2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận

29/12/2022 09:01 GMT+7

Năm 2022 chứng kiến nhiều vụ án chấn động dư luận với nhiều nhân vật nổi tiếng vướng vòng lao lý . Từ quan chức lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành “ngã ngựa” do liên quan đến các sai phạm trong đại dịch Covid-19 đến các đại gia, doanh nhân “dính chàm” vì thao túng thị trường chứng khoán hay phát ngôn thiếu kiểm soát trên mạng xã hội . Chỉ còn ít lâu nữa, năm 2022 đầy biến động sẽ kết thúc, hãy cùng Báo Thanh Niên điểm lại những vụ án đáng nhớ nhất trong năm qua.

Việt Á

Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định, bị can Phan Quốc Việt, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, đã thu lãi 4.000 tỉ đồng và chi “bôi trơn” khoảng 800 tỉ đồng để được cung ứng kit xét nghiệm.

Đến nay cơ quan chức năng đã khởi tố 29 vụ án và 102 bị can liên quan đại án Việt Á. Trong đó, Bộ Công an khởi tố 29 bị can, Bộ Quốc phòng khởi tố 5 bị can, còn lại công an 24 tỉnh khởi tố 68 bị can.

Hai cán bộ CDC Hà Nội nhận hối lộ 1,1 tỉ từ Việt Á, gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng

Trong đại án Việt Á, tính tới nay, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam 102 người để làm rõ nhiều tội danh khác nhau.

Trong số các bị can, có tới 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN). Còn lại phần lớn là lãnh đạo, cán bộ tỉnh ủy, UBND, CDC, sở y tế… nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước. Gần đây, Bộ Công an bắt thêm ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó thủ tướng về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Chuyến bay giải cứu

Chuyến bay giải cứu được thực hiện với mục đích tốt đẹp ban đầu đã bị nhiều cá nhân làm cho hoen ố.

Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố 37 bị can để làm rõ các hành vi “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19, nhằm trục lợi cá nhân.


Ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, là quan chức mới nhất bị bắt vì dính líu đến các sai phạm liên quan "chuyến bay giải cứu"

Trong đó, có nhiều quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ,... bị bắt giam để làm rõ các hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bộ Công an xác định, có chuyến bay các bị can đã trục lợi hàng tỉ đồng; số tiền đưa và nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỉ đồng.

2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận

Tỉ phú Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán

Chiều 29.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, để điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán. Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết đã nhiều lần bị phạt nhưng vẫn tái phạm.

Ông Quyết và các đồng phạm đã bán ra hàng trăm triệu cổ phiếu mà không thông báo trước, thu lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Liên tiếp 2 ngày 4.4 và 5.4, bà Trịnh Thị Minh Huế, bà Trịnh Thị Thúy Nga - các em gái của ông Trịnh Văn Quyết, bị bắt để điều tra về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán".

Đến ngày 25.8, ba anh em ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bổ sung tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Nhiều tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa, FLC và Bamboo kéo dài chuỗi ngày thua lỗ.

Tỉ phú Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) thao túng chứng khoán

Ngày 5.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra C03 Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng, 61 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh, 6 người khác, bao gồm Đỗ Hoàng Việt - con trai ông Đỗ Anh Dũng, cũng bị khởi tố và bắt tạm giam.

Từ tháng 7.2021 đến tháng 3.2022, ông Đỗ Anh Dũng và đồng phạm đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh vẫn chưa biết ngày nhận lại tiền.

Cơ quan điều tra giải quyết vụ hoàn tiền 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần lễ, 2 đại gia chứng khoán và bất động sản ngã ngựa khiến thị trường chứng khoán biến động khó lường khiến nhà đầu tư e ngại, mất niềm tin.

Tỉ phú Trương Mỹ Lan "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Chiều 7.10, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng - trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đến nay, 2 vụ án, 27 bị can đã bị khởi tố liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian từ năm 2018 đến 2019. Tài sản của 762 công ty liên quan vụ án đã bị đóng băng.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng

Ngày 24.3.2022, Công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) để điều tra về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo kết luận điều tra, từ tháng 3.2021, bị can Nguyễn Phương Hằng sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok... tổ chức nhiều buổi livestream (phát trực tiếp) nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung chưa được kiểm chứng; phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây ảnh hưởng, tác hại xấu trong dư luận xã hội.

Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ lần 2 vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Kết luận điều tra xác định bị can Nguyễn Phương Hằng đã đưa lên mạng xã hội những thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, trái quy định pháp luật, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự cá nhân của 8 cá nhân: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan.

CQĐT cũng xác định, để giúp sức Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream, có sự hỗ trợ của: Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên văn phòng Công ty cổ phần Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý của bị can Nguyễn Phương Hằng).

AIC

Ngày 29.4.2022. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AIC, người đóng vai trò trung tâm trong vụ án, cùng nhiều đồng phạm đang bỏ trốn.

Bằng mối quan hệ với các lãnh đạo tỉnh và sở ngành ở Đồng Nai khi đó, bà Nhàn đã thiết lập “quân xanh” tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu trị giá hơn 665 tỉ đồng tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thu lợi bất chính gần 150 tỉ đồng.

Công ty AIC đứng ra nhận bồi thường toàn bộ 152 tỉ

Nhiều quan chức, cựu quan chức tỉnh Đồng Nai ngã ngựa sau những món tiền tỉ ngụy trang dưới gói trà, lót tay sau bữa ăn và quà biếu dịp lễ tết.

Sáng 21.12, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, 8 bị cáo vắng mặt được xác định đang bỏ trốn.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành , cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nhận tội “nhận hối lộ”. Công ty AIC đứng ra nhận bồi thường toàn bộ 152 tỉ đồng. Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này vẫn đang diễn ra tại TAND TP. Hà Nội.

Bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong

Câu chuyện bé gái 8 tuổi xấu số bị người tình của cha hành hạ, sau đó tử vong tại căn hộ trong tòa nhà Topaz 2, khu dân cư Saigon Pearl (thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã khiến dư luận căm phẫn từ cuối năm 2021.

Ngày 28.12.2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê ở Gia Lai) để điều tra về hành vi Hành hạ người khác. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, lúc 19 giờ 30 phút ngày 22.12.2021, Công an phường 22, thuộc quận Bình Thạnh, tiếp nhận nguồn tin do bảo vệ một bệnh viện cung cấp.

Luật sư nói về bản án cho dì ghẻ, cha ruột vụ bạo hành bé 8 tuổi

Cụ thể, bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu một cháu bé 8 tuổi trong tình trạng ngưng tuần hoàn tim, phổi đưa vào cấp cứu lúc 18 giờ 25 phút. Sau 1 tiếng cấp cứu bé vẫn ngưng tim, ngưng phổi, đồng thời phát hiện cơ thể bé có nhiều vết bầm tím bất thường.

Sau quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội "giết người" và "hành hạ người khác". Cha ruột bé gái là Nguyễn Kim Trung Thái bị khởi tố về tội "hành hạ người khác" và "che giấu tội phạm".

Sau phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX Tòa gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND TP.HCM đã tuyên án đối với hai bị cáo là dì ghẻ và cha ruột trong vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong.

Cụ thể, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ở tỉnh Gia Lai) mức án tử hình về tội “giết người”, 3 năm tù về tội “hành hạ người khác”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (là cha ruột của nạn nhân) mức án 3 năm tù về tội “hành hạ người khác”, 5 năm tù tội “che giấu tội phạm”. Tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.