(TNO) Vốn là một cường quốc trỗi dậy mạnh mẽ nhờ sự phát triển trong thời bình, Trung Quốc lại đang ngày càng trở nên hiếu chiến với hàng loạt các vụ tranh chấp ở tiền tuyến, tuần báo The Economist (Anh) nhận định hôm 4.5.
Ấn Độ tố cáo Trung Quốc thiết lập một trại lính nằm cách Đường kiểm soát thực tế (LAC) 19 km, vốn là đường biên giới không chính thức ngăn cách giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhật Bản cho biết tàu hải giám Trung Quốc chạy vòng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vốn đang có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, tại biển Hoa Đông mỗi ngày.
Vào hôm 26.4, Trung Quốc yêu cầu Philippines “rút toàn bộ công dân và trang thiết bị” ra khỏi một số quần đảo và bãi cạn Scarborough tại biển Đông, nơi mà các công dân cùng các cơ sở vật chất của Philippines đã có mặt ở đây từ nhiều thập niên qua.
|
Và trong tất cả các vụ tranh chấp nói trên, Trung Quốc đều có các lập luận để biện minh rằng họ chỉ đáp trả sự khiêu khích, The Economist cho hay.
Được biết, giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang tồn tại tranh chấp dai dẳng về vùng Aksai Chin đang do Bắc Kinh kiểm soát và bang Arunachal Pradesh thuộc sự quản lý của New Delhi.
Ấn Độ tuyên bố Aksai Chin là một phần của Ladakh và cáo buộc Trung Quốc lợi dụng việc kiểm soát vùng này để tiếp tục lấn vào Ladakh.
Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Arunachal Pradesh và gọi bang này bằng tên Nam Tây Tạng thuộc Khu tự trị Tây Tạng.
|
The Economist dẫn lời Ajai Shukla, một chuyên gia phân tích quốc phòng của Ấn Độ, cho biết quân đội Ấn Độ đang tiến hành cái mà ông này gọi là “căng thẳng lần thứ ba tại biên giới Trung - Ấn”.
Hai lần trước diễn ra vào cuối thập niên 1950, vốn đã dẫn đến cuộc chiến giữa hai nước vào năm 1962, và vào năm 1986, gây ra tình trạng bế tắc cho đến ngày nay.
Ông Shukla cho biết hiện Ấn Độ đang gia tăng hiện diện quân sự tại Arunachal Pradesh và Aksai Chin, điều động thêm nhiều binh sĩ, vũ khí và trang thiết bị.
Trung Quốc có lẽ lo sợ Ấn Độ đang đánh vào sự thiếu kinh nghiệm của dàn lãnh đạo mới vừa lên nắm quyền vào tháng 11.2012 và áp lực mà Bắc Kinh đang phải đối phó từ các vụ tranh chấp khác, theo The Economist.
Bắc Kinh có lẽ cũng có những nghi ngại tương tự về phía Nhật Bản trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, The Economist nhận định.
Các vụ điều tàu hải giám tiến gần quần đảo nói trên diễn ra sau khi Tokyo phớt lờ cảnh báo không quốc hữu hóa quần đảo này của Bắc Kinh.
|
Còn việc Trung Quốc yêu cầu Philippines rút hết công dân và trang thiết bị ra khỏi bãi cạn Scarborough cũng là phản ứng của Bắc Kinh đối với việc Manila đưa vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ra Tòa án Quốc tế về luật Biển, The Economist phân tích.
Trong tuần này, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa du khách ra quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vào cuối tháng 3, Trung Quốc cũng gây hấn với Brunei và Malaysia khi điều một đội tàu đến vùng biển mà cả hai quốc gia này đều có tuyên bố chủ quyền.
Đội tàu nói trên của hải quân Trung Quốc đã đến tận bãi đá James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chừng 80 km.
Vị trí này là điểm tận cùng phía nam của “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên biển Đông, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km.
The Economist phân tích rằng những hành động nói trên của Trung Quốc có thể xem như các phản ứng thực dụng của nước này đối với các áp lực khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả những hành động khiêu khích của Trung Quốc sẽ gây ra hai hiểm họa cho nước này, The Economist nhận định.
Cụ thể, một là chúng khiến Trung Quốc phải tiến hành một chiến dịch tạo ra những “sự thật về lãnh thổ” mới nhằm củng cố vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán hay xung đột trong tương lai.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc không đủ lực để có thể tiến hành một sự đáp trả toàn diện và có liên kết đối với những hành động mà họ cho là “khiêu khích” của các nước có liên quan.
Thay vì đối phó với từng nước thì Trung Quốc lại đang chống lại tất cả cùng một lúc.
Và ấn tượng về một thế lực mới nổi đầy hiếu chiến mà Trung Quốc tạo ra không dễ gì xóa bỏ được, The Economist cho hay.
Hai là Trung Quốc có thể gặp phải chiến tranh vô tình bùng nổ nằm ngoài mong muốn của nước này, tuần báo Anh nhận định.
“Cả Trung Quốc lẫn các nước có liên quan đều không muốn tranh chấp dẫn đến chiến tranh. Nhưng luôn có rủi ro về khả năng xung đột bất ngờ nổ ra do sơ suất của các chỉ huy quân đội. Chẳng hạn như vụ tàu chiến Trung Quốc hướng ra đa điều khiển tên lửa nhắm vào tàu chiến Nhật Bản vừa qua”, The Economist lưu ý.
Hoàng Uy
>> Bắc Kinh bị tố thăm dò “lãnh thổ Ấn Độ”
>> Ngoại trưởng Ấn Độ khó đến Bắc Kinh
>> Ấn Độ đề cập giải pháp mạnh đối với Trung Quốc
>> Trung Quốc - Philippines có thể mặc cả về biển Đông
>> Chỉ huy vùng biển Senkaku/Điếu Ngư của Nhật tử nạn bí ẩn
>> Trung Quốc tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi”
>> Tàu Trung Quốc đuổi tàu Nhật ra khỏi vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Bình luận (0)