15 cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận
Sáng 14.11 với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Thanh tra sửa đổi.
Quốc hội thông qua dự án luật Thanh tra sửa đổi sáng 14.11 |
gia hân |
Trước đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết riêng khoản 1 Điều 78 dự thảo luật về ban hành kết luận thanh tra.
Đây là một quy định mới được đưa vào luật trong lần sửa đổi này. Theo đó, quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra.
Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.
Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Đối với các trường hợp này, luật vừa mới thông qua quy định chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay một số ý kiến quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình tiếp thu luật Thanh tra sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thông qua |
gia hân |
Theo ông Tùng, việc chậm trễ, ban hành kết luận thanh tra không kịp thời là một trong các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ qua tổng kết thi hành luật Thanh tra năm 2010, có nguyên nhân một phần do luật Thanh tra chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm.
Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này. Đến nay, trong tổng số 15 cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành chậm ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 7 kết luận thanh tra; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 dự thảo kết luận thanh tra.
Còn 2 cuộc thanh tra đã cơ bản kết thúc, đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo kết luận để ban hành (dự kiến hoàn thành trong tháng 11.2022).
Ông Tùng cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được rà soát, quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (từ Điều 73 - Điều 79).
Trong đó, xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra và quy định như dự thảo luật trình thông qua.
Chậm nhất 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra
Dự thảo luật vừa được Quốc hội thông qua cũng quy định, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải công khai kết luận thanh tra.
Về hình thức công khai, luật cũng quy định rõ hình thức bắt buộc là đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Ngoài ra, cơ quan có trách nhiệm công khai phải công khai một trong 3 hình thức, gồm: tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần là người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, luật cũng quy định rõ: đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở T.Ư; đối với cuộc thanh tra do thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Luật Thanh tra sửa đổi có hiệu lực kể từ 1.7.2023.
Bình luận (0)