Nhiều bạn đọc, chuyên gia kinh tế cho rằng thuế thu nhập cá nhân sau 6 năm áp dụng hiện bộc lộ nhiều bất hợp lý, quá lạc hậu so với thực tế. Vì vậy các cơ quan chức năng cần nhanh chóng sửa đổi, cập nhật lại.
Quá hời hợt dù ảnh hưởng lợi ích người dân
Nếu nhìn vào mặt bằng giá trên thị trường, sự lỗi thời của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có thể nói là vô cảm. Đơn giản là cách đây mấy năm tiền gửi xe máy chỉ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc tùy chỗ, còn hiện nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng. Với các mặt hàng thiết yếu, hơn 6 năm qua mỗi lít xăng đã tăng thêm 12 - 15% tùy loại; điện tăng 23,5%; học phí, viện phí... mọi cái đều tăng. Nghĩa là chi phí tối thiểu đã tăng mạnh nhưng thuế TNCN không được điều chỉnh khiến người dân phải đóng thuế nhiều hơn.
Đáng nói là theo quy định, trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Thế nhưng tính đến thời điểm này, sau hơn 6 năm áp dụng luật Thuế TNCN, CPI đã tăng xấp xỉ 24%, hết năm nay khoảng 26% thì các ngưỡng thuế quá lỗi thời này vẫn đứng yên.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Luật Thuế TNCN đã quá lạc hậu so với sự phát triển của kinh tế cũng như nhiều mô hình kinh doanh cá thể khác. Vì vậy cần phải có sự thay đổi nhanh để người đóng thuế không cảm thấy bị đối xử mất công bằng”.
“Tại sao một chính sách thuế quan trọng như thế, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền duy nhất của người đi làm công ăn lương mà lại thiếu sự quan tâm hoặc hời hợt trong suốt nhiều năm qua? Trong khi giá cả mọi dịch vụ hay nhu yếu phẩm đều thay đổi...”, bạn đọc (BĐ) Tấn Tài (TP.HCM) bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Huỳnh Anh (TP.HCM) viết: "6 năm, với sự mất giá của VNĐ thì người dân với kiến thức cơ bản cũng nhận thấy việc không điều chỉnh kịp thời mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc là một điều không công bằng cho người đóng thuế TNCN. Khoan thì cần phải thư, phải dưỡng thì mới tạo nguồn thu đầy đủ hơn, hợp lòng dân hơn".
"Tôi thấy rằng thuế TNCN hiện nay không phản ảnh đúng thực tế, người dân lao động 1 đồng cũng phải tính thuế. Chưa nói đến việc rất nhiều đối tượng thu nhập cao nhưng lại không thu được đồng thuế nào. Phản ánh tình trạng không minh bạch trong tài chính và không giao dịch thông qua hoạt động ngân hàng. Riêng đối với nội dung thuế TNCN hiện tại cần phải xem xét và có điều chỉnh ngay về mức giảm trừ gia cảnh. Mức 3,6 triệu đồng/người phụ thuộc hoàn toàn không phù hợp với tình hình hiện tại. Người lao động càng ngày càng khó khăn, eo hẹp trong chi tiêu mà thu nhập không tăng tương xứng. Luật Thuế TNCN hiện nay đang làm khó người lao động", BĐ Trần Tuấn (Hà Giang) nêu quan điểm.
Phải sửa đổi gấp
Trước tình trạng luật Thuế TNCN bộc lộ nhiều bất hợp lý, lạc hậu so với thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế, BĐ đề nghị các ban ngành liên quan nhanh chóng có kiến nghị sửa đổi... Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, trong chương trình Quốc hội năm 2019 và cả năm 2020 không thấy đưa việc sửa đổi luật thuế này vào.
“Đề nghị Quốc hội phải có hành động ngay cho vấn đề này. Không vì sợ ảnh hưởng thu ngân sách mà bắt dân chịu thiệt. Dân có giàu thì nước mới mạnh được”, BĐ Trần Khánh Nam (TP.HCM) đề nghị.
Đồng quan điểm, BĐ Lily Trần (Hà Nội) viết: "Các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các bộ ngành liên quan, Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng sửa đổi cho hợp lý chứ cứ để tình trạng này tiếp diễn thì phi lý quá".
"Đành rằng sống và làm việc theo pháp luật nhưng luật cũng phải luôn cập nhật với thực tế đời sống xã hội, hợp lý, hợp tình thì mới tạo được hiệu quả tích cực được", BĐ Bảo Huy (Khánh Hòa) nêu ý kiến.
Bình luận (0)