|
Ông Lâm Zũ Xênh người Quảng Ngãi, là một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng. Nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm UNESCO công nhận Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2019), ông quyết định trao tặng thư tịch cổ nói trên để trưng bày.
|
“Thư tịch cổ này xuất phát từ một người bạn quê Ninh Thuận có cùng đam mê sưu tầm đồ cổ như tôi. Anh bạn này tình cờ tìm thấy “báu vật” này ở Bình Thuận và cất giữ cẩn trọng”, ông Lâm Zũ Xênh nói về xuất xứ của thư tịch cổ và tâm sự thêm về cơ duyên sở hữu: “Khi biết tôi quan tâm sưu tầm hiện vật về văn hóa Chămpa, anh bạn này đã “nhường báu vật” lại và nói rằng đây là văn bản rất có giá trị về mặt tinh thần mà nếu được hiểu hết ý nghĩa câu từ trong đó sẽ giúp giải mã nhiều vấn đề”.
Thư tịch cổ Chămpa có tuổi đời hàng trăm năm, chữ viết dùng loại mực của người Chăm chế tạo ra, viết trên giấy bổi - giấy dó, khoảng 40 trang, nội dung theo ông Lâm Zũ Xênh có thể là văn tế trong các dịp lễ…
“Đó là do tôi nghĩ vậy. Chứ chưa hẳn đâu. Bởi có ai biết chữ mà hiểu nội dung trong thư tịch nói gì. Vì vậy tôi mong sớm được dịch ra để công bố thì tốt biết mấy”, ông Lâm Zũ Xênh cho hay.
|
Theo ông Lâm Zũ Xênh, tại Mỹ Sơn chưa thấy trưng bày thư tịch cổ của người Chăm. Điều này cho thấy giá trị của nó nếu Bảo tàng Mỹ Sơn trưng bày để du khách bốn phương tận mắt chứng kiến về kỹ thuật làm giấy, chế mực, chữ viết… của người Chăm.
Nói về lý do tặng thư tịch cổ cho Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, ông Lâm Zũ Xênh cho rằng sau hàng chục năm “nằm im trong bóng tối” thư tịch này cần phải được “đưa ra ánh sáng” để cho cộng đồng biết.
|
“Tôi nghĩ có thêm thư tịch cổ này để trưng bày tại Mỹ Sơn, trong không gian đền tháp uy nghiêm, rộng lớn với hàng ngàn hiện vật liên quan đến kiến trúc Chămpa là điều hết sức cần thiết”, ông Lâm Zũ Xênh nói thêm.
Bình luận (0)