Sáng 4.1, Ban Nội chính T.Ư tổ chức hội nghị tổng kết ngành nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Thu hồi hơn 27.400 tỉ đồng tài sản tham nhũng
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị |
ttxvn |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định trong năm 2022, toàn ngành nội chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quy định quan trọng về công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Theo ông Thưởng, ngành nội chính cũng đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tạo bước chuyển biến mới trong công tác này.
Ông Thưởng dẫn báo cáo của Ban Nội chính T.Ư cho hay, trong năm 2022, các bộ, ngành đã chuyển 498 vụ việc, địa phương đã chuyển 181 vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, tăng hơn 2 lần so với năm 2021.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực khi trong năm 2022 đã thu hồi được hơn 27.400 tỉ đồng, tăng 18.000 tỉ đồng so với năm 2021.
2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận |
Bên cạnh đó, ngành nội chính đã kịp thời tham mưu đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Cụ thể là các vụ việc, sai phạm xảy ra tại: Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; AIC; dự án bất động sản tại 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh; vụ án liên quan Nguyễn Thị Kim Hạnh; Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty thành viên; dự án tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở, trường học ở 423 Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội); cổ phần hóa tại Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai); dự án khu dân cư Tân Thịnh (H.Trảng Bom, Đồng Nai).
Hội nghị tổng kết ngành nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 |
gia hân |
Tuy nhiên, ông Thưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, ngành nội chính vẫn còn một số hạn chế như: tính chủ động, chất lượng tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và hoạt động của ban nội chính ở một số địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của ban chỉ đạo cấp tỉnh còn một số lúng túng, thiếu chủ động. Hiệu quả tham mưu phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực của ban nội chính một số địa phương còn thấp.
“Tôi đề nghị các đồng chí thẳng thắn, nghiêm túc thảo luận làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục thiết thực, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù dù đang bỏ trốn |
Đề xuất mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng
Về nhiệm vụ năm 2023, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh ngành nội chính cần tập trung tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành T.Ư về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 2 ban gồm: Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Cải cách tư pháp T.Ư, nhất là nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị |
TTXVN |
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu ngành nội chính tập trung tham mưu chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến: Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...
Bên cạnh đó, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở...
Thường trực Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh phải hết sức coi trọng, chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sai phạm.
Theo đó, ông Thưởng yêu cầu chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, nhắc nhở cán bộ, đảng viên tránh vi phạm, khuyết điểm từ sớm, không để tích tụ khuyết điểm, vi phạm nhỏ thành khuyết điểm, vi phạm lớn.
"Tập trung làm rõ sai phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, tài sản công, định giá", ông Thưởng yêu cầu.
Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh ngành nội chính cần tiếp tục tham mưu, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc nhấn mạnh yêu cầu Ban Nội chính T.Ư và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa vào chương trình công tác năm 2023 để thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế Thường trực Ban Bí thư đã chỉ ra.
"Nhất là về kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa và việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; về phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự; về tham mưu phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương", ông Trạc nhấn mạnh.
Nhận hối lộ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành lãnh 11 năm tù |
Bình luận (0)