Tự động phát
Trong một cuộc họp được phát trên truyền hình hôm 5.4, Tổng thống Putin nói: “Tình hình về năng lượng đang xấu đi là hậu quả của những biện pháp thô bạo và phi thị trường, bao gồm áp lực hành chính đối với công ty Gazprom của Nga tại một số quốc gia châu Âu”.
Một ngày trước đó, Đức thông báo sẽ tạm thời kiểm soát công ty con của Gazprom tại Đức là Gazprom Germania cho đến ngày 30.9.
Các quốc gia phương Tây vẫn đang tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga |
Ảnh: financial times |
Theo Reuters, chính quyền Đức cho hay quyết định này nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng và bảo toàn cơ sở hạ tầng then chốt trong lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Nga và phương Tây.
Ông Putin xem đây là mưu toan quốc hữu hóa tài sản của Nga nhằm giải quyết các vấn đề năng lượng, bất chấp thiệt hại của Nga.
Ông cảnh báo rằng Nga có thể trả đũa động thái quốc hữu hóa vì "đừng quên rằng đây là con dao hai lưỡi".
Tuần trước, các nhà điều tra chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành lục soát những văn phòng tại Đức của Gazprom vì nghi ngờ công ty Nga nâng giá khí đốt bất hợp pháp tại châu Âu.
Ukraine liên tục thúc giục châu Âu ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Hiện Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho EU, chủ yếu cho Đức, Ý và một vài quốc gia Đông Âu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cho biết Nga phải kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực của mình sang “các quốc gia thù địch” vì những lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu và đẩy giá năng lượng tăng vọt.
Ông Putin cảnh báo giá năng lượng tăng cao kết hợp tình trạng thiếu hụt phân bón sẽ buộc phương Tây in tiền để thu mua, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở những nước nghèo hơn.
Nga hiện là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chủ yếu cho Trung Đông và châu Phi. Đồng thời Nga là nhà sản xuất chính phân kali, phân lân và phân bón chứa nitơ của thế giới.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã dự báo rằng xung đột tại Ukraine sẽ khiến giá lương thực tiếp tục tăng cao, gây bất ổn tại nhiều nước nghèo trên thế giới.
Bình luận (0)