Ấn Độ vượt Trung Quốc, Nhật Bản trong cuộc đua đến sao Hỏa

25/09/2014 09:10 GMT+7

(TNO) Ấn Độ vào ngày 24.9 đã vượt qua phần còn lại của châu Á để chiến thắng trong cuộc đua khám phá sao Hỏa, sau khi tàu thăm dò không người lái Mangalyaan của nước này bay thành công vào quỹ đạo của hành tinh đỏ.

(TNO) Ấn Độ vào ngày 24.9 đã vượt qua phần còn lại của châu Á để chiến thắng trong cuộc đua khám phá sao Hỏa, sau khi tàu thăm dò không người lái Mangalyaan của nước này bay thành công vào quỹ đạo của hành tinh đỏ.


Tàu thăm dò Mars Orbiter Mission đã bay vào quỹ đạo sao Hỏa thành công - Ảnh: AFP

Theo AFP, các nhà khoa học Ấn Độ tại trung tâm điều khiển sứ mệnh đã reo hò và vỗ tay vui mừng sau khi tàu Mars Orbiter Mission, hay còn gọi là Mangalyaan, khai hỏa động cơ chính của nó để lướt thành công vào quỹ đạo sao Hỏa.

Sự chờ đợi kéo dài 10 tháng từ khi tàu Mars Orbiter Mission được phóng lên không trung ở Trung tâm vũ trụ Sriharikota nằm ven vịnh Bengal vào chiều 5.11.2013, đã mang lại niềm vui to lớn cho cả đất nước Nam Á, khi tàu bay đến sao Hỏa thành công sau chuyến hành trình dài 410 triệu km.

"Lịch sử đã được ghi nhận. Chúng ta đã dám dấn bước vào những gì chưa biết và làm được cái điều gần như là bất khả", AFP dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói tại Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), trụ sở gần Bangalore.

Thành công trên cũng củng cố thêm quyết tâm của Thủ tướng Narendra Modi nhằm tiến tới xây dựng các thiết bị phóng vũ trụ mới có thể đưa vào không gian những loại vệ tinh nặng hơn, giúp Ấn Độ trở nên mạnh mẽ hơn trong thị trường công nghệ không gian.

Sự kiện tàu Mars Orbiter Mission đi vào quỹ đạo hành tinh đỏ đã giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh thăm dò sao Hỏa ngay lần phóng tàu đầu tiên. Trong khi châu u, Mỹ, Nga đã đưa được tàu vũ trụ bay đến quỹ đạo và cả đáp lên bề mặt hành tinh đỏ nhưng phải sau vài lần thất bại.

Đặc biệt, tàu Mars Orbiter Mission cũng đã đưa ngành công nghiệp vũ trụ Ấn Độ vượt mặt Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia lần lượt thất bại trong tham vọng đưa tàu đến sao Hỏa vào năm 2011 và 2003.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (áo đỏ) chúc mừng các nhà khoa học tại Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO)

Điều đáng nói là sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ chỉ tiêu tốn 74 triệu USD, quá rẻ so với chi phí 671 triệu USD mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bỏ ra để đưa tàu Maven bay đến sao Hỏa.

Con tàu của Mỹ này hôm 22.9 cũng thâm nhập thành công vào quỹ đạo sao Hỏa, bắt đầu cho sứ mệnh nghiên cứu sự thay đổi khí hậu để trả lời câu hỏi vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian.

Trong khi đó, tàu Mars Orbiter Mission, nặng 1.350 kg, mang sứ mệnh nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ; tìm xem liệu có nước trên đó hay không.

Theo công bố của các nhà khoa học Ấn Độ thì tàu Mars Orbiter Mission bay vào quỹ đạo sao Hỏa vào lúc 9 giờ 32 phút sáng 24.9 (giờ Việt Nam). Nó mang theo một camera, một quang phổ kế hình ảnh, một cảm biến đo methane và hai thiết bị khoa học khác.

Tàu sẽ bay quanh sao Hỏa trong khoảng sáu tháng ở độ cao khoảng 500 km để thu thập dữ liệu truyền về Trái đất.

Tiến Dũng

>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ trước thời điểm quyết định
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ lên quỹ đạo 100.000 km
>> Tàu thăm dò của Ấn Độ bắt đầu tiến đến sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ gặp sự cố
>> Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ cất cánh
>> NASA sắp phóng tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa
>> Ấn Độ 'lên tinh thần' cho sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa
>> Ấn Độ dời ngày phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> Nga sẽ phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng sao Hỏa
>> Ấn Độ sắp phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> Đất bề mặt sao Hỏa có chứa nước
>> Dần tắt hy vọng tìm thấy sự sống trên sao Hỏa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.