Những đôi guốc mộc được tô điểm hoa văn nổi bật mang hơi hướng hiện đại là tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn trong sự kiện Chợ quê giữa phố do Hội quán các bà mẹ tổ chức cuối tuần rồi tại Q.1, TP.HCM.
Những đôi guốc với đa dạng các mẫu mã được cách tân mới mẻ |
Ý lê |
Người trẻ có niềm đam mê với guốc mộc
Với thông điệp “Để cho guốc mộc sống đời dài thêm”, Chợ quê giữa phố trưng bày những sản phẩm mang đậm nét xưa trong kiểu dáng nhưng cực kỳ trẻ trung trong cách trang trí. Bên cạnh việc bày bán, gian hàng còn nhận tô vẽ, thay quai và dán đế miễn phí cho những ai mang guốc mộc đến đây. Người phụ trách gia cố guốc là chị Phan Thị Mai Thanh (34 tuổi, P.13, Q.4, TP.HCM) đã gắn bó với nghề này gần 18 năm.
Gian hàng guốc thu hút sự chú ý của các cô, các chị và cả các bạn trẻ |
Ý Lê |
Chị Thanh chia sẻ thị phần của guốc mộc đang dần thu hẹp, rất dễ bị mai một. Vì thế, chị cho rằng những đôi guốc phải “lột xác” để dễ dàng tiếp cận những người trẻ và phù hợp hơn với xu hướng thời trang hiện nay.
“So với trước đây, đôi guốc mộc hiện có nhiều thay đổi như đế được làm từ gỗ thông và quai may từ vải hay da mềm nhằm đảm bảo độ nhẹ nhàng, êm ái. Đế guốc được bọc một lớp cao su để khi đi ít phát ra tiếng. Ngoài ra, có thêm nhiều kiểu dáng như bít mũi, quai chéo, cao gót được thiết kế để khách hàng có thêm sự lựa chọn”, chị Thanh cho hay.
Guốc mộc sau khi kẹp đinh chắc chắn có thể mang đến khoảng 10 năm |
Ý Lê |
Khi được hỏi về việc làm sao để guốc mộc sống đời dài thêm, chị Thanh chia sẻ chỉ cần thay quai và miếng lót mới, tận dụng lại đế cũ để tăng vòng đời cho guốc. “Còn với những đôi mới thì không ngừng cách tân mẫu mã, sao cho hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Có như thế, guốc mộc mới có thể được lưu truyền đến những đời sau”, chị Thanh nói.
Có chung niềm đam mê với guốc mộc , chị Bùi Thị Thu Nguyên (30 tuổi, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phụ trách việc trang trí quai guốc, cho biết: “Sau một lần đến Chợ quê giữa phố, tôi nhận thấy những đôi guốc mộc rất đẹp nhưng lại khá đơn điệu và xưa cũ nên nghĩ ra ý tưởng sẽ pha vào đây một chút hiện đại bằng cách vẽ lên quai guốc mộc những hình ảnh xinh xắn, nhiều màu sắc để guốc trở nên gần gũi với mọi người”. Với ý tưởng này, chị Nguyên đã thổi hồn vào những đôi guốc, khiến chúng trở nên mới mẻ, nổi bật hơn.
Do quai guốc nhỏ nên người thợ cần có sự tỉ mỉ cao mất khoảng 20-30 phút mới hoàn thành một đôi |
Ý Lê |
Lưu giữ ký ức xưa
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (49 tuổi, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ) cho biết lý do đưa guốc mộc vào các sự kiện của Hội quán là vì muốn lưu giữ ký ức xưa. “Ngày nhỏ, mỗi dịp tết đến, mẹ sẽ thay cho tôi đôi guốc mới để đi cho cả một năm. Tiếng guốc lọc cọc vang đều trong xóm cũng làm ngày tết nhộn nhịp hơn. Giờ đây, nhìn những đôi guốc, tôi nhớ những ngày đó, nhớ mẹ mình”, chị Thúy kể.
Diện áo dài đến Chợ quê giữa phố, chị Bùi Thị Minh Tâm (41 tuổi, P.5, Q.3, TP.HCM) dừng chân hồi lâu trước gian hàng guốc mộc. “Lúc còn học ở trường THPT, tôi thường ra chợ Tân Định mua guốc mộc về mang chung với áo dài để đi học, đế guốc phẳng nên dễ đạp xe. Cho đến nay, guốc mộc vẫn là sự lựa chọn của tôi vì chất liệu thân thiện với môi trường, tiện cho những ngày mưa. Tôi rất vui khi vẫn có các bạn trẻ yêu thích guốc mộc và sáng tạo ra chúng như thế này”, chị Tâm bộc bạch.
Nhiều người mải mê ngắm nghía những đôi guốc truyền thống pha nét hiện đại |
Ý Lê |
“Tôi chọn guốc mộc cho con mình để các con biết đến những nét văn hóa của quê hương Việt Nam. Không ngờ các con vô cùng thích thú vì sự mới lạ và những hình ảnh dễ thương được vẽ trên guốc, con tôi còn đòi mua nhiều để đem sang nước ngoài”, chị Trịnh Anh Thư (34 tuổi, P.22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ khi vừa về Việt Nam được 1 tuần sau nhiều năm định cư ở Canada.
Còn Kiều Thị Thảo My (20 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) mải mê chụp hình những đôi guốc mộc và vui vẻ nói: “Tôi bị thu hút bởi màu sắc sặc sỡ và dáng vẻ trông rất chắc chắn của guốc mộc. Tết năm nay nhất định tôi sẽ thêm một đôi vào kệ giày của mình để diện với áo dài hay váy đầm, sau đó sẽ giữ lại làm kỷ niệm”.
Bình luận (0)