết hậu quả của bệnh. Tức là đau ở đâu, gãy xương chỗ nào thì cố định, giải quyết chỗ đó. Sau ca phẫu thuật làm mới lại vị trí khớp giả và ghép xương tự thân bằng xương mào chậu, đặt ốc cố định cột sống, chắc chắn tình trạng đau của ông Hải giảm hẳn. Thêm nữa, nếu như trước đây, khi đi lại, sinh hoạt ông Hải chỉ cúi mặt xuống đất thì giờ đã có thể ngước lên, nhìn và giao tiếp được với người xung quanh.

Xương sống lưng ông Hải bị gãy trước khi mổ, hình ảnh cho thấy, khớp háng của ông Hải cũng bị viêm dính lại, làm mất vận động

đình tuyển

Đoạn xương sống bị gãy của ông Hải sau khi được phẫu thuật cố định

đình tuyển

Cũng theo BS Thuyết, ngoài cột sống thì bệnh nhân này còn bị viêm dính cả khớp háng. Cách đây 2 năm, bệnh nhân đã có chỉ định mổ thay cả hai bên khớp háng nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên đã ưu tiên giải quyết tình trạng khớp háng cứng nhất, khó chịu nhất là bên trái. Hiện tại khớp háng bên phải của bệnh nhân cũng cần phải phẫu thuật khi sống lưng bình phục hoàn toàn.

Giờ đây ông Hải đã có thể ngước mắt nhìn lên để giao tiếp với mọi người nhưng về lâu dài để cải thiện hơn tình trạng của mình, ông Hải cần phải mổ thay nốt bên khớp háng phải

đình tuyển

Tuy vậy, do gia cảnh khó khăn, đơn chiếc, chi phí mổ lên tới vài chục triệu đồng khiến ông Hải gần như không dám nghĩ tới. Ông Hải nói: “Lần mổ 2 năm trước, ngoài hỗ trợ của BVĐK Trung ương Cần Thơ, tôi cũng phải vay 15 triệu đồng lo thêm, tới giờ vẫn chưa trả nợ xong. Thế nên thực sự tôi không dám nghĩ tới việc mổ nốt khớp háng còn lại. Thôi thì ráng chịu. Giờ bớt đau được như này là tôi hạnh phúc lắm rồi. Chỉ mong mau bình phục về chăm mẹ. Mẹ tôi biết được tôi có thể nhìn lên được chắc mừng dữ lắm”.

Đất đai cầm cố vì bệnh tật

Ông Trương Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Đại Hải, H.Kế Sách, Sóc Trăng cho biết, ông Huỳnh Văn Hải là con liệt sĩ, một trong những gia đình có công với cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, hoàn cảnh của ông Hải rất khó khăn bởi nhiều năm qua, ông Hải và mẹ là bà Nguyễn Thị Ngàn, 82 tuổi đều bị bệnh tật, gù lưng nặng, mất sức lao động. Ông Hải trước đây có 2,6 công ruộng nhưng đã phải cầm cố để lấy tiền lo chi phí thuốc thang, chữa bệnh.

Ca mổ khó hiếm gặp

BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, ca mổ cho ông Hải rất khó khăn. Trước hết, đây là một trường hợp gây mê đặc biệt khó khi cột sống bệnh nhân hình chữ C, đầu cúi về phía trước, cổ bệnh nhân bị dính cứng không thể thực hiện động tác cúi – ngửa, hay xoay đầu được. Bệnh nhân phải nằm ở tư thế nghiêng, phải sử dụng phương pháp đặt nội khí quản tỉnh sử dụng ống nội soi mềm để đặt thành công nội khí quản và tiến hành gây mê. Đây mới là lần thứ 2 bệnh nhân được gây mê theo phương pháp này tại BVĐK Trung ương Cần Thơ. Cùng với đó, tư thế bệnh nhân khi phẫu thuật phải nằm sấp, nên việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều nguy cơ biến chứng (tổn thương não do tư thế đầu thấp trong thời gian dài, tụt huyết; nguy cơ gãy cột sống trong lúc mổ rất cao và ảnh hưởng đến huyết động trong suốt quá trình phẫu thuật... Ê kíp phẫu thuật đã làm mới lại vị trí khớp giả đoạn cột sống thắt lưng L3-4 và ghép xương tự thân bằng xương mào chậu, đặt ốc qua chân cung các đốt sống thắt lưng và xương chậu để cố định vững chắc cột sống cho bệnh nhân. Cùng với đó là kết hợp với hệ thống định vị C-arm và kính sinh hiển vi, cuộc phẫu thuật thành công nắn chỉnh lại cột sống đảm bảo thần kinh toàn vẹn sau 5 giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.