Đại án Huyền Như lừa đảo: Nhiều câu hỏi dành cho Vietinbank chưa có câu trả lời

09/01/2014 21:35 GMT+7

(TNO) Chiều 9.1, các luật sư tiếp tục phần thẩm vấn. Được tập trung xét hỏi nhiều nhất là bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và phía được nhiều luật sư mong muốn được xét hỏi trực tiếp nhất là Vietinbank.

(TNO) Chiều 9.1, các luật sư tiếp tục phần thẩm vấn. Được tập trung xét hỏi nhiều nhất là bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và phía được nhiều luật sư mong muốn được xét hỏi trực tiếp nhất là Vietinbank.

Có tiền đem gửi Ngân hàng như giao trứng cho ác!
Huyền Như (áo trắng) sau phiên xử - Ảnh: Lê Quang

Tuy nhiên, cũng như trước đó, HĐXX không chấp nhận bất cứ câu hỏi trực tiếp nào đặt cho Vietinbank mà yêu cầu các luật sư nêu câu hỏi cho Vietinbank ghi nhận, trả lời chung.

Nhiều luật sư đặt vấn đề xung quanh việc Vietinbank có chịu trách nhiệm gì hay không khi khách hàng mở tài khoản ở Vietinbank, chuyển tiền vào Vietinbank bị chiếm đoạt? Hay Vietinbank có biết quy định về quản lý tài khoản của khách hàng hay không? Đặc biệt, có luật sư đề nghị tòa xác định lại tư cách của Vietinbank phải là bị đơn dân sự (đơn vị bồi thường thiệt hại) mới đúng bản chất vụ án.

Nhiều luật sư cũng đặt vấn đề, có những trường hợp như Navibank, ACB khách hàng gửi tiền là gửi vào Vietinbank bằng hợp đồng thật, mở tài khoản thật. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản này như bỏ tiền vào tủ giao cho Vietinbank giữ chìa khóa nhưng Vietinbank lại để cho cán bộ của mình làm giả hồ sơ, giả cả chữ ký khách hàng, giả cả con dấu để rút tiền, vay tiền suốt một thời gian dài không biết thì phải xem lại cách quản lý, quy trình làm việc của Vietinbank.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè) và Phạm Thị Tuyết Anh cũng đặt 3 câu hỏi dành cho Vietinbank.

Cụ thể, một là các bị cáo nguyên là cán bộ của Vietinbank, bị quy buộc phạm tội, mà phạm tội thì phải gây thiệt hại, vậy thiệt hại cho ai? Trách nhiệm quản lý những cán bộ của Vietinbank này ở đâu? Hai là, trong vụ án này, Vietinbank cho rằng mình không bị thiệt hại tài sản, không chịu trách nhiệm dân sự thì những cán bộ của Vietinbank có gây thiệt hại cho Vietinbank hay không? Nếu không gây thiệt hại thì làm sao xử lý hình sự các bị cáo? Ba là, chỉ đến khi vụ án bị khởi tố điều tra thì hành vi làm giả, gian dối chiếm đoạt tiền của Như mới bị phát hiện trong khi các lãnh đạo của Vietinbank được cho là đã làm hết trách nhiệm chỉ còn những nhân viên nhỏ bé phải chịu trách nhiệm hình sự?.

Huyền Như bị “quay” ở tòa

Bên cạnh đó, nhiều luật sư đã tập trung thẩm vấn Như để làm rõ các chiêu thức chiếm đoạt tiền, trách nhiệm quản lý tài khoản.

 
Không thể cứ gửi tiền vào ngân hàng, mà bị cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt, rồi ngân hàng không chịu trách nhiệm, mà khách hàng lại bị mất tiền, thì triệu triệu người dân để tiền cất giữ ở nhà còn hơn… và trong hoàn cảnh này đem tiền gửi cho ngân hàng như Vietinbank chẳng khác nào đem trứng giao cho ác
Luật sư Trương Thanh Đức

Ngày 9.1, tại tòa Như nhiều lần từ chối trả lời câu hỏi của luật sư và nói đã khai với cơ quan điều tra hoặc tránh trả lời trực tiếp vào câu hỏi và liên tục lặp đi lặp lại "điệp khúc": “Tất cả hồ sơ bị cáo đều làm giả chiếm đoạt tiền”.

Cụ thể, đối với các câu hỏi của luật sư bào chữa cho 3 Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên về việc khi huy động tiền các công ty này có gửi tiền trực tiếp cho bị cáo không, Như im lặng một lúc lâu rồi nói không hiểu “trực tiếp” và “gián tiếp” là thế nào.

Nhiều câu hỏi Như im lặng rất lâu, trước sự thúc ép của luật sư, Như phản ứng: “Bị cáo đang suy nghĩ xem ý luật sư như thế nào để trả lời”. Khi luật sư hỏi về phương thức chiếm đoạt thực hiện như thế nào, huy động tiền dưới danh nghĩa cá nhân hay của Vietinbank thì Như nói đã khai rõ với cơ quan điều tra, đề nghị luật sư xem lại.

Trong phần xét hỏi của luật sư Trương Thanh Đức bảo vệ quyền lợi cho Navibank, Như thừa nhận có đề xuất lãnh đạo Vietinbank, Chi nhánh TP.HCM ký 18 hợp đồng  tiền gửi với nhân viên Navibank để nhận 500 tỉ đồng (đến nay còn bị chiếm đoạt 200 tỉ đồng). Đây là những hợp đồng thật, giao dịch đã hoàn tất. Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý tài khoản của Như cũng như Vietinbank, Như cho rằng tiền trong tài khoản của khách hàng do khách hàng tự quản lý vì đó là tài sản của khách hàng. Khách hàng có thể kiểm tra biến động tài khoản ở bất cứ chi nhánh nào của Vietinbank.

Trước cách trả lời này của Như, luật sư Trương Thanh Đức phản ứng: “Không thể cứ gửi tiền vào ngân hàng, mà bị cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt, rồi ngân hàng không chịu trách nhiệm, mà khách hàng lại bị mất tiền, thì triệu triệu người dân để tiền cất giữ ở nhà còn hơn… và trong hoàn cảnh này đem tiền gửi cho ngân hàng như Vietinbank chẳng khác nào đem trứng giao cho ác”.

Nhiều câu hỏi được đặt ra liên tục làm Như căng thẳng và bật khóc tại tòa. Như nói với HĐXX: “Luật sư đặt câu hỏi không cho bị cáo suy nghĩ trả lời, theo kiểu dẫn dắt bị cáo là không đảm bảo quyền cho bị cáo”.

Lê Quang

>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Đưa chị gái bán hột vịt lộn lên làm giám đốc
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Bỏ túi tiền tỉ lãi suất chênh lệch
>> Đại án' Huyền Như lừa đảo: Choáng với số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Nhất loạt đổ tội cho Huyền Như
>> Đại án Huyền Như lừa đảo: Chi triệu đô làm thẻ xanh đi Mỹ
>> Đại án lừa đảo: Siêu lừa Huyền Như trong vòng vây tín dụng đen
>> Xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các luật sư “làm nóng” phiên khai mạc
>> Xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng: Nhiều cán bộ ngân hàng hầu tòa
>> Sắp xét xử vụ Huyền Như lừa đảo gần 5.000 tỉ đồng
>> Sắp xét xử ‘siêu lừa’ gần 4.000 tỉ đồng Huỳnh Thị Huyền Như
>> Khởi tố thêm cán bộ ngân hàng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.