Từ khách hàng
Cuối tuần trước, hãng ITAR-TASS dẫn thông báo của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí độc quyền Nga Rosoboronexport cho biết, Moscow gần đạt đến thỏa thuận cung cấp đạn dược xe tăng tiên tiến với Ấn Độ.
Vòng đầu tiên của cuộc đàm phán về việc cung cấp đạn dược xe tăng 3UBK20 (Mango) đã được hoàn tất.
Vòng thứ hai thảo luận về việc sản xuất có giấy phép tại Ấn Độ bắt đầu vào ngày 2.7.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Phó giám đốc Rosoboronexport Igor Sevastyanov tiết lộ, khối lượng hàng giao là rất lớn nhưng không nói con số cụ thể.
|
Ngoài ra, Moscow và New Delhi đang cùng nhau hình thành liên doanh sản xuất pháo phản lực nhiều nòng Smerch.
Đây cũng chỉ là một trong số nhiều hợp đồng vũ khí giữa hai nước này.
Viktor Komardin, một lãnh đạo cấp cao của Rosoboronexport, tiết lộ thêm rằng tập đoàn này dự tính sẽ xuất khẩu 3 tỉ USD vũ khí mỗi năm sang Ấn Độ.
Nước này hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn và quan trọng nhất của Nga.
Mặc dù có ngân sách quốc phòng khá cao, lên tới 32,5 tỉ USD vào năm vừa rồi, nhưng Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu khoảng 70% số vũ khí trang bị cho quân đội và trong số đó phần lớn các đơn hàng đến từ nước Nga, theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản).
Hồi tháng 1, Nga chính thức bàn giao chiếc tàu ngầm hạt nhân Nerpa, thuộc lớp Akula II, cho Ấn Độ.
Bản hợp đồng thuê tàu ngầm trị giá 650 triệu USD này được ký kết vào năm 2004 và dự kiến chuyển giao trong năm 2008 nhưng bị chậm trễ do tai nạn, theo RIA Novosti.
Đây là kết quả của hợp đồng thuê tàu ngầm hạt nhân giữa Nga với Ấn Độ.
Loại tàu này có độ choán nước 8.000 tấn, đủ sức chở theo 28 tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.
Sau khi về với New Delhi, chiếc Nerpa được đổi tên thành INS Chakra và giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới, chỉ sau 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sở hữu tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.
Ngoài ra, Nga dự định sẽ sớm giao tàu sân bay INS Vikramaditya, được nâng cấp từ tàu Admiral Gorshvov của Liên Xô trước đây, cho Ấn Độ sau 4 năm trì hoãn.
Với chiều dài 283 m và độ choán nước 45.000 tấn, tàu sân bay INS Vikramaditya có thể mang theo 30 máy bay và 1.924 người.
Việc chuyển giao con tàu cho phía Ấn Độ dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm nay.
Đến cộng sự
Không chỉ là khách hàng, suốt nhiều năm qua, New Delhi còn đóng vai trò như một cộng sự then chốt của Moscow trong nhiều dự án vũ khí tối tân.
Mối lương duyên này đã “đơm hoa kết trái” đem đến cho hai bên nhiều thành quả quan trọng, điển hình như tên lửa siêu thanh Brahmos.
Nga và Ấn Độ đã cùng nhau đóng góp 250 triệu USD thành lập liên doanh Brahmos Aerospace nghiên cứu và phát triển loại tên lửa trên.
Theo website của Brahmos, Brahmos là tên lửa có tốc độ gấp 3 lần âm thanh và có thể được phóng đi từ tàu chiến nổi, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên mặt đất.
Sự thành công của Brahmos giúp cho liên doanh này tiếp tục phát triển tên lửa Brahmos thế hệ 2 có khả năng bay đạt ngưỡng bội siêu thanh, tốc độ nhanh gấp 5 đến 7 lần vận tốc âm thanh.
Ngày 27.6, RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Brahmos Aerospace Sivathanu Pillai tuyên bố, nguyên mẫu đầu tiên của tên lửa bội siêu thanh trên sẽ được bay thử nghiệm vào năm 2017.
Loại tên lửa mới này sẽ chỉ được trang bị cho Nga và Ấn Độ mà không dùng xuất khẩu đến nước thứ 3.
|
Một thành tựu không thể bỏ qua trong hợp tác phát triển vũ khí giữa Nga với Ấn Độ là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình Sukhoi T-50, đối thủ đáng gờm với F-22 Raptor và F-35 của Mỹ.
Theo RIA Novosti, New Delhi đóng góp 30% vào khoản đầu tư 6 tỉ USD do Moscow khởi xướng để phát triển nên Sukhoi T-50.
Loại chiến đấu cơ này có thể đạt tốc độ gần gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh và sử dụng kỹ thuật tàng hình tối tân cùng một số loại vũ khí thượng thặng.
Nhờ đó, Sukhoi T-50 chính là một trong những dấu ấn để Nga giữ vững hình ảnh nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Đồng thời, nhờ đó, Ấn Độ cũng được ưu ái để có được những khí tài tối tân hạng nhất trên thế giới.
Trương Y Vân
>> Nga - Ấn phát triển tên lửa BrahMos 2
>> Xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 60 tỉ USD
>> Nhật nới lỏng xuất khẩu vũ khí
>> Nga là nước xuất khẩu vũ khí nhiều thứ 2 thế giới
>> Pháp xuất khẩu vũ khí sắp hết hạn
>> Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí
Bình luận (0)