Ngày 15.11, tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, chủ đề: Mô hình phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, các tiêu chí đánh giá và giải pháp thực hiện.
|
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 11.4.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế chính sách phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT), Ninh Thuận đã chủ động lập quy hoạch phát triển ĐMT, trình Bộ Công thương. Đến nay, Ninh Thuận được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào sơ đồ điện VII, với 30 dự án ĐMT, tổng quy mô công suất gần 1.817 MW. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án, tổng công suất 1.816,8 MW, tổng vốn đăng ký 45.717,8 tỉ đồng.
Hiện đã có 18 dự án đưa vào vận hành thương mại, tổng quy mô công suất 1.180 MW. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ tiếp tục có 4 dự án ĐMT công suất 140 MW và năm 2020 có 12 dự án ĐMT, công suất 614 MW đưa vào vận hành thương mại, góp phần quan trọng vào giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng nguồn năng lượng Việt Nam.
|
Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, từ tiềm năng, lợi thế và điều kiện phát triển, ngày 31.8.2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; trong đó, chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
“Đây là chính sách quan trọng và quyết định cho định hướng phát triển nhanh, bền vững với tiềm năng, lợi thế của Ninh Thuận”, ông Vĩnh khẳng định và cho biết hội thảo lần này nhằm lắng nghe những ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng trong việc đề xuất các giải pháp đồng bộ thực hiện sứ mệnh phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước.
|
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về năng lượng quốc tế đã giới thiệu mô hình phát triển và thể chế chính sách để thúc đẩy phát triển năng lượng điện gió, ĐMT tại MỸ, Ý, Úc và những gợi ý có thể áp dụng để phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Tiến sĩ Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, cho rằng Ninh Thuận có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý để xây dựng mô hình phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; đồng thời đề xuất quy trình xây dựng và đưa ra các nhóm tiêu chí để đánh giá, thực hiện.
Bình luận (0)