Nghị quyết 63 ngày 6.7.2012 về bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2015 do HĐND tỉnh này ban hành đã thông qua kinh phí thực hiện gần 49 tỉ đồng.
|
Theo đó, kế hoạch phân kỳ năm 2012 là 955 triệu đồng; năm 2013: gần 16,5 tỉ; hai năm 2014 và 2015 lần lượt là 15,8 tỉ và 15,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, năm 2012 kinh phí cho hoạt động bảo tồn này không được cấp, còn năm 2013 chỉ được tài chính phân bổ 400 triệu đồng khiến cho nhiều hoạt động diễn xướng, bảo tồn không thể triển khai.
Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết nói trên. Qua giám sát cho thấy, không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp do tác động của cuộc sống hiện đại, thay đổi tín ngưỡng; cùng đó, cồng chiêng không được sử dụng rộng rãi, nhiều buôn làng không còn cồng chiêng.
Chẳng hạn, ở H.Ea Hleo có 53 buôn thì 12 buôn không có cồng chiêng; H.Cư Mgar có 71 buôn thì 22 buôn không còn cồng chiêng. 70% số buôn ở H.Krông Ana không có các sinh hoạt văn hóa liên quan đến cồng chiêng. TP.Buôn Ma Thuột chỉ 3/33 buôn có duy trì diễn xướng cồng chiêng... Theo thống kê gần đây, tỉnh Đắk Lắk có 2.307 bộ chiêng đủ của các dân tộc trên địa bàn, 3.855 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, 393 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 568 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ, 2.608 nhà dài truyền thống, 220 bến nước, 155 nghi lễ, lễ hội truyền thống… Tuy nhiên, số nghệ nhân cao tuổi mất dần theo thời gian, cùng với sự suy giảm số lượng nhà dài, bến nước, lễ hội…; riêng cồng chiêng thất thoát khoảng 2.000 bộ so với số liệu thống kê năm 1993.
Trần Ngọc Quyền
>> Đội cồng chiêng trẻ em C’Tu
>> Đưa cồng chiêng vào trường học
>> 49 tỉ đồng cho bảo tồn cồng chiêng
>> Màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất Việt Nam
>> Cồng chiêng Tây Nguyên đang bị “Tây hóa”
>> Sắc màu lễ hội cồng chiêng
Bình luận (0)