|
Hôm qua là tròn 7 năm ngày ông Hussein bị treo cổ vì “tội ác chống nhân loại”, liên quan đến vụ sát hại 148 người Hồi giáo dòng Shiite ở Dujail hồi năm 1982. Giám sát vụ xử tử là bác sĩ Mowaffak al-Rubaie, khi đó giữ chức Cố vấn an ninh quốc gia trong chính phủ Iraq mới. Bảy năm sau sự kiện trên, tại văn phòng ở thủ đô Baghdad, ông al-Rubaie hồi tưởng lại thời khắc cuối cùng của nhân vật gây nhiều tranh cãi này.
Cứng rắn tới phút cuối
Trong cuộc phỏng vấn với AFP, ông al-Rubaie kể rằng cựu lãnh đạo Iraq vẫn giữ phong thái mạnh mẽ thường thấy, không hề tỏ ra hối tiếc khi giờ phút lên giá treo cổ đã cận kề. “Một tội phạm? Đúng. Một kẻ giết người? Đúng. Nhưng ông ta mạnh mẽ đến phút cuối cùng”, ông al-Rubaie nói về người đã lãnh đạo Iraq từ năm 1979 đến tháng 3.2003. “Tôi đón ông ta ở cửa. Không ai vào cùng chúng tôi, không có một người Mỹ nào. Ông ta mặc áo khoác và áo sơ mi trắng, trông bình thường và thư thái, tôi không thấy bất cứ dấu hiệu sợ hãi nào. Hẳn nhiên, một số người muốn tôi nói rằng ông ấy suy sụp hay sợ hãi nhưng những điều tôi đang nói là sự thật lịch sử”, ông al-Rubaie cho biết, “Saddam không hề cầu xin ân xá hay mong Thượng đế xót thương gì cả. Tuyệt không có những câu như “Xin tha thứ cho những tội lỗi của con””.
Theo lời ông al-Rubaie, ông Hussein bị còng tay và cầm một cuốn kinh Koran lúc bị đưa đi vào ngày 30.12.2006. “Tôi đưa ông ta đến phòng của thẩm phán để nghe cáo trạng. Trong suốt buổi, Saddam liên tục hô to: Mỹ chết đi! Israel chết đi! Palestine muôn năm”, ông al-Rubaie kể. Sau đó, cựu tổng thống bị đưa đến phòng hành quyết. “Ông ta dừng lại, nhìn vào giá treo cổ sau đó nhìn tôi từ đầu xuống chân và nói: “Bác sĩ, cái thứ này đúng là dành cho đấng nam nhi”, al-Rubaie kể tiếp. Ngay trước khi hành quyết, đám đông bên ngoài liên tục khiêu khích, chế nhạo ông Hussein và ông chỉ trả lời: “Đàn ông mà hành xử như vậy sao?”, rồi bắt đầu cầu nguyện khi al-Rubaie tiến đến kéo cần để treo cổ ông Hussein. Lần đầu tiên không thành công và một người khác phải kéo cần lần thứ hai. “Như tôi đã nói, Saddam là một tội phạm nhưng khi nhìn thi thể ông ta, trong tôi bỗng trào lên một cảm giác rất khó tả”, AFP dẫn lời al-Rubaie.
Ngón tay cái của ông Bush
Ông Hussein bị bắt ở ngoại ô thị trấn Dawr vào tháng 12.2003, 9 tháng sau khi chính quyền của ông bị Mỹ lật đổ với lý do sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, cáo buộc mà đến nay vẫn không tìm thấy bằng chứng nào. Theo ông al-Rubaie, việc xử tử cựu tổng thống được định đoạt sau một cuộc họp qua video giữa Thủ tướng Nuri al-Maliki và Tổng thống Mỹ George W.Bush. “Các ngài định làm gì với tên tội phạm này?”, ông Bush hỏi. “Chúng tôi treo cổ ông ta”, ông al-Maliki đáp. Và ông Bush giơ ngón tay cái lên để bày tỏ sự tán đồng.
Bất chấp những chỉ trích nặng nề nhằm vào chế độ Saddam Hussein, đến nay nhiều người dân Iraq theo Hồi giáo dòng Sunni vẫn tiếc nhớ thời gian ông cầm quyền. Chí ít với họ, đó là một thời kỳ ổn định kéo dài chứ không phải tình trạng bạo lực đẫm máu như bây giờ. Ngược lại, người Hồi giáo Shiite và người Kurd xem ông là “tên đồ tể khát máu”.
Khổ sở vì cái tên Tại thị trấn Aziziyah đông người Hồi giáo Shiite ở ngoại ô Baghdad, Saddam Hussein thoải mái tản bộ, thi thoảng còn đùa cợt với binh sĩ đi tuần và bắt tay người qua đường. “Tôi còn sống nè, các anh chỉ hành quyết tên đóng thế của tôi thôi”, Saddam cười nói với mấy cảnh sát trước một trạm kiểm soát. Thực chất, theo AFP, người đàn ông này chỉ là một thợ điện bình thường tên Saddam Hussein Ulaiwi, một trong số rất nhiều người ở Iraq trùng tên với vị tổng thống bị hành quyết. Thời Saddam Hussein còn đương nhiệm, nhiều người được cha mẹ đặt tên theo tên nhà lãnh đạo để tỏ lòng tôn kính nhưng nay họ đang sống dở chết dở. “Nhiều người ở Aziziyah căm ghét Saddam nên bây giờ họ luôn mắng nhiếc tôi”, Saddam Hussein Ulaiwi cười buồn kể với AFP. Cũng như anh thợ điện này, những “Saddam Hussein” khác khổ sở kể họ rất khó xin việc làm, đi chứng giấy tờ thì luôn bị gây khó dễ, thậm chí còn bị dọa giết. Mọi nỗ lực đổi tên đều không đi đến đâu vì tình trạng quan liêu ở Iraq. Giờ đây, nhiều người phải năn nỉ bạn bè và người thân gọi mình bằng một cái tên khác. Chẳng hạn như phóng viên Saddam Hussein al-Mihimidi ở Ramadi đề nghị được gọi là Abu Abdullah. “Sau năm 2003, cuộc đời tôi thay đổi dữ dội, từ thái cực này sang hẳn thái cực khác”, anh chàng 33 tuổi chán nản nói. Danh Toại |
Trùng Quang
>> Cháu Saddam Hussein xin tị nạn ở Áo
>> Con gái Saddam Hussein bị truy nã
>> Đoạn kết câu chuyện khẩu súng của Saddam Hussein
>> Tiết lộ về Saddam Hussein
>> Iraq: Bắt giữ thủ lĩnh khủng bố có liên quan đến trưởng nữ của Saddam Hussein
>> Làng Saddam Hussein ở Ấn Độ
>> Saddam Hussein đánh bóng hình tượng bằng giá treo cổ
>> Iraq xét xử các cựu quan chức thời Saddam Hussein
>> Iraq: 2 phụ tá của Saddam Hussein sẽ bị treo cổ trong tuần này
>> Điều tra vụ rò rỉ đoạn phim cuộc xử tử Saddam Hussein
>> Ầm ĩ quanh vụ quay lén cảnh thi hành án tử hình Saddam Hussein
>> Cuộc săn lùng tài sản Saddam Hussein
>> Iraq: Hằng trăm người thề trả thù cho Saddam Hussein
>> Cựu Tổng thống Saddam Hussein bị xử tử
Bình luận (0)