Ông Phan Văn Mãi: Học sinh TP.HCM phải sẵn sàng là công dân toàn cầu

Thúy Liễu
Thúy Liễu
01/06/2024 16:28 GMT+7

Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại chương trình "Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2024" do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức.

Tham dự chương trình có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến. Và sự góp mặt đặc biệt của 150 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu trẻ em TP.HCM.

Các em là những học sinh giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm nhà thiếu nhi, là con công nhân lao động, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, và các em là đại biểu Hội đồng trẻ em TP.HCM.

Điểm mới của chương trình năm nay là lần đầu tiên tổ chức một kỳ họp HĐND TP.HCM giả định, các đại biểu thiếu nhi tham gia đóng vai trò là đại biểu HĐND TP.HCM và lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Ông Phan Văn Mãi: Học sinh TP.HCM phải sẵn sàng là công dân toàn cầu- Ảnh 1.

Phiên họp giả định do các đại biểu thiếu nhi chủ trì

THÚY LIỄU

Học sinh cần thêm kỹ năng sử dụng mạng

Chủ đề phiên họp giả định mang tên "Thiếu nhi thành phố - Công dân toàn cầu". Các đại biểu thiếu nhi đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và những vấn đề các em quan tâm.

Liên quan đến kỹ năng trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, em Trần Nguyễn Kỳ Duyên, đại diện thiếu nhi H.Củ Chi cho biết: "Hiện nay, các bạn thiếu nhi thường sử dụng mạng xã hội và internet, nhưng ít tiếp cận và ít hứng thú với những website có thông tin tốt mà lại hay đọc những tin nóng trên mạng xã hội. Những thông tin này không phải lúc nào cũng chính xác và có khi là tin xấu, lừa đảo, có trường hợp dẫn đường link đến những website độc hại, bạo lực. Em mong muốn Sở TT-TT TP.HCM có những biện pháp hữu ích để giúp thiếu nhi hiểu được thông tin đúng và sai trên mạng xã hội, từ đó biết cách tự chọn lọc thông tin phù hợp với lứa tuổi".

Tương tự, em Phạm Gia Hân, đại diện thiếu nhi Q.6 chia sẻ, mạng xã hội và internet là nhu cầu thiết yếu hiện nay cho trẻ em để học tập. Nhiều học sinh được tiếp xúc sớm được ba mẹ trang bị cho điện thoại di động, iPad... đã sử dụng quá nhiều, tần suất cao khiến các bạn bị nghiện mạng xã hội, từ đó ảnh hưởng học tập, dẫn đến stress, trầm cảm ở tuổi vị thành niên…

"Từ thực tế này, tôi đề xuất cần tổ chức thêm những hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt dưới cờ ở các liên đội tiểu học, THCS tại TP.HCM. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình giao lưu, chia sẻ giữa những chuyên gia về lĩnh vực mạng với phụ huynh và học sinh về những thực trạng cũng như cách phòng tránh tác hại mà mạng xã hội, không gian mạng có thể gây ra", Gia Hân chia sẻ.

Bên cạnh việc tăng cường kỹ năng sử dụng internet cho thiếu nhi, em Trần Phương Anh, đại diện thiếu nhi H.Cần Giờ, nhận xét công tác chuyển đổi số trong học tập là rất hay và bổ ích. Tuy nhiên, với các học sinh thuộc hộ nghèo và học sinh vùng xa như H.Cần Giờ, việc học tập của các bạn vẫn còn bị hạn chế khi không đủ điều kiện, thiết bị học tập.

Em Phương Anh mong muốn Sở GD-ĐT TP.HCM có thêm nhiều cách giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi vùng xa có thêm điều kiện tiếp cận với kỹ thuật số và chuyển đổi số trong học tập.

Học sinh cần bổ sung thêm 'kháng thể' với thông tin, trào lưu độc hại

Trong chương trình gặp gỡ, các đại biểu thiếu nhi phát biểu nhiều ý kiến liên quan mật thiết đến đời sống của thiếu nhi như hút thuốc lá điện tử, cá độ qua mạng, đảm bảo an toàn đến trường cho học sinh…

Ông Phan Văn Mãi: Học sinh TP.HCM phải sẵn sàng là công dân toàn cầu- Ảnh 2.

Đại biểu thiếu nhi phát biểu tại chương trình

THÚY LIỄU

Em Lâm Bảo Nghi, học sinh Trường THCS Colette (Q.3) bày tỏ sự lo ngại về việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. "Dù đã được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử nhưng em thấy nhiều bạn vẫn chưa bỏ được thuốc, và biện pháp tuyên truyền cũng chưa hiệu quả. Thuốc lá điện tử rất nguy hại cho học sinh, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Em đề nghị cần có một số biện pháp quản lý cả người bán để hạn chế họ bán cho học sinh", Nghi chia sẻ.

Còn em Võ Thị Kim Ngân, học sinh Trường THCS Thông Tây Hội (Q.Gò Vấp) kể câu chuyện một nam sinh trong lớp của mình tham gia cá độ bóng đá qua mạng và thắng cuộc. Nam sinh này sau đó lên lớp kể cho bạn bè và nhiều bạn đã lấy tiền đem đi cá độ.

"Theo em, các bạn tò mò và thiếu hiểu biết về các hình thức cờ bạc này, bị ảnh hưởng bởi bạn bè cùng với sự thiếu giám sát của phụ huynh. Em nghĩ cần có thêm các buổi chia sẻ để chúng em hiểu rõ hơn về các hình thức cờ bạc mới, có thêm 'đề kháng' với thông tin độc hại trên mạng. Đồng thời, gia đình cần quản lý thật hợp lý thời gian sử dụng internet của con em mình", Kim Ngân nói.

Đề cập câu chuyện đau lòng một học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong vừa xảy ra ở Thái Bình, em Lê Hoàng Tú Uyên, học sinh Trường THCS Vân Đồn (Q.4) nói: "Đây là lần thứ 2 xảy ra việc bỏ quên học sinh trên xe dẫn đến kết quả đau lòng, chưa kể mới đầu mùa hè nhưng theo dõi tin tức, em biết được nhiều vụ học sinh đuối nước thương tâm. Để bảo vệ an toàn cho thiếu nhi, em đề xuất cần có thêm những chương trình rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em. Em mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm, tổ chức nhiều buổi thực hành ngoại khóa dạy về kỹ năng an toàn xã hội cho học sinh".

Giáo dục TP.HCM phải đứng đầu cả nước

Ghi nhận các đóng góp của các đại biểu thiếu nhi, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá những ý kiến đóng góp này rất hay và thẳng thắn, đúng vấn đề, nói việc gì là đề nghị giải pháp đến đó. Tại phiên họp giả định, các em đã điều hành rất tốt, ông Mãi tin tưởng các em sẽ tiếp tục rèn luyện, kế thừa để sau này tiếp nối xây dựng, phát triển TP.HCM.

Ông Phan Văn Mãi: Học sinh TP.HCM phải sẵn sàng là công dân toàn cầu- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu thiếu nhi TP.HCM

THÚY LIỄU

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trì, phối hợp Hội đồng Đội TP.HCM và các sở ngành, xác định 5 - 10 việc cần làm để giải quyết từ đây đến 1.6.2025.

"Từ ý kiến của các em học sinh, đứng ở vị trí người học, tôi đánh giá việc dạy và học các môn tích hợp cần phải tập trung. Thậm chí trong hè này, ban giám hiệu các trường, thầy cô tập huấn làm sao để dạy cho tốt 3 môn tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và 2 môn xã hội (lịch sử, địa lý). Đừng nghĩ đơn giản là việc tích hợp môn học là học ít hiểu nhiều mà thầy cô phải có phương pháp tốt để học sinh tiếp thu nhiều kiến thức hơn", ông Phan Văn Mãi nhận định.

Về chương trình giáo dục STEM (viết tắt của các từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và math (toán học), ông Mãi cho biết: "Khi tôi về nhận nhiệm vụ tại TP.HCM thì Sở GD-ĐT là nơi tôi làm việc đầu tiên. Tôi đặt ra 5 yêu cầu, trong đó có 2 yêu cầu là nền giáo dục TP.HCM phải đứng đầu cả nước, tiệm cận với giáo dục tiên tiến của thế giới; và học trò TP.HCM ra trường là sẵn sàng với tư cách công dân toàn cầu. Ngành giáo dục phải tập trung đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, chuẩn bị đội ngũ cho tương lai".

Ông Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tập trung 3 yếu tố "xây dựng trường lớp xanh, sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ - an toàn học đường, giảm bạo lực học đường - an toàn giao thông" trong xây dựng trường học hạnh phúc. Tiếp đó, cần cải thiện triệt để tình trạng nhà vệ sinh tại các trường học. Vấn đề bạo lực học đường là vấn đề khó giải quyết nhưng phải kiên trì, phải xây dựng môi trường học tập tốt đẹp để học sinh an tâm học hành.

Đề cập vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử, ông Phan Văn Mãi cho biết: "Quan điểm cá nhân của tôi là cấm sử dụng. Hiện tại trên diễn đàn Quốc hội cũng đang yêu cầu cấm thuốc lá điện tử ở Việt Nam. TP.HCM sẽ nghiên cứu, nếu cơ chế của Nghị quyết 98 cho phép, TP.HCM sẽ tiến hành cấm sử dụng trên địa bàn thành phố".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.