Học giả quốc tế tại cuộc tọa đàm hôm 28.5 ở Singapore nhất loạt lên án những hành động hung hăng và cố tình vu vạ của Trung Quốc trên biển Đông.
|
Cuộc tọa đàm với chủ đề Gia tăng căng thẳng ở biển Đông và hậu quả của nó đối với an ninh khu vực do Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India) tổ chức, quy tụ học giả từ Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Úc, Mỹ và các viện nghiên cứu hàng đầu của Singapore.
Giải thích lý do cho cuộc tọa đàm được tổ chức có phần khẩn cấp này, Giám đốc CASS-India, ông A.B.Mahapatra, nói: “Tranh chấp biển Đông nay đã chuyển sang tình trạng căng thẳng sôi sục mà nếu không được xử lý thận trọng sẽ dễ trở thành xung đột ở mức nhỏ rồi lan thành một cuộc chiến tranh toàn diện, lôi kéo các cường quốc quân sự vào cuộc”. Ở vùng biển “huyết mạch” nối châu Á - Thái Bình Dương với châu u, châu Mỹ và Trung Đông này, “chúng ta không thể chịu đựng được một cuộc chiến tranh như vậy”, bà Mira Permatasari, thành viên văn phòng cố vấn quốc phòng và quan hệ quốc tế của Tổng thống Indonesia, phát biểu. Và tác nhân dẫn đến tình trạng hiện thời, ông Mahapatra chỉ ra, là việc “Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) thuộc sở hữu nhà nước vào Lô 143 trong vùng Đặc quyền kinh tế của VN. Hành động này là “bất ngờ, khiêu khích và phi pháp”, ông nói.
Ông Mahapatra giải thích hành động của TQ hoàn toàn phi pháp là bởi “vị trí đặt giàn khoan nằm trong vùng chủ quyền của VN”. Đáng nói hơn, TQ không chỉ khiêu khích VN mà cả thế giới bằng việc “điều hơn 80 tàu, trong đó gồm 7 tàu hải quân hộ tống giàn khoan”. “Khi VN điều tàu cảnh sát biển ra bảo vệ quyền chủ quyền của mình, TQ đã ra lệnh cho các tàu phun vòi rồng và đâm vào tàu của VN. Hành động này không chỉ nguy hiểm mà còn gây thương tích cho các thủy thủ VN”, ông Mahapatra phát biểu.
|
Điều phối viên Chương trình chuyển hóa quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore Richard Bitzinger nhìn nhận rằng trong khi các quốc gia quanh biển Đông đều phải có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này thì “tôi có thể nói rằng TQ phải chịu trách nhiệm từ 90 đến 100% về tình hình căng thẳng hiện nay”. Bởi nước này “đã vi phạm cam kết không tiến hành các hành động đơn phương trong vùng biển tranh chấp” theo bản Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC) mà họ đã ký kết với ASEAN năm 2002”, ông Bitzinger lý giải.
Điều đáng nói, theo ông Bitzinger, là dù rành rành khơi mào gây sự, Bắc Kinh luôn cố vẽ nên “một khái niệm hết sức buồn cười” rằng họ “bị các nước khác ăn hiếp”, rằng họ là “nạn nhân của các thế lực bên ngoài”. Trong trường hợp giàn khoan Hải Dương-981, TQ đã lu loa rằng giàn khoan được hạ đặt trong “lãnh hải” của họ, nhưng lại bị tàu VN “quấy rối”, ông Mahapatra chỉ ra sự xảo ngôn trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh.
Cần có ngay COC
Việc TQ nói rằng giàn khoan được hạ đặt trong lãnh hải của họ là “không có căn cứ”, ông Mahapatra nói. Ông lý giải, ở Lô 143 không có một cấu trúc đất đá nào của TQ nằm cách giàn khoan trong bán kính 12 hải lý để hình thành cái gọi là “lãnh hải” theo định nghĩa của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bắc Kinh cũng “đánh lận con đen” khi đưa ra tuyên bố rằng cực nam lãnh thổ đất liền của họ là quần đảo Hoàng Sa thay vì đảo Hải Nam như quốc tế công nhận.
Tương tự, đường 9 đoạn “liếm” gần trọn biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lại càng phi lý hơn. Do phi lý, “TQ đã không thể giải thích rõ ràng về tuyên bố của mình, dẫn đến thực tế là các cơ quan chức năng và chuyên gia khắp thế giới coi là vô giá trị”, ông Mahapatra nói. Và, “để củng cố tuyên bố chủ quyền vô lý của mình, TQ tìm mọi cách vận dụng sai về nội dung của quyền lịch sử để xâm phạm vào các quyền đương nhiên tại thềm lục địa của các quốc gia ven biển Đông khác; ngụy biện về thời hiệu của khái niệm quyền lịch sử để cố tình lẩn tránh nghĩa vụ điều ước của mình theo UNCLOS”, ông nói thêm.
Để đi đến giải pháp khả dĩ cho vấn đề, ông Mahapatra gợi ý: “Cộng đồng quốc tế đã ủng hộ và khẳng định giá trị thực tiễn và vai trò của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. TQ và các bên tranh chấp chủ quyền biển Đông khác đều là thành viên của UNCLOS phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ và giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên các quy định trong công ước này”. “Bên cạnh đó, các hiệp ước về hàng hải của Tổ chức hàng hải quốc tế cũng phải được tôn trọng và tuân thủ để ngăn chặn và xử lý các vụ việc va chạm, xung đột, tội phạm trên khu vực biển Đông”, ông nói.
Về các giải pháp trước mắt, “việc hình thành một bộ quy tắc ứng xử đa phương và có tính chất ràng buộc pháp lý giữa ASEAN và TQ luôn được các chuyên gia quốc tế xem là một cách để giảm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông”, ông Mahapatra nói. Tuy vậy, để Bộ quy tắc ứng xử (COC) có thể ra đời và thật sự có ý nghĩa, việc xây dựng nó cần được thể chế hóa với những quy định ở mức độ cao hơn, có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ, làm nền tảng cho việc hình thành một liên minh, cộng đồng hay ủy hội biển Đông.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhìn nhận việc sử dụng trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền đang là lựa chọn cho các bên tranh chấp biển Đông hiện nay. Ngoài ra, một cơ chế an ninh khu vực mang tính mở, thu hút được tất cả các nước lớn có lợi ích khác nhau ở biển Đông nhằm tạo cơ sở cho việc thiết lập cấu trúc an ninh khu vực “cân bằng quyền lực được thể chế hóa”. Cơ chế này còn bổ sung cho mục tiêu Cộng đồng an ninh ASEAN nói riêng, cũng như cấu trúc an ninh Đông Á lấy ASEAN làm hạt nhân nói chung, ông Mahapatra nói.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Các nước trong khu vực sẽ liên minh chống Trung Quốc trên biển Đông
>> Nghị sĩ Mỹ và Việt Nam sẽ trao đổi về vấn đề biển Đông
>> Trung Quốc 'đổ thêm dầu đốt cháy hòa bình ở Biển Đông
>> Trung Quốc cảnh cáo Nhật: đừng can dự vào biển Đông
>> Bất ổn ở biển Đông đe dọa kinh tế thế giới
>> Mỹ kêu gọi thế giới lên án hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông
Bình luận (0)