(TNO) "Sướng thế" là lời bình phẩm mà các bà vợ ở nhà chồng nuôi thường hay nhận được. Nhưng thực tế, ít nhất là về mặt sức khỏe tâm thần, họ không những không "sướng" mà còn đối mặt với nguy cơ lo lắng, bồn chồn, stress, thậm chí trầm cảm cao hơn gấp bội so với những bà vợ đi làm.
Nấu ăn, chăm sóc con cái, giặt giũ, dọn dẹp… là vô vàn công việc liên tu bất tận mà những bà vợ “rảnh rang” ngồi nhà phải đối diện mỗi ngày, dường như không bao giờ có điểm dừng.
Nhiều người sẽ bảo rằng họ vẫn còn sướng chán, vì hầu hết các bà vợ, bà mẹ đi làm cũng phải làm việc nhà, còn phải đối diện thêm áp lực nơi công sở, vội vội vàng vàng trang điểm, ăn mặc chỉnh tề vào mỗi sáng và phải xử sự cho phải phép với nhiều người xung quanh.
|
Tuy nhiên, Robi Ludwig - một chuyên gia về tâm lý trị liệu cộng tác với trang Today.com cho biết, sự cô lập mới là áp lực khủng khiếp nhất dễ dẫn tới những cảm xúc tiêu cực. Đó cũng là áp lực mà các bà vợ ở nhà phải đối diện.
Ludwig cho biết: “Sự cô lập chính là kẻ giết người không dao. Mọi người được sinh ra đều được “lập trình” không phải để ở có một mình. Càng ở một mình nhiều, chúng ta càng dễ có khuynh hướng nhìn xung quanh và thấy mọi chuyện đều không ổn, từ đó khiến cho mọi người có các cảm xúc tiêu cực và tự tấn công tinh thần của mình”.
Thật vậy, một cuộc điều tra qua điện thoại trên 60.000 phụ nữ do viện Gallup tiến hành cho thấy, những phụ nữ không đi làm thường bị trầm cảm, buồn phiền, lo lắng và dễ nổi giận hơn những người đi làm. Cụ thể, trong số những bà mẹ nuôi con dưới 18 tuổi mà không đi làm, 41% luôn thường trực cảm giác lo lắng, 26% buồn phiền, 50% stress, 19% luôn nổi giận và 28% bị chẩn đoán trầm cảm. Tỷ lệ này ở những bà mẹ đi làm ở mức thấp hơn nhiều, chẳng hạn chỉ có 14% buồn phiền hay 17% trầm cảm.
Trang Today Mum cũng dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ chọn cách đến công sở có nhiều cơ hội để có cảm giác sảng khoái, vui vẻ, hạnh phúc, thấy mình học được những điều mới mẻ và kết cục là họ mỉm cười nhiều hơn.
Ngay cả ở những phụ nữ không yêu thích công việc của mình, chỉ riêng việc đi làm và kiếm được tiền cũng đã cho họ cảm giác bản thân mình có giá trị rồi. Trong khi đó, ngày nào cũng hết đối diện với đống chén bát cáu bẩn, những cái tã dơ đến đống quần áo nhàu nhĩ… hết việc này đến việc kia, dường như không bao giờ kết thúc mà không thực sự được gọi là “đi làm” khiến cho những phụ nữ ở nhà khó lòng đạt được cảm giác hài lòng là mình đã hoàn thành công việc. “Với nhiều người, họ còn có cảm giác như ở trong vùng đất không có người”, Ludwig nói.
|
Vậy đâu là giải pháp? Theo chuyên gia Ludwig thì dù đi làm hay ở nhà, các bà mẹ cũng cầm phải lưu tâm tới việc giao tiếp, kết nối với cộng đồng và hướng tới mục tiêu sống của mình.
“Ngay cả với các bà mẹ giàu có thì chỉ mua sắm, ăn ngoài và tập thể dục vẫn chưa đủ. Hãy tham gia một câu lạc bộ, một tổ chức của các bà mẹ hay làm tình nguyện viên ở trường học - nói tóm lại là một hoạt động gì đó khiến cho bạn có cảm giác là mình vẫn đang phát triển đi lên”, Ludwig.
Cuối cùng, đã có một số cuộc nghiên cứu chứng minh rằng những phụ nữ hạnh phúc nhất là những người đang nuôi con nhỏ, đi làm bán thời gian và có một thời khóa biểu linh hoạt.
Tường Khuê
>> “Tài xế” cho vợ
>> Nóng nảy thành tai họa
>> Người vợ tuyệt vời
>> Bi kịch "ở nhà chồng nuôi
>> Ở nhà nuôi con, chồng trả lương
>> Khoảng lặng trong đời sống vợ chồng
Bình luận (0)