Phân biệt đèn DRL và AHO: Hai kiểu đèn dễ ‘nhầm lẫn” trên xe máy

Đình Tuyên
Đình Tuyên
17/08/2021 08:53 GMT+7

Cả hai đều là đèn bổ trợ, giúp tăng khả năng nhận diện xe trong quá trình di chuyển khiến không ít người nhầm lẫn giữa hai loại đèn trên xe máy, gồm đèn xe chạy ban ngày (DRL) và đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO).

Với mục đích tăng cường tính an toàn trên xe máy khi tham gia giao thông, nhiều hãng xe trên thế giới từ lâu đã trang bị trên xe một số loại đèn nhận diện xe vào ban ngày. Tác dụng của những loại đèn này là giúp các phương tiện khác, đặc biệt là phương tiện di chuyển ngược chiều dễ dàng nhận biết và phát hiện ra chiếc xe có gắn đèn nhận diện đang lưu thông phía trước, để kịp thời xử lý và né tránh (nhất là trong các điều kiện ánh sáng bất thường, cản trở tầm nhìn).
Đáng chú ý, đèn nhận diện ban ngày trên xe máy hiện nay đang được các hãng sử dụng chủ yếu gồm 2 loại: Đèn xe chạy ban ngày (DRL) và Đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO). Tuy nhiên, do có cùng mục đích giúp tăng tính nhận diện và đều được thiết kế tự động bật sáng khi xe khởi động động cơ, thế nên hai loại đèn này cũng khiến rất nhiều người nhầm lẫn. Vậy DRL và AHO khác nhau ở điểm nào?

Thế nào là đèn DRL?

Theo định nghĩa đã được nêu rõ trong quy định số 53 và 87 của Công ước Vienna về giao thông đường bộ, đèn xe chạy ban ngày (DRL) là loại đèn được lắp phía trước của xe, giúp xe được dễ dàng nhận ra trong điều kiện ban ngày. Tuy nhiên, cường độ sáng của đèn này theo quy định phải nhỏ hơn đèn chiếu sáng phía trước, nằm trong giới hạn từ 400 - 1200 cd. Bên cạnh đó, đèn DRL sẽ tự động bật sáng khi động cơ hoạt động và tự động tắt khi đèn chiếu sáng phía trước mở.

Ngày nay, đèn DRL thường sử dụng công nghệ đèn LED, vừa bắt mắt đồng thời lại tiết kiệm năng lượng

Đặc biệt, đèn DRL bên cạnh chức năng tăng tính nhận diện xe, ngày nay còn được nhiều hãng sử dụng như một chi tiết trang trí, tăng tính thẩm mỹ cho xe.

Thế nào là đèn AHO?

Trong khi đó, cũng theo định nghĩa đã được nêu rõ trong Công ước Vienna về giao thông đường bộ, đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO) là loại đèn chiếu sáng phía trước, luôn sáng khi động cơ hoạt động. Đặc tính kỹ thuật của đèn AHO hoàn toàn tương đồng với đèn chiếu sáng phía trước thông thường.

Xe máy tại Việt Nam nên sử dụng đèn nhận diện nào?

Tại Việt Nam trước thời điểm năm 2020, không nhiều mẫu xe được trang bị đèn nhận diện ban ngày và chủ yếu là xe nhập khẩu. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, đặc biệt là sau khi Bộ Giao thông – Vận tải trình và lấy ý kiến cho dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có Khoản 3 Điều 27, quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”; nhiều hãng xe bắt đầu tung ra những mẫu mã mới với thiết kế bổ sung đèn nhận diện ban ngày.

Honda Việt Nam gần đây cũng trang bị đèn AHO trên tất cả phiên bản xe mới

Điển hình nhất phải kể đến là Honda. Trong năm 2020, hãng xe máy Nhật đồng loạt trang bị đèn nhận diện ban ngày trên tất cả dòng xe đời mới. Loại đèn mà Honda lựa chọn là đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO). Trong khi đó, một số hãng lớn khác như Yamaha hay Piaggio cũng đã bổ sung đèn nhận diện ban ngày trên các dòng xe mới, nhưng đa số chọn đèn xe chạy ban ngày (DRL).
Về việc lựa chọn loại đèn, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi hãng xe, thị trường sử dụng, cũng như tình toàn cầu của mỗi hãng nhưng dù chọn phương án thiết kế nào thì cũng phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia nơi xe lưu thông.

Đối thủ Yamaha lại ưu tiên trang bị đèn nhận diện loại DRL

Đáng chú ý, quy định bắt buộc bật đèn xe máy vào ban ngày tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sau khi đưa ra lấy ý kiến đã không được áp dụng vì vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ người dân. Theo đó, đa số người Việt cho rằng trang bị đèn nhận diện ban ngày (đặc biệt là đèn AHO) là chưa phù hợp, bởi điều kiện giao thông đông đúc, khí hậu nóng bức, ít sương mù và đặc biệt là văn hóa ẩm thực vỉa hè khiến việc sử dụng đèn này sẽ khiến người dùng xe gặp rất nhiều “rắc rối”.
Trong khi, trên nhiều diễn đàn xe, số ít người ủng hộ trang bị tiêu chuẩn đèn nhận diện ban ngày trên xe máy cho rằng, với điều kiện giao thông, khí hậu và văn hóa tại Việt Nam, việc sử dụng đèn xe chạy ban ngày (DRL) sẽ phù hợp hơn, thay vì đèn chiếu sáng phía trước tự động (AHO).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.