Người em trong cặp song sinh Việt - Đức hạnh phúc với vợ và hai con

06/10/2013 18:35 GMT+7

(TNO) Sau ca phẫu thuật tách cặp song sinh đầu tiên ở Việt Nam, Nguyễn Đức (31 tuổi) người em trong cặp song sinh ấy giờ đây đã có một cuộc sống tự lập với hạnh phúc riêng và đang từng ngày đóng góp sức lực cho hoạt động từ thiện...

(TNO) Sau ca phẫu thuật tách cặp song sinh đầu tiên ở Việt Nam, Nguyễn Đức (31 tuổi), người em trong cặp song sinh ấy giờ đây đã có một cuộc sống tự lập với hạnh phúc riêng và đang từng ngày đóng góp sức lực cho hoạt động từ thiện...

>> Nguyễn Việt trong ca mổ Việt - Đức đang bị viêm phổi nặng
>> Nguyễn Việt trong cặp song sinh Việt - Đức qua đời
>> Cậu bé Đức trong ca mổ Việt - Đức đã có con đầu lòng


Gia đình anh Nguyễn Đức và những người bạn Nhật - Ảnh: Phú An

Buổi lễ kỷ niệm 25 năm ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức vào sáng 6.10 tại TP.HCM diễn ra dài hơn dự kiến bởi biết bao niềm vui và sự xúc động không nói nên thành lời của các y bác sĩ trong ê kíp phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức năm xưa và của nhân vật chính - Nguyễn Đức trong ngày hội ngộ.

Đã trải qua gần 25 năm nhưng câu chuyện về cuộc phẫu thuật kỳ diệu cứu sống hai anh em song sinh dính liền nhau vẫn xúc động như mới hôm qua. Những người trong ê kíp mổ năm xưa, dù là người Việt hay người Nhật cũng gặp nhau trong niềm vui và nước mắt.

Cậu bé Nguyễn Đức với những phần cơ thể hoàn chỉnh nhất được anh Việt nhường cho, giờ đã là một thanh niên khỏe mạnh, được học hành bài bản, hiện đang công tác tại Làng Hòa Bình và lập gia đình, sinh con với một mái ấm gia đình rộn ràng tiếng trẻ thơ như bao người đàn ông bình thường khác.

Đáng tiếc là anh trai Nguyễn Việt đã mất vào ngày 6.10.2007 trong một cơn bệnh nặng, do di chứng của chất độc hóa học dioxin…


Nguyễn Đức trong buổi gặp gỡ sáng 6.10 - Ảnh: Thiên Hương

"Tôi như được tái sinh"

Gia đình của Nguyễn Đức hiện đang sống trong một con hẻm ở đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM). Căn nhà nhỏ ngày ngày vẫn rộn rã tiếng nói cười, đùa giỡn của hai đứa con sinh đôi của anh và chị Thanh Tuyền.

Ngày ấy, để có được cuộc sống bình thường, Đức đã phải trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và cả quá trình nỗ lực không ngừng tạo dựng cuộc sống sau khi cơ thể được tách rời. Đức kể lúc bấy giờ mặc dù cùng chung một phần thân thể với anh trai Nguyễn Việt nhưng anh nhận ra sự khác biệt về sở thích của hai anh em.

Đến năm 1986, Việt ngã bệnh bởi chứng viêm màng não và tình trạng ngày càng nặng. Việt thường xuyên gồng cứng, la hét.

Sau ca mổ lịch sử, Đức đã dần hồi phục sức khỏe. Anh bắt đầu cuộc sống độc lập và phát triển bình thường. Do di chứng của bệnh bại não và lại nhường phần lớn các bộ phận chung cho Đức nên khoảng thời gian sau đó, Việt sống đời thực vật tại Làng Hòa Bình (nằm trong Bệnh viện Từ Dũ).

Sau mổ, vừa phải điều trị vệt thương, tập vật lý trị liệu, Đức vừa cố gắng học chữ. Dù chỉ có một chân, Đức cố gắng tập đi với cây nạng gỗ và sau hơn một năm, vết thương bắt đầu lành lặn, Đức tự đi được. Sau đó, anh được gửi đến trường khuyết tật để học văn hóa.

Biết sức mình không bằng người bình thường, việc nặng nhọc cũng không thể làm tốt, Đức quyết định chuyển qua học nghề. Có năng khiếu với tin học nên sau một thời gian học anh được gửi qua Nhật học cấp tốc 3 tháng về tin học và được nhận vào Làng Hòa Bình làm việc.


Anh Nguyễn Đức và nhà sư Thích Nhuận Pháp có thế danh là Nguyễn Duy Phương
, người cùng sống chung với Việt và Đức tại Làng Hòa Bình. Nhà sư Thích Nhuận Pháp sinh ra với cân nặng chỉ 400 g, đến nay 28 tuổi cũng chỉ nặng 13 kg, cao 90 cm, tuy nhiên nhà sư có khả năng viết thư pháp và múa võ rất tốt - Ảnh: Thiên Hương

Đức tâm sự, anh được đưa về sống ở Làng Hòa Bình rồi khi lớn lên đi học lại được về nơi đây làm việc đối với anh là cả niềm hạnh phúc lớn. “Tôi luôn biết ơn các mẹ ở Làng Hòa Bình đã cưu mang và yêu thương tôi. Đó là món nợ ân tình tôi không bao giờ trả hết”.

Anh cũng tâm sự, động lực để anh phấn đấu vươn lên trong cuộc sống còn là muốn tri ân các bác sĩ đã thương yêu và cho anh cơ hội được tái sinh lần nữa sau ca phẫu thuật.

Nói về người anh Nguyễn Việt của mình, Đức bảo mình may mắn hơn anh trai rất nhiều: “Sau 19 năm giành giật sự sống, dù chỉ là đời sống thực vật vì anh đã nhường một phần lớn thân thể cho tôi cùng những di chứng bệnh tật, anh Việt đã qua đời. Tôi luôn tự nhủ phải sống tốt hơn cho cả phần đời của anh Việt đã hy sinh cho tôi”.

Cảm ơn cuộc sống

Những ngày này, Đức đang bận rộn với các hoạt động trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của Hội Đức Nihon - Vì một thế giới đẹp tươi. Đây là hội hoạt động từ thiện do Đức lập ra để vận động, quyên góp giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật và học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

 
Tôi thầm cảm ơn cuộc sống bởi sự lặp lại có hậu ấy và nguyện những ngày được sống sẽ cố gắng tri ân những gì cuộc đời đã ban cho
Nguyễn Đức
Gặp chúng tôi, Đức hồ hởi: “Hội tuy mới thành lập nhưng thu hút rất nhiều người tham gia và cũng nhận được đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Hội cũng đã có những hoạt động giúp đỡ thiết thực đến học sinh nghèo. Đó là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục cố gắng”.

Vừa làm việc ở Làng Hòa Bình, vừa hoạt động từ thiện, công việc của Đức bận rộn đến nỗi chuyện đi về lúc 11 giờ đêm với anh đã rất quen thuộc. Anh tâm sự, may mắn của anh là có được hậu phương vững chắc. Công việc nhà, đưa đón hai con đi học một tay vợ anh lo.

Anh kể anh và chị Tuyền gặp nhau trong một đám cưới của người bạn. Sau đó, hai người thường xuyên gặp nhau, tâm sự rồi cảm mến nhau. Đến cuối năm 2006, anh chị làm đám cưới giản dị có sự chứng kiến của người thân và một số y, bác sĩ trong kíp mổ song sinh ngày ấy. Tuy công việc anh bận rộn nhưng chị chưa bao giờ kêu ca mà âm thầm làm một người vợ tốt, yêu thương anh hết lòng.

Ba năm sau ngày cưới, anh chị đón cặp song sinh, một bé trai, bé gái. Niềm vui như nhân lên gấp bội khi cả hai bé đều lành lặn. Anh Đức lấy tên Phú Sĩ và Anh Đào để đặt cho hai con như một sự tri ân anh dành cho những người Nhật đã vận động, giúp đỡ để cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức diễn ra và cho anh có được cơ thể độc lập, phát triển bình thường đến ngày hôm nay.

Ký ức về ca phẫu thuật kỳ diệu

Trong buổi gặp gỡ sáng 6.10, hình ảnh hai đứa con anh Đức vô tư đùa nghịch trên sân khấu trong lúc bố đang phát biểu hay hình ảnh chị Thanh Tuyền tỉ mỉ chăm sóc chồng đã khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Đã 25 năm trôi qua nhưng ký ức về cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức năm xưa dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người tham gia ê kíp ngày hôm ấy.

Trong số đó, có những người đã ra đi như cố Viện sĩ - Tiến sĩ - Bác sĩ Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, người được anh Đức gọi là "ông ngoại". Có những người vẫn lặng lẽ lau nước mắt mỗi khi xem lại những thước phim ngày trước như GS - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Đối với BS Phượng, những dòng ký ức vẫn vẹn nguyên.

BS Phượng cho biết bà vẫn còn nhớ như in một ngày cuối năm 1982, GS Hoàng Đình Cầu, nguyên Thứ trưởng Bộ y tế đã điện thoại vào Bệnh viên Từ Dũ và bảo rằng: "Các đồng chí cho tôi gửi hai bé Việt - Đức vào nuôi ở bệnh viện nhé! Ngoài này mùa đông rét quá, sợ hai cháu không sống được".

Và từ đó Việt và Đức được nuôi nấng, dạy dỗ bởi các mẹ, các chị, các y tá bác sĩ và ban giám đốc với tất cả tấm lòng yêu thương. "Đó là một ngày mà tôi không thể nào quên", bà Phượng chia sẻ.

Với ông Len Aldis, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt, người từng có cơ hội gặp và theo dõi tình trạng sức khỏe của Việt, sự phát triển rất lạc quan của Đức trong những lần đến làm việc với GS - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, hình ảnh Đức bảo vệ cho Việt luôn in đậm trong trí nhớ của ông.

Ông kể: "Cách đây 24 năm, vào một ngày tháng 3, tôi đã vào thăm Việt và Đức. Lúc tôi vào, Việt vẫn đang được cô y tá cắt tóc. Thấy tôi tiến đến, Đức liền nhanh chóng đẩy xe ra chặn đường của tôi. Đó là sự việc mà tôi không thể quên vì thấy được sự bảo vệ của Đức dành cho anh. Dù đã tách liền khỏi người anh của mình nhưng Đức lúc nào cũng luôn gắn kết với anh trai. Trong ngày cưới, Đức cũng đã bày tỏ lòng thương nhớ tuyệt vời và cảm động dành cho anh trai của mình. Anh bảo rằng, Việt đã hy sinh mọi thứ để anh để có hôm nay. Đáng buồn là Việt đã qua đời và không thể chứng kiến giây phút này....".


Gia đình anh Nguyễn Đức nhận món quà đặc biệt từ những người bạn Nhật - Ảnh: Thiên Hương

Những phần ký ức này, dĩ nhiên, sẽ không thể phai mờ trong tâm trí của Đức. Không chỉ tự hào là nhân chứng sống trong bước ngoặc của lịch sử y học Việt Nam, Đức còn không nguôi thương nhớ về người anh của mình.

"Để có được hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân tôi, còn có sự dạy dỗ của các bà, các mẹ ở Làng Hòa Bình. Đặc biệt, anh trai tôi là người mà tôi luôn cảm kích và không thể quên được. Dù anh đã mất nhưng tôi luôn có cảm giác anh lúc nào bên cạnh tôi. Đối với tôi, trong cuộc sống này, những gì tôi có được đều do anh trai đã hy sinh cho mình. Vì thế tôi vẫn luôn tự nhắc nhở mình phải không ngừng học tập nâng cao, là người có ích cho xã hội".

Vậy là sau 25 năm kể từ ngày cuộc phẫu thuật cặp song sinh Việt - Đức mang đầy tình người, trí tuệ và y đức được thực hiện, Đức đã có một cuộc sống bình thường bên gia đình.

Hơn 20 năm sau lần tái sinh ấy, Đức được làm cha của cặp song sinh lành lặn và đang từng ngày trả ơn cuộc đời. "Tôi thầm cảm ơn cuộc sống bởi sự lặp lại có hậu ấy và nguyện những ngày được sống sẽ cố gắng tri ân những gì cuộc đời đã ban cho", Đức xúc động nói.

Đêm 25.2.1981 tại trạm xá Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), vùng đất cao nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam trong những năm chiến tranh giữ nước đã vang lên tiếng khóc chào đời yếu ớt của hai bé song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức.

Tuy nhiên, cả hai lại mang hình hài dị dạng, dính liền phần bụng, có hai đầu, hai chân và một chân ngắn chừng hai mươi phân, một hậu mô và một bộ phận sinh dục.

Đến ngày 4.10.1988, ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức được xem là một cuộc "tranh tài đọ sức" với tạo hóa mà các y bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản để trả lại cho Việt và Đức một cuộc sống riêng biệt.

Một ê kíp mổ gồm 70 y bác sĩ trưởng đầu ngành và bác sĩ giỏi nhất của các bệnh viện, trung tâm y học tại TP.HCM được tập trung tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ để tiến hành ca đại phẫu thuật vào loại phức tạp nhất: tách rời hai cháu song sinh Việt - Đức.

Thành công ngoài mong đợi của ca mổ đã làm nên 'kỳ tích" cho ngành y học Việt Nam khiến cả thế giới phải thán phục.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 25 năm ca mổ tách đôi Việt - Đức (4.10.1988 - 4.102013), cuốn sách Dioxin - Unforgetable Responsibility! - Viet & Duc and World Peace được xuất bản ở Nhật cách đây 3 năm bởi GS. Fujimoto và những người bạn, đã phát hành phiên bản tiếng Anh với mong muốn truyền tải nguyện ước của chính họ nhằm xây dựng một nền hòa bình thế giới. 


Quyển Dioxin - Unforgetable Responsibility! - Viet & Duc and World Peace- Ảnh: Thiên Hương

Hà Minh - Thiên Hương

>> Nghiên cứu “song sinh” của mặt trời
>> Tách thành công hai bé gái song sinh dính nhau ở bụng
>> Phẫu thuật tách hai bé gái song sinh dính nhau
>> Trẻ song sinh dính nhau
>> Cặp song sinh sợ ánh sáng
>> Chị em song sinh có con cùng ngày
>> Song sinh gây án
>> Tách rời thành công cặp song sinh dính liền phần ngực
>> Sưu tập ảnh về các cặp song sinh
>> Chị em song sinh sinh con cùng ngày
>> Sức khỏe cặp song sinh sau mổ tách rời diễn tiến tốt
>> Đã mổ tách rời thành công cặp song sinh dính nhau
>> Phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau
>> Sếp công an mất chức vì cặp bồ với hai chị em song sinh
>> Thêm một cặp song sinh dính nhau phức tạp
>> Cặp song sinh giết người, cướp của lãnh án
>> Chị em song sinh của Dải Ngân hà
>> Kỳ lạ cầu vồng song sinh
>> Phát hiện hệ mặt trời “song sinh”
>> Mổ cấp cứu cặp song sinh dính nhau phức tạp
>> “Song sinh” dancesport: Ước mơ tạo nên tài năng
>> Cặp song sinh nữ chung nhiều bộ phận
>> Song sinh nhưng khác màu da
>> Tách rời cặp song sinh chung lá gan
>> Cặp song sinh nghèo đoạt giải quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.