Ông Tây 80 tuổi phượt Tây Bắc bằng 'con xe' 4 số

Lê Vân
Lê Vân
09/10/2022 06:20 GMT+7

Dù đã trở đi, trở lại Việt Nam nhiều lần nhưng Carl Robinson - cựu phóng viên chiến trường của hãng thông tấn AP tại Việt Nam từ những năm 1960 - vẫn thốt lên đầy hào hứng: 'Tôi thích thức giấc ở Việt Nam với cà phê sữa đá!'.

Vừa tròn 80 tuổi, ông Carl Robinson đã đón sinh nhật của mình ở TP.HCM vào ngày cuối tháng 9 vừa rồi cùng bạn bè và bà Kim Dung, vợ ông, bằng chuyến phượt vùng núi Tây Bắc.

“Cuối tháng 4.1975. Chúng tôi chờ xem ai sẽ lãnh đạo miền Nam VN sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và rời khỏi đất nước. Tôi phỏng vấn về vị trí của Big Minh và liệu ông ấy có chấp nhận chức vụ tổng thống hay không, nhưng ông ta không trả lời. Ông ta lảng tránh...”, Carl Robinson nhớ lại khoảnh khắc về bức ảnh ông tác nghiệp lần cuối cùng với vai trò một nhà báo của AP, phỏng vấn Tổng thống Dương Văn Minh.

Sau đó, ông và gia đình rời khỏi Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4.1975. Mãi tới 20 năm sau, năm 1995, ông và gia đình mới quay trở lại quê vợ. Từ đó, cứ mỗi năm họ đều dành thời gian về thăm VN. Đợt dịch Covid-19 vừa qua là trở ngại duy nhất khiến Robinson và bà Kim Dung không thể về VN. Trong lần về này, Robinson đã cùng những người bạn thực hiện chuyến “phượt” Tây Bắc bằng chiếc xe số trong 4 ngày với cung đường gần 750 km.

Ông Năm trong chuyến phượt Tây Bắc tháng 9.2022

NVCC

Nhật trình đi trong mây

Trên tay cựu phóng viên chiến trường AP là chiếc nón cao bồi hiệu Akura mà ông rất thích. Robinson đã mua nó cách nay 2 năm với giá 200 USD, bằng sự yêu thích khó tả vì ông ít khi tốn nhiều tiền cho trang phục. “Nó khiến tôi cảm thấy đầy năng lượng mỗi khi đội trên đầu và đi đến những nơi tôi yêu thích”, Robinson thổ lộ. Dù bước qua tuổi 80 nhưng “già gân” này vẫn hăng hái cùng những người bạn thực hiện chuyến phượt Tây Bắc bằng xe máy. Chiếc xe máy “cùi bắp” Yamaha Sirius cũ kỹ, đoàn tour thuê ở một tiệm xe máy để vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu trên cung phượt này.

Dọc đường, nhiều bạn trẻ lái mô tô phân khối lớn hay những người đi xe hơi thường ngoái nhìn hoặc có dịp dừng nghỉ chung là chạy lại hỏi thăm: “Ồ, ông bao nhiêu tuổi rồi? Ông đi bằng chiếc xe máy này có ổn không?”. Robinson khoái chí chia sẻ với họ: “Mọi thứ đều bình thường một cách tuyệt vời. Phía trước là những dãy núi cao, chúng tôi đi trong mây, từ sáng sớm và nghỉ khi trời đã tối. Chỉ có một chút hơi tê vai, nhưng hiện giờ thì rất ổn”.

Từ ký ức đến hiện tại, dường như là một thói quen khi ông Robinson luôn viết nhật trình bằng ảnh ông chụp lại trên đường đi. “Có khác chăng là ở vai trò phóng viên, chiếc máy ảnh Leica của tôi chỉ chụp được 36 tấm, nên tôi phải chắc chắn những thứ mình chụp để làm gì. Còn bây giờ với chiếc máy ảnh kỹ thuật số và thậm chí là chiếc điện thoại này, tôi có thể thỏa thích chụp không cần nghĩ”, Robinson hài hước chia sẻ.

Ông Đào Kim Trang, 60 tuổi, lữ hành gia chuyên nghiệp và nổi tiếng tại VN, nói về chuyến đi: “Đoàn chúng tôi có 14 người, đa phần từ 60 tuổi trở lên, ông Carl lớn tuổi nhất. Có những đoạn vô các bản làng để tham quan, đường dốc 12 - 13 độ, khi đổ dốc tôi yêu cầu ông phải đi bộ để đảm bảo an toàn. Đi bộ xuống dốc cũng là một thử thách với người trẻ khỏe chứ đừng nói là người đã 80 tuổi. Rất may là chúng tôi đã an toàn. Hôm lên Tà Xùa tôi rất lo lắng vì trời tối, đường trơn, dốc, lại mưa. Tôi lên tới bản đứng đợi 20 phút sau ông Carl mới lên tới nơi”.

Ông Carl Robinson đã đón sinh nhật của mình bằng chuyến phượt vùng núi Tây Bắc

LÊ VÂN

Trước đó, ông Trang đã từng dẫn tour cho Carl Robinson đi phượt vào năm 2014 ở các cung đường Trường Sơn, vùng Đông Bắc, Tây Bắc Việt Nam. Tuy vậy ông Trang vẫn khá băn khoăn trước khi đồng ý dẫn tour cho Carl chuyến đi tháng 9 này. Bởi ông Carl là người lớn tuổi nhất mà ông Trang từng dẫn đi tour vùng núi. Phước, người chung đoàn với Carl, cũng cho hay vô cùng ấn tượng bởi sự kiên trì, kỷ luật của ông già 80 tuổi. Và đặc biệt là sự am hiểu VN của Carl còn hơn cả tourguide như anh.

Cựu phóng viên viết tiếp về hành trình ở tuổi 80: “Ngày thứ 3 trong chuyến du lịch kéo dài 750 km trong 4 ngày, chúng tôi qua cực nam của dãy Hoàng Liên Sơn, xa hơn nữa là Sa Pa, giáp biên giới Trung Quốc. Hôm trước, chúng tôi đi khi mặt trời lặn nên khá lo lắng. Nhưng chúng tôi đã an toàn và xuống tới một hồ bơi suối nước nóng ngâm mình, ăn tối, nghỉ đêm trong một ngôi nhà dài kiểu Thái hiện đại. Sau đó, chúng tôi đi tiếp 180 km khá vất vả xuống Mường La, ăn trưa ở Sông La rồi lên đường 37 đi Ba Yên và đi lên thẳng “bản mây Tà Xùa”. Cảm giác thật tuyệt vời và nếu thích thú với những tấm hình của tôi trong chuyến đi này, bạn hãy đến đây ngay”, Robinson viết một đoạn chú thích những tấm ảnh lên bản mây Tà Xùa khi trời chạng vạng.

“Tôi thấy quãng đường 1,7 km leo lên đỉnh đồi hơi căng thẳng. Trong khi những người bạn đồng hành của tôi đã xuống dốc và chụp những bức ảnh lưu niệm, tôi lại đang đếm số bước của mình trong ngày bằng cách “đi bộ đổ đèo”… Nhưng đi bộ cũng cho tôi cơ hội chụp một bộ ảnh rất khác, trong đó có những người phụ nữ H’mong đang đi trên con đường mòn ở ruộng bậc thang lúa vàng của Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”, Carl viết trong nhật trình bằng ảnh.

Rẽ hướng cuộc đời vì cô gái Gò Công

Từ ký ức đến hiện tại, VN là một phần trong đời, như người vợ mà ông Carl đã phải rất khó khăn mới cưới được. Bà Kim Dung, 74 tuổi, vợ của ông Robinson, gọi ông bằng tên Việt là “ông Năm”. Từ đó, những người bạn của ông cả Tây lẫn Việt đều thường gọi ông là “dượng Năm” hoặc “ông Năm” nhiều hơn là Carl Robinson. Ông Năm có thể nghe, nói được tiếng Việt giao tiếp và luôn thích thú học thêm từ mới mỗi khi nghe chúng tôi “tám chuyện” bằng tiếng Việt.

Người vợ có nụ cười đẹp nhất Gò Công của ông Năm

Lê Vân

Bà Kim Dung chia sẻ: “Ông Năm và tôi là định mệnh của đời nhau. Năm 1964, tôi còn là nữ sinh tú tài ở Gò Công, Tiền Giang. Ông Năm hồi đó làm cho tổ chức USAID Việt Nam (tổ chức an sinh xã hội quốc tế của Mỹ). Tôi gặp ổng nào có dám nhìn mặt! Thế mà ổng nói ổng mê tôi từ đó vì tôi có nụ cười đẹp nhất xứ Gò Công và nói tiếng Anh giỏi nữa!”. Ông Carl trìu mến nhìn vợ kể chuyện và đồng tình: “Đến giờ bà vẫn đẹp nhất Gò Công”.

Mối tình của ông Năm và bà Dung trải qua không ít khó khăn. Ông bà kể rằng thời đó phụ nữ Việt lấy chồng Mỹ hay bị kỳ thị. “Khi tụi tui lên tới Sài Gòn còn bị dọa giết. Lúc ở quê thì ba tôi nhất định không cho cưới, nhưng may là tiếng tăm ông Năm đi xây cầu, sửa nhà, chia thực phẩm cho dân nghèo Gò Công cũng nhiều người biết. Nhờ đó mà ba tôi mới chịu cho cưới. Ngày cưới, tôi còn sợ ba đổi ý nên lúc làm nghi lễ lạy cha mẹ, tôi cứ khóc miết. Ông Năm thấy vậy không hiểu gì thì lập tức cũng cúi xuống lạy lia lịa vì sợ không được cưới vợ nữa”, bà Dung nhớ lại.

Sau khi cưới vợ, ông Năm đưa bà Dung về Sài Gòn và ông nghỉ làm ở USAID, chuyển qua làm phóng viên cho hãng tin AP từ năm 1969 cho tới khi rời khỏi Sài Gòn vào năm 1975. Cho tới những lần trở về VN đầy mới mẻ này, Carl luôn gọi quê vợ là quê hương thứ 2. Khi được bà Dung hỏi có muốn về ở luôn không, Carl nói rằng ông sẽ về, vợ ở đâu thì ông ở đó.

Dù cả hai vợ chồng Carl đều không có quốc tịch VN nhưng với họ, trở về VN là đoàn tụ cùng gia đình và những người bạn gắn bó với ông bà từ thế kỷ trước đến hôm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.