Đó là tinh thần của cuộc họp Chính phủ, được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thông báo tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra sau đó.
Ông Dũng thông tin, tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục diễn biến tích cực. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ - đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tỷ giá ổn định trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước khu vực mất giá so với USD. Xuất khẩu tăng khá với con số ước đạt gần 170 tỉ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%. Xuất siêu tăng cao trở lại, ước 8 tháng xuất siêu 3,4 tỉ USD - một con số kỷ lục. Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Trong 8 tháng qua, có gần 90.500 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 31% về số vốn. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%; DN quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ các bất cập, tồn tại trong chỉ đạo, điều hành như giải ngân đầu tư công còn chậm, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long khiến một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Nông nghiệp gặp khó khăn. Kết cấu hạ tầng giao thông còn là vấn đề nhức nhối.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu chỉ bàn tiến, không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, từ đó nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức. Thủ tướng nhấn mạnh cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội giao là 4%. Các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Tinh thần năm nay phải hoàn thành, hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, Thủ tướng khẳng định gần như chắc chắn tăng trưởng kinh tế GDP sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6 - 6,8%).
Mua lại cổ phần ACV để đảm bảo an ninh cao nhất
Tại buổi họp báo, nhằm làm rõ thêm về đề xuất mua lại cổ phần ngoài nhà nước tại Tổng công ty cảng hàng không (ACV), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo tờ trình của Bộ GTVT tại đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sở hữu công do nhà nước đầu tư, quản lý thì việc mua lại cổ phần chỉ là một trong nhiều phân tích, phương án khác nhau và phương án có kiến nghị là từ nay đến 2025 tiếp tục giao cho ACV quản lý, khai thác các khu bay, đường bay, đường lăn (trực thuộc của nhà nước quản lý do vấn đề an ninh quốc phòng). “Trong giai đoạn đó sẽ có đánh giá, rồi xem xét có chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT quản lý, khai thác hay không. Đề xuất này là nhằm đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh quốc phòng. Nếu đề án được phê duyệt thì mới có tính là mua, gom hoặc là lấy kinh phí ở đâu ra để thực hiện”, ông Đông cho biết.
Liên quan đến lún nứt ở đường băng sân bay Nội Bài chậm sửa, theo ông Đông, cũng xuất phát từ việc ACV không còn là DN 100% vốn nhà nước. “Từ tháng 4.2016 trở về trước, tất cả công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường bay thuộc trách nhiệm của ACV trên cơ sở hạch toán. Nhưng sau cổ phần hóa từ 4.2016, do liên quan đến vấn đề an ninh, những khu bay như đường băng, đường lăn thuộc tài sản nhà nước nên nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp.
Thế nhưng, việc lập kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 là thời gian giao thời và nguồn kinh phí khi đó rất khó khăn nên việc cải tạo này không nằm trong kế hoạch”, ông Đông thông tin. Ông Đông cho hay, trong đề án vừa trình Thủ tướng, bộ này vẫn kiến nghị giao ACV quản lý tài sản khu bay đến 2025, và trước mắt thì ACV vẫn quản lý, khai thác nên ACV vẫn đang sửa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn bay.
Tại buổi họp báo, người phát ngôn Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều vấn đề nóng mà báo chí đặt ra.
Cụ thể, trước câu hỏi tỷ lệ thi hành án dân sự ở các địa phương rất thấp (chỉ 39%) liệu có mâu thuẫn với thông điệp thượng tôn pháp luật mà Chính phủ đặt ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quyết tâm hướng tới Chính phủ kiến tạo, hành động và nhấn mạnh rằng trong mục tiêu ấy có việc phải thượng tôn pháp luật mà các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cấp hành chính địa phương phải luôn gương mẫu.
“Tỷ lệ án thi hành thấp là việc rất khách quan dù các địa phương và các cơ quan chức năng cũng rất quyết liệt. Dù con số này thấp nhưng không vì thế mà khẳng định chúng ta không thượng tôn pháp luật”, ông Dũng nói.
|
Bình luận (0)