Chỗ nào cũng nói thiếu thuốc nhưng sửa đổi lại chậm
Chiều 6.12, phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị quán triệt nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng dành thời gian nhấn mạnh lại một số điểm “mang tính tư tưởng chỉ đạo, có tính thời sự cao” trong 2 nghị quyết về tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nghị quyết 27) và Nghị quyết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị (Nghị quyết 28).
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận, chỉ đạo tại hội nghị |
gia hân |
Theo đó, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh quan điểm phải kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, chủ động tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng có bước đi vững chắc những vấn đề thực tiễn.
Theo ông Thưởng, đây là tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng trong cả 2 nghị quyết với quyết tâm cao hơn, đòi hỏi khẩn trương hơn dù vấn đề đã được nêu ra từ rất lâu.
Ông Thưởng phân tích có những vấn đề thấy không hợp lý rồi, nhưng mà đưa ra bàn nhiều quá thành ra chưa sửa được. Có những vấn đề thấy cấp bách rồi cần phải làm nhưng mà đem ra bàn còn nhiều ý kiến khác nhau rồi vướng rồi cũng treo lại đó cuối cùng làm mất cơ hội, chậm đi quá trình phát triển.
Thường trực Ban Bí thư dẫn chứng ngay câu chuyện vướng mắc đấu thầu, mua sắm thuốc chỉ vướng một thông tư của Bộ Y tế nhưng “sửa mãi không được”.
“Chỗ nào cũng nói thiếu thuốc, thiếu vật tư trang thiết bị nhưng mà để sửa đổi để thúc đẩy nhanh hơn quá trình mua sắm thì lại chậm. Tôi thấy cái này rất bất hợp lý”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Thưởng nói thêm, trong quá trình thực hiện không nóng vội nhưng cũng không được bỏ qua cơ hội làm ảnh hưởng đến sự phát triển.
“Nóng vội cũng không được các đồng chí ạ. Nhưng mà mình lấy lý do là bàn kỹ, còn ý kiến khác nhau, phải lắng nghe tiếp tục… thì đôi khi lại chậm, mất cơ hội mà cuối cùng là người dân bị thiệt thòi”, ông Thưởng chỉ rõ.
"Khó gần chết mới hỏi mà trả lời thế thì làm thế nào"
Vấn đề thứ hai ông Thưởng lưu ý là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung.
Theo ông Thưởng, mỗi khi có vướng mắc chuyện của mình mà cứ đi hỏi cấp trên là hoàn toàn không đúng rồi. Tuy nhiên, khi hỏi các bộ, ngành được hỏi mà để 3 hay 5 tháng, thậm chí 6 tháng rồi trả lời một câu là “đề nghị làm theo quy định pháp luật” thì càng không đúng.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền cũng như nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm |
gia hân |
Thường trực Ban Bí thư cho biết đây là tình trạng hiện đang phổ biến. “Tỉnh này đi hỏi tỉnh khác, đi hỏi bộ này, bộ kia rồi 3 tháng, thậm chí 6 tháng sau có văn bản đề nghị làm theo quy định của pháp luật. Người ta nói khó gần chết mới hỏi nhưng mà trả lời như thế thì làm thế nào? Đó cũng là cách trả lời nhưng chưa hết trách nhệm”, ông Thưởng lưu ý.
Ông Thưởng cũng dẫn tình trạng “cấp trên với xuống chỉ đạo cấp dưới”. “Một vụ tai nạn giao thông bình thường ở một địa phương nào đó Chính phủ cũng chỉ đạo thì liệu có cần thiết không? Hay phải cỡ nào thì mới chỉ đạo”, ông Thưởng nêu, cho biết, có lần trao đổi với Bộ trưởng Công an thì được biết những vấn đề này giám đốc công an tỉnh đã biết và làm theo quy định, không phải chỉ đạo.
Theo Thường trực Ban Bí thư, ngoài phân cấp, phân quyền, các nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6 lần này đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức của từng cá nhân trong bộ máy Nhà nước để làm sao đó ai cũng ý thức được quyền hạn nhiệm vụ và chức năng của mình để làm cho đúng. Cấp trên chỉ giám sát, kiểm tra.
“Làm đúng tôi khen, làm không đúng phê bình, không làm thì đưa người khác về làm thay anh”, Thường trực Ban Bí thư nói, nhấn mạnh phải làm được việc này để làm sao mỗi người phải tròn vai, và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nhắc là “đúng vai, thuộc bài”.
Theo ông Thưởng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết cần phải nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, đảm bảo nguyên tắc: quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng phải lớn.
"Bây giờ quyền lực cao nhưng đụng chuyện thì lý giải một hồi thì nói giống như là cái này em đã làm hết sức rồi nhưng do tình hình khó khăn quá nó xảy ra. Như vậy, vậy thì trách nhiệm mình ở đâu, quyền hạn lớn thì trách nhiệm phải cao chứ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
"Tôi thấy tinh thần của đồng chí Nguyễn Văn Thể rất hay"
Vấn đề thứ ba Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đề cao tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà cả 2 nghị quyết đều nói tới.
Ông Thưởng cho hay, tư tưởng nghị quyết cũng chỉ đạo rất rõ phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Đây là tư tưởng không phải bây giờ mới nói mà từ hơn 20 năm trước nhưng cơ bản chưa thực hiện được.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị |
gia hân |
“Lên thì khó nhưng mà xuống, thưa đồng chí, là cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn. Vào thì khó, quy trình 5 bước rồi mấy lên mấy xuống, nhưng đưa ra cũng toát mồ hôi hột, rất khó”, ông Thưởng nhìn nhận.
Theo Thường trực Ban Bí thư, vừa rồi, sau Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm và Kết luận 20 về sắp xếp cán bộ sau kỷ luật của Bộ Chính trị đã giải quyết được một số trường hợp cán bộ từ chức khi có sai phạm hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ông Thưởng thông tin, nhiều người cứ hay phê bình chúng ta là không có văn hóa từ chức nhưng ông thấy "cũng chẳng có ở đâu từ chức mà nâng lên mức trở thành là văn hóa". Quan chức ở nhiều nơi từ chức thì một là có sai lầm trong công tác hoặc sức ép từ nội bộ đảng của họ hoặc sức ép từ dư luận.
Do đó, ông Thưởng cho rằng, cần phải tạo ra một “sức ép” trong Đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm hoặc năng lực không đáp ứng vị trí công việc. “Khuyến khích từ chức là một cách nói, theo nghĩa là mong muốn rằng nếu được như vậy thì rất tốt, để thấy cho nó nhẹ nhàng”, ông Thưởng phân tích.
Thường trực Ban Bí thư dẫn một số trường hợp Ủy viên T.Ư vừa rồi xin thôi T.Ư do bị kỷ luật cảnh cáo. Đây là điểm mới vì các nhiệm kỳ trước bị kỷ luật vẫn tại vị cho tới hết nhiệm kỳ. “Đó cũng là một cách theo văn hóa Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn lên”, ông Thưởng nêu, cho rằng, với xu hướng này "sắp tới sẽ tốt lên".
Ông Thưởng cũng dẫn nhiều trường hợp là chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh từ chức để đảm nhận vị trí thấp hơn theo tinh thần “ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó”, cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn.
Cũng có trường hợp không bị kỷ luật, cũng không phải năng lực không đáp ứng được, nhưng cảm thấy bị sức ép của công việc nặng nề nên xin qua một công việc khác ít sức ép hơn như trường hợp nguyên Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
“Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, trả lời chất vấn Quốc hội được Quốc hội đánh giá là thực hiện rất là tốt, nắm rất chắc, có nhiều tiến bộ. Chính phủ cũng đánh giá là có nhiều tiến bộ trong thực hiện công việc. Nhưng đồng chí Nguyễn Văn Thể nói rằng tôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT hơn 1 nhiệm kỳ rồi, công việc rất nặng nề cho nên có thể là các đồng chí khác sẽ làm việc tốt hơn, mong Bộ Chính trị bố trí lại công việc cho phù hợp. Tôi thấy tinh thần đó rất hay”, ông Thưởng nói.
Nhấn mạnh quan điểm của nghị quyết là kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, ông Thưởng cho biết, đây là điều nói nhiều năm rồi nhưng làm được ít thì nay cố gắng làm cho hiệu quả.
"Chúng ta hay dẫn Bác Hồ nói chọn cán bộ là then chốt nhưng Bác Hồ cũng nói chọn người thay người cũng rất quan trọng", ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thể: 'Cảm ơn Tổng bí thư đã xem xét hoàn cảnh cá nhân tôi'
Bình luận (0)